Việt Nam đứng thứ 3 về quy mô thị trường trà sữa tại Đông Nam Á
Theo thống kê, trà sữa đã mang về mức doanh thu 1,6 tỷ USD cho Indonesia và 749 triệu USD cho Thái Lan. Còn ở Việt Nam, theo thống kê, người Việt chi khoảng 362 triệu USD (tương đương khoảng 8.400 tỷ đồng) để uống trà sữa trong một năm, đứng thứ 3 về quy mô thị trường trà sữa tại Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, trà sữa vẫn là một trong những sản phẩm được giới trẻ ưa thích nhất, nhưng cuộc chiến để tồn tại không kém gay gắt. Giữa năm 2019, Ten Ren, thương hiệu trà sữa Đài Loan có mặt tại Việt Nam từ năm 2017 đã thông báo dừng hoạt động. Cùng thời điểm đó, một số cửa hàng trà sữa nhỏ, cửa hàng nhượng quyền cũng bắt đầu rút lui và thị trường ít ghi nhận sự góp mặt của những tên tuổi mới. Ngược chiều với nhiều thương hiệu trà sữa khác tại Việt Nam, Phúc Long là chuỗi F&B hiếm hoi có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ cả về doanh thu và số lượng điểm bán.
Tháng 8/2022, Tập đoàn Masan thông qua công ty con The Sherpa tiếp tục chi hơn 3.600 tỷ đồng (tương đương 155 triệu USD) mua thêm 34% cổ phần của Phúc Long, nâng tỷ lệ sở hữu tại chuỗi F&B này lên 85%. Sau thỏa thuận này, Phúc Long có định giá lên đến 455 triệu USD. Thương vụ là bước đi tiếp theo trong tầm nhìn phục vụ 80% chi tiêu tiêu dùng của người Việt, trong đó chuỗi F&B là mảnh ghép chiến lược của hệ sinh thái Point of Life.
Masan lần đầu rót vốn vào Phúc Long vào tháng 5/2021. Thời điểm đó, thương hiệu đồ uống của Việt Nam này được định giá 75 triệu USD thông qua khoản đầu tư 15 triệu USD của Masan để nắm giữ 20% cổ phần công ty Phúc Long Heritage. Tháng 1/2022, Masan tiếp tục chi thêm 110 triệu USD để mua 31% cổ phần Phúc Long, đưa công ty này trở thành công ty con được hợp nhất kết quả kinh doanh vào báo cáo của Tập đoàn, đưa định giá của Phúc Long lúc này đã tăng lên 355 triệu USD.
Liệu Masan có "mua đắt" Phúc Long?
Việc mua kiểm soát một thương hiệu giàu tiềm năng qua nhiều giai đoạn là không mới. ThaiBev đã trả 5 tỷ USD cho 51% cổ phần để kiểm soát Sabeco với giá 320.000 đồng/cp. Sau đó giá SAB giảm còn quanh 230.000 đồng. Nhiều ý kiến cho rằng ThaiBev mua đắt. Nhưng người Thái không nghĩ thế, họ mua kiểm soát một công ty có thị phần Top 2 của một quốc gia gần 100 triệu dân, tiêu thụ bia lớn.
Điều ThaiBev hay Masan có thể làm đó là tạo giá trị cộng hưởng cho công ty được mua bằng cách đưa vào sản phẩm mới, hệ thống phân phối/bán lẻ rộng khắp, thay đổi quản trị công ty nhằm tăng hiệu quả kinh doanh,… tức là 1+1 bằng 3, 5, 10, thậm chí bằng cả trăm chứ không phải là 1+1=2.
Phát biểu về chiến lược M&A, đại diện Masan cho biết: "Khi mua cổ phần tại các công ty khác, dù ở mức chiến lược hay cổ phần chi phối, Masan đều xác định không đi mua doanh thu hay lợi nhuận, mà mua 'nền tảng' phục vụ chiến lược chung của Masan." Thật vậy, khoản đầu tư của Masan vào Phúc Long đã thể hiện sức mạnh cộng hưởng mạnh mẽ với chiến lược Point of Life. Masan đã nhanh chóng mở rộng mô hình cửa hàng Phúc Long trong các WinMart+, đồng thời đẩy mạnh mô hình flagship. Tính đến cuối tháng 6/2022, Phúc Long có 74 cửa hàng flagship và 971 kiosk, tạo ra 820 tỷ đồng doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2022. Quí 2 / 2022 tăng 12% so với Quí 1 / 2022. Doanh thu của các cửa hàng flagship vào 6 tháng đầu năm 2022 và Quý 2/2022 đạt lần lượt 549 tỷ đồng and 281 tỷ đồng. Các cửa hàng flagship ghi nhận biên LNST tiệm cận 25%. Các cửa hàng này được kỳ vọng là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Phúc Long trong nửa cuối năm 2022 khi công ty đặt mục tiêu mở thêm 40-50 cửa hàng flagship. Các kiosk trong WinMart+ sẽ được mở rộng thêm khi hoàn thành chuẩn hóa mô hình.
Khoản đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng mới đây của Masan vào Phúc Long là cú huých để chuỗi F&B này tăng tốc trên thị trường 2,3 tỷ USD của các sản phẩm trà và cà phê có tốc độ tăng trưởng 10% mỗi năm.