Hàm răng của người lớn trưởng thành có tổng cộng 32 chiếc răng, bao gồm răng cửa, răng nanh, răng hàm. Những chiếc răng cuối cùng của mỗi hàng được gọi là "răng khôn". Khác với những "đồng bọn" còn lại, răng khôn mọc rất muộn, vào khoảng thời gian con người 17 - 25 tuổi.
Vì sao mọc răng khôn lại gây khó chịu?
Vì mọc khi xương hàm đã cứng cáp, có niêm mạc, mô thì phủ dày bên trên nên khi răng khôn xuất hiện chúng sẽ thiếu không gian để phát triển. Cũng vì vậy mà những chiếc răng khôn thường mọc ngầm, bị lệch lạc hay đâm cả vào chiếc răng bên cạnh vì thiếu chỗ. Do đó quá trình mọc răng khôn khiến chúng ta bị đau đớn âm ỉ, khó chịu vô cùng. Những người bị nặng còn bị đau buốt, viêm nhiễm.
Trong thực tế, không phải người lớn nào cũng có răng khôn. Ước tính có khoảng 65% dân số sẽ mọc răng khôn và không phải ai cũng phải nhổ chúng đi. Chỉ các trường hợp bị răng khôn quấy nhiễu, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của răng miệng thì mới cần chỉ định đi nhổ răng. Hành trình nhổ răng khôn vẫn luôn là cơn ác mộng của rất nhiều người trưởng thành.
Mọc răng khôn là nỗi ám ảnh của biết bao người
Vì sao mọc "ngu" nhưng lại gọi là "răng khôn"?
Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao chiếc răng bị coi là thừa thãi, gây phiền nhiễu lại được gọi với cái tên rất mỹ miều là "răng khôn"? Không chỉ trong tiếng Việt, rất nhiều ngôn ngữ trên thế giới cũng đặt tên loại răng đặc biệt này như vậy. Tiếng Anh gọi chiếc răng này là wisdom teeth, có nghĩa tương tự là răng khôn. Hay như trong tiếng Hà Lan, nó được gọi là verstandskiezen có nghĩa là răng trí tuệ. Tiếng Ả Rập gọi đây là Ders-al-a'qel có nghĩa là chiếc răng của trí thông minh.
Để lý giải cho cái tên ngỡ ngược đời này không khó. Nguồn gốc tên răng khôn xuất phải từ thế kỷ 17, ngôn ngữ Anh đặt tên teeth of wisdom (chiếc răng của sự khôn ngoan). Khi đó, con người nhận thấy rằng những chiếc răng khôn tai quái thường chỉ xuất hiện vào lúc con người khoảng 17 đến 25 tuổi. Đây cũng chính là giai đoạn chúng ta dần hoàn thiện bản thân, chuyển từ vị thành niên sang người trưởng thành, tức đang khôn lớn hơn. Sang thế kỷ 19, teeth of wisdom được gọi tắt lại thành wisdom teeth (răng khôn).
Răng khôn được coi là biểu tượng đánh dấu cho sự trưởng thành, chín chắn và khôn lớn hơn của con người
Hàm nghĩa thú vị này được nhiều nền văn hóa trên thế giới ghi nhận. Trong tiếng Nhật, răng khôn được gọi là Oyashirazu, có nghĩa "không biết đến cha mẹ", ý chỉ người trưởng thành thì sẽ ra ngoài ở riêng và tự lập. Trong tiếng Tây Ban Nha, nó được gọi là Muela de juicio, hàm nghĩa là răng đánh dấu cột mốc sự trưởng thành, độ tuổi có thể tự chịu trách nhiệm về mặt pháp lý.
Những tên gọi thú vị khác của răng khôn
Chiếc răng đặc biệt, "sinh sau đẻ muộn" này từ lâu đã được con người chú ý và đặt cho rất nhiều cái tên thú vị. Bên cạnh hàm nghĩa răng khôn nổi tiếng nhất, một số quốc gia có cách nhận định khác. Ví dụ như ở Indonesia, nó được gọi là Gigi bungsu, có nghĩa là em út vì rõ ràng đây là chiếc răng mọc muộn nhất.
Còn với người Thái Lan, răng khôn được đặt tên là Fan-khut, có nghĩa là thiếu không gian - một cái tên rất dễ hiểu. Còn trong tiếng Hàn Quốc, răng có cái tên cực kỳ thi vị - Sa-rang-nee, có thể dịch là răng tình đầu. Lý do cho sự so sánh này là vì thời gian mọc răng cũng rơi vào độ tuổi con người trải qua những rung động đầu đời. Nhưng điều quan trọng hơn cả là nó cũng ngụ ý nỗi đau do chiếc răng thừa gây ra cũng nhức nhối như mối tình đầu của mỗi người vậy.
Vì sự đặc biệt của mình, răng khôn được đặt tên theo cách hay ho hơn hẳn các "anh em" răng khác
Nguồn: Highpointdental