Mãn kinh là thời điểm đánh dấu sự kết thúc của chu kỳ kinh nguyệt, khả năng sinh sản, ảnh hưởng đến sức khỏe và vóc dáng của nữ giới. Bác sĩ CKII Lê Thanh Huyền, Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết tăng cân ở thời kỳ mãn kinh phổ biến. Ước tính nữ giới tăng trung bình 1,5 kg mỗi năm ở tuổi 45-55 ngay cả khi không thay đổi trong cách ăn uống, vận động. Dưới đây là một số nguyên nhân.
Thay đổi nội tiết tố
Đây là yếu tố lớn ảnh hưởng đến cân nặng của nữ giới sau mãn kinh. Ở độ tuổi này, nồng độ hormone estrogen đóng vai trò điều hòa phân bố mỡ trong cơ thể nữ giới dần suy giảm. Cơ thể có xu hướng chuyển từ đốt mỡ thành tích trữ mỡ, nhất là ở vùng bụng. Khi nồng độ estrogen giảm, quá trình trao đổi chất chậm lại, cơ thể đốt cháy ít calo. Sự thay đổi hormone cũng làm tăng cảm giác thèm ăn, nhất là thực phẩm giàu đường, chất béo và tinh bột. Mất estrogen góp phần làm tăng tế bào mỡ có nguồn gốc từ tủy xương, tăng mỡ nội tạng ở phụ nữ sau mãn kinh.
Quá trình lão hóa tự nhiên
Quá trình lão hóa làm giảm khối lượng cơ bắp, mật độ xương, làm cho trọng lượng tổng thể giảm. Bác sĩ Huyền cho biết trung bình khối lượng cơ bắp giảm khoảng 3-8% mỗi thập kỷ từ tuổi 30, tốc độ mất cơ tăng hơn nữa sau tuổi 60. Tuy nhiên, do quá trình trao đổi chất, nhu cầu năng lượng giảm, lượng calo tiêu thụ ít hơn khiến phụ nữ tăng cân nếu duy trì tiêu thụ cùng một lượng thực phẩm. Cơ bắp đốt cháy nhiều calo hơn chất béo, vì vậy mất cơ bắp khiến giảm cân trở nên khó khăn.
Căng thẳng, rối loạn giấc ngủ
Mãn kinh kéo theo những thay đổi về cảm xúc, tâm trạng, dễ dẫn đến căng thẳng, rối loạn giấc ngủ. Khi căng thẳng kéo dài, cơ thể sản xuất nhiều hormone cortisol, tăng cảm giác thèm ăn đồ ngọt, béo và mặn, đồng thời tích trữ mỡ, nhất là vùng bụng. Ngủ không đủ giấc cũng làm giảm khả năng tự điều chỉnh cân nặng của cơ thể do ảnh hưởng đến hormone liên quan đến cảm giác đói - no như ghrelin và leptin. Điều này có thể dẫn đến ăn uống mất kiểm soát.

Bác sĩ Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì tư vấn cho một người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Tăng kháng insulin
Hormone estrogen giúp điều chỉnh độ nhạy insulin. Nếu nồng độ estrogen giảm làm tăng tình trạng kháng insulin, giảm nhạy cảm insulin, dẫn đến rối loạn dung nạp đường máu. Điều này gây tăng đường máu, tăng tích trữ chất béo, khó giảm cân, nhất là quanh vùng bụng.
Di truyền
Một số phụ nữ có thể trải qua giai đoạn mãn kinh với mức độ tăng cân nhanh hơn do yếu tố di truyền. Nếu gia đình có mẹ, chị em ruột bị thừa cân, béo phì, nguy cơ cân nặng khó kiểm soát sau tuổi mãn kinh cao hơn.
Thay đổi lối sống
Phụ nữ lớn tuổi có xu hướng ít vận động kết hợp ăn uống không lành mạnh làm giảm tốc độ trao đổi chất, mất cân bằng năng lượng nạp, gây khó kiểm soát cân nặng. Trọng lượng dư thừa trong tuổi trung niên làm giảm sự tự tin, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, viêm khớp, ung thư.
Bác sĩ Huyền khuyến cáo nữ giới nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng dưỡng chất, ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ, rau quả, protein nạc, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều chất béo, đường. Phái đẹp nên tăng cường hoạt động thể chất như đi bộ, bơi lội, tập yoga, đạp xe... để kiểm soát thay đổi nội tiết tố, duy trì khối lượng cơ bắp, tăng cường trao đổi chất, hỗ trợ giảm cân. Các bài tập thư giãn như thiền, hít thở sâu, yoga cũng giải phóng endorphin làm giảm căng thẳng, cải thiện giấc ngủ, từ đó góp phần cân bằng hormone liên quan đến thèm ăn.
Phương pháp giảm cân lành mạnh, ứng dụng công nghệ cao có thể tác động vào cơ chế chuyển hóa của cơ thể, hạn chế hình thành mỡ, tăng cường chuyển hóa và ly giải mỡ. Phụ nữ tuổi trung niên không bị mệt mỏi, mất nước, tiêu chảy, chán ăn nhưng vẫn giảm cân, giảm mỡ, không làm gia tăng nguy cơ khiến bệnh nền đang mắc nặng hơn.
Độc giả đặt câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |