Tôi nghĩ chỉ người béo mới mắc bệnh này. (Mỹ Linh, 32 tuổi, Hà Nội)
Trả lời:
Nhiều người nhầm tưởng người gầy ít bị cholesterol cao. Thực tế tình trạng rối loạn mỡ máu có thể xảy ra ở bất kỳ ai, kể cả người có cân nặng bình thường hoặc thấp hơn tiêu chuẩn. Nhiều nguyên nhân khiến người gầy vẫn có thể bị rối loạn mỡ máu. Chế độ ăn uống chưa hợp lý, thường xuyên sử dụng thực phẩm chiên rán, đồ ăn chế biến sẵn, chất béo bão hòa, nước ngọt, rượu bia, thuốc lá... làm tăng nguy cơ rối loạn mỡ máu.
Cholesterol trong máu không chỉ đến từ thức ăn thiếu lành mạnh mà còn do gan tự tổng hợp. Dù bạn không ăn nhiều chất béo nhưng nếu gan sản xuất quá mức cholesterol cũng khiến chỉ số mỡ máu tăng cao. Một số người dù ăn uống điều độ, cân nặng bình thường nhưng cơ địa lại dễ rối loạn chuyển hóa mỡ máu, yếu tố di truyền hoặc do lối sống ít vận động, căng thẳng kéo dài.
Những người ngủ không đủ giấc cũng làm tăng cholesterol xấu (LDL) và giảm cholesterol tốt (HDL). Một số bệnh lý nền như đái tháo đường, suy giáp, bệnh gan hoặc rối loạn chuyển hóa bẩm sinh cũng góp phần khiến cholesterol trong máu tăng. Để xác định chính xác nguyên nhân gây rối loạn mỡ máu của bạn, bác sĩ cần dựa vào thói quen sinh hoạt, chế độ ăn, tiền sử gia đình và các bệnh lý liên quan.
Người gầy bị rối loạn mỡ máu không được phát hiện, điều trị sớm có nguy cơ xơ vữa động mạch và bệnh tim mạch tương đương người thừa cân. Những người gầy chủ quan, ít đi kiểm tra mỡ máu định kỳ, dễ bỏ sót tình trạng cholesterol tăng cao kéo dài âm thầm trong nhiều năm. Khi tích tụ quá mức, cholesterol xấu có thể lắng đọng trên thành động mạch, hình thành mảng xơ vữa, gây hẹp lòng mạch và cản trở máu lưu thông, làm gia tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Đặc biệt, nhiều trường hợp không có triệu chứng rõ ràng, khi đã có biến chứng mới xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo muộn như đau ngực, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, rối loạn nhịp tim...
Khi phát hiện rối loạn mỡ máu, người bệnh cần tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn chế độ ăn phù hợp. Người bệnh ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây tươi ít ngọt (bưởi, táo xanh, kiwi, dưa leo...), ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu giúp làm giảm hấp thu cholesterol từ thức ăn, hỗ trợ đào thải cholesterol xấu qua đường tiêu hóa. Tăng cường axit béo tốt bằng việc ăn các loại cá béo như cá hồi, cá trích, cá mòi 2-3 bữa mỗi tuần hoặc sử dụng dầu thực vật tốt cho tim mạch như dầu ôliu, dầu hạt cải, dầu óc chó.
Người bệnh nên hạn chế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa thường có nhiều trong thịt đỏ, nội tạng động vật, đồ chiên rán, thức ăn nhanh, bơ thực vật công nghiệp, bánh quy. Cắt giảm tiêu thụ các loại nước ngọt, bánh kẹo chứa nhiều đường bổ sung, hạn chế uống quá nhiều nước ép trái cây đều dễ làm tăng triglycerid và rối loạn chuyển hóa lipid máu.
Để phòng ngừa và kiểm soát cholesterol máu hiệu quả, mỗi người nên kiểm tra mỡ máu định kỳ, nhất là từ sau 30 tuổi hoặc có yếu tố nguy cơ. Bên cạnh chế độ ăn lành mạnh, bạn nên tăng cường vận động thể chất tối thiểu 30 phút mỗi ngày, giữ cân nặng, vòng eo hợp lý, tránh tích mỡ nội tạng dù bề ngoài gầy. Bạn nên sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng, giữ tinh thần thoải mái.
Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |