Âm quỹ bình ổn giá 170 tỷ đồng
Bộ Tài chính vừa có báo cáo về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu quý I/2022, trong đó ghi nhận số dư quỹ một lần nữa rơi xuống mức âm hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể, theo số liệu của cơ quan quản lý, tính đến cuối tháng 12/2021, tổng số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu là gần 899 tỷ đồng. Trong quý đầu năm nay, số tiền các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trích lập vào quỹ là gần 602 tỷ, tuy nhiên, số tiền quỹ phải chi ra để bình ổn giá xăng dầu trên thị trường lên tới 1.671 tỷ đồng.
(Ảnh minh họa)
Với các số liệu này, tính đến cuối tháng 3, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong nước đã rơi xuống mức âm 170 tỷ đồng.
Đây là lần thứ 2 số dư quỹ này rơi xuống mức âm kể từ khi Bộ Tài chính thống kê số liệu. Trong lần trước đó, số dư quỹ cũng từng ghi nhận mức giảm từ 3.504 tỷ đồng quý IV/2018 xuống âm 621 tỷ vào quý I/2019.
Với diễn biến kể trên, sau quý IV/2021 ghi nhận tăng trở lại, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong nước đã tiếp tục xu hướng giảm kể từ đỉnh hơn 10.000 tỷ đồng ghi nhận trong quý III/2020.
HoSE thử nghiệm lại giao dịch lô lẻ chứng khoán
Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa có văn bản gửi các công ty chứng khoán thành viên về việc thử nghiệm toàn thị trường giao dịch lô lẻ chứng khoán.
Trong văn bản của HoSE gửi các công ty chứng khoán thành viên, Sở Giao dịch này đã yêu cầu các công ty chứng khoán thực hiện thử nghiệm giao dịch lô lẻ trên toàn thị trường trong thời gian từ ngày 9/5 đến 20/5.
HoSE thử nghiệm lại giao dịch lô lẻ chứng khoán.
Sau khi kết thúc thời gian thử nghiệm, HoSE yêu cầu các công ty chứng khoán thành viên phải gửi báo cáo kết quả về Sở trước ngày 25/5.
Đại diện HoSE cho biết sau khi có kết quả thử nghiệm thành công, Sở sẽ báo cáo Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) để xin chủ trương triển khai chính thức.
Từ đầu năm 2021, để hạn chế tình trạng nghẽn lệnh diễn ra thường xuyên từ cuối năm 2020, cơ quan quản lý chứng khoán đã thống nhất nâng lô giao dịch trên cả 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM đồng bộ ở 100 cổ phiếu/lệnh thay vì 10 cổ phiếu/lệnh như trước.
Điều này đồng nghĩa với việc nhà đầu tư khi giao dịch khớp lệnh trên sàn chứng khoán phải mua - bán với số lượng ít nhất 100 cổ phiếu hoặc phải là bội số của 100.
Các giao dịch cổ phiếu từ 1 đến 99 đơn vị sẽ được xếp vào diện giao dịch lô lẻ và phải thực hiện mua - bán thông qua hệ thống các công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư mở tài khoản.
Đề xuất tạm dừng yêu cầu xét nghiệm COVID-19 với người nhập cảnh đường không
Bộ Y tế đang đề xuất việc tạm dừng yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người nhập cảnh theo đường hàng không. Đề xuất này cơ bản nhận được sự đồng thuận của các đơn vị đã lấy ý kiến. Dự kiến, sẽ sớm có văn bản hướng dẫn vấn đề này.
Đề xuất này được đưa ra dựa trên bối cảnh tình hình dịch bệnh, tỉ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và khả năng đáp ứng với dịch bệnh của nước ta. Đồng thời, đề xuất được đưa ra trên cơ sở thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Bộ Y tế đã lấy ý kiến của Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế, Cục Hàng không Việt Nam và các đơn vị liên quan về việc tạm dừng yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người nhập cảnh theo đường hàng không.
Đến nay có khoảng 50% quốc gia, vùng lãnh thổ đã tạm dừng thực hiện yêu cầu xét nghiệm trước khi nhập cảnh. Chính vì vậy, việc đề xuất tạm dừng yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh theo đường hàng không cũng là hài hòa với các nước trên thế giới, các tổ chức quốc tế và nhằm thống nhất giữa các đơn vị chuyên môn, kỹ thuật liên quan về áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 với người nhập cảnh. Đồng thời, việc này cũng được áp dụng triển khai một cách linh hoạt phù hợp từng giai đoạn dịch bệnh.
Yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2022. Chính phủ yêu cầu Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng trước ngày 30/6/2022 tại các dự án đường bộ cao tốc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của Quốc hội để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội về chủ trương đầu tư 3 dự án đường bộ cao tốc: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Biên Hòa - Vũng Tàu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai 2013 (sửa đổi), báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội sau khi Hội nghị Trung ương 5 thông qua Nghị quyết mới về chính sách, pháp luật về đất đai.
Đề xuất gia hạn hơn 20.000 tỷ thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất trong nước
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ ban hành nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.
Theo tờ trình, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ quy định gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, 7, 8, 9/2022 cho ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Thời gian gia hạn nộp thuế của kỳ tính thuế trên được thực hiện đến ngày 20/11/2022.
Trong đó, thời gian gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt như sau: kỳ nộp thuế tháng 6 sẽ được gia hạn 4 tháng; kỳ nộp thuế tháng 7 được gia hạn 3 tháng và kỳ nộp thuế tháng 8 được gia hạn 2 tháng, tháng 9 là 1 tháng. Tức là tổng cộng số tháng được gia hạn là 10 tháng cho 4 kỳ tính thuế từ tháng 6 đến tháng 9.
Theo Bộ Tài chính, tổng số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến phát sinh được gia hạn trong 4 kỳ (từ kỳ tính thuế tháng 6 đến tháng 9/2022) là khoảng 9.300 - 11.400 tỷ đồng. Với tổng thời gian gia hạn là 10 tháng này, tổng số tiền được gia hạn là hơn 20.000 tỷ đồng.