Trong một tháng từ 13/4 đến 13/5, VN-Index lao dốc 20%, UPCoM-Index giảm gần 15% và HNX-Index thiệt hại nặng nề nhất khi mất 29%.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đi xuống bất chấp hàng loạt doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý I tích cực.
Theo thống kê của Chứng khoán SSI tính đến ngày 13/5, đã có 1.115 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý I, trong đó có 701 công ty thông báo lợi nhuận tăng trưởng. Thống kê dưới đây cho thấy sàn HOSE dẫn đầu về số doanh nghiệp báo lãi với 367, chỉ có 30 công ty thua lỗ.
Các doanh nghiệp trong rổ chỉ số blue chip VN30 ghi nhận tổng doanh thu tăng trưởng 20,7% lên 400.408 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cũng đi lên 23% và đạt 75.515 tỷ.
Tuy nhiên, tất cả 30 cổ phiếu thành viên của VN30 đều đi xuống trong một tháng qua. Giảm ít nhất là SAB của Sabeco với 0,5%, lao dốc mạnh nhất là SSI của Chứng khoán SSI khi mất hơn 39%.
Toàn thị trường ghi nhận 1.210 cổ phiếu giảm giá trong một tháng gần đây, tuy nhiên vẫn có 210 mã đi lên. Hàng chục cổ phiếu tăng trên 10%, thậm chí trên 30% như thống kê trong bảng dưới đây (chỉ gồm các cổ phiếu có vốn hóa trên 500 tỷ đồng):
Cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất là CC1 của Tổng Công ty Xây dựng Số 1 với giá trị thị trường hơn 12.000 tỷ đồng. CC1 đã tăng trong 8 phiên liên tiếp gần đây, trong đó có một phiên kịch trần. Khối lượng khớp lệnh mỗi phiên từ vài nghìn đến vài chục nghìn cổ phiếu.
Quý I/2022, CC1 thông báo lãi sau thuế 16,5 tỷ đồng, chỉ bằng 1/27 so với quý liền trước nhưng cao gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái.
Cổ phiếu HPW của CTCP Cấp nước Hải Phòng tăng 40% trong tháng qua nhưng thanh khoản mỗi phiên thường chỉ đạt vài trăm đơn vị.
Môi trường kinh tế khó đoán
Một trong những nhân tố khiến cho thị trường Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung diễn biến tiêu cực là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất và thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát đang ở vùng cao nhất kể từ những năm 1980.
- TIN LIÊN QUAN
-
Fed sẽ làm gì để hút bớt 95 tỷ USD thanh khoản mỗi tháng?
Trong cuộc họp chính sách tháng 3 và tháng 5, Fed đã nâng lãi suất điều hành thêm lần lượt 0,25 và 0,5 điểm %.
Dự kiến từ tháng 6 tới, Fed sẽ hút bớt 95 tỷ USD thanh khoản bằng cách giảm quy mô bảng cân đối kế toán. Các chuyên gia Phố Wall dự báo Fed sẽ tăng lãi suất trong tất cả 5 cuộc họp còn lại của năm 2022.
Trong báo cáo phân tích gửi tới khách hàng ngày 13/5, ông Bernard Lapointe, chuyên gia phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhận định: “Chúng ta đang trải qua thời kỳ kinh tế vĩ mô hỗn loạn, khó đoán định nhất trong nhiều thập kỷ”.
Lạm phát ngày nay là hiện tượng hoàn toàn khác so với những năm đầu thập niên 1980 và tình hình vượt quá khả năng ứng phó của các ngân hàng trung ương, ông Lapointe nói thêm.
Tại Mỹ, nhà phân tích Michael Hartnett của Bank of America nhận định: “Trong 19 lần thị trường gấu gần đây, thị trường giảm trung bình 37% từ đỉnh tới đáy với thời gian bình quân 289 ngày. Nếu lịch sử lặp lại, thị trường gấu hiện nay sẽ kết thúc vào tháng 10/2022 với chỉ số S&P 500 dừng ở 3.000 điểm”.
Kết phiên 13/5, S&P 500 đang ở 4.024 điểm, tức là chỉ số này có thể sẽ phải giảm thêm 25% nữa mới thấy đáy.
Chuyên gia của Bank of America không phải là người duy nhất có cái nhìn bi quan về kinh tế Mỹ. Trong một bài phỏng vấn với Bloomberg hồi đầu tháng 5, tỷ phú Jamie Dimon – CEO ngân hàng JPMorgan Chase cho rằng xác suất Fed đưa nền kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm” chỉ là khoảng 33%, tức là 1/3.
“Hạ cánh mềm” được hiểu là việc Fed kiểm soát được lạm phát nhưng không đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Hồi tháng 4, Deutsche Bank dự báo một đợt suy thoái lớn sẽ đến vào năm 2023.
Ngay cả Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell mới đây cũng thừa nhận cuộc chiến chống lạm phát rất cam go và ông không thể đảm bảo Mỹ sẽ "hạ cánh mềm".