Trong bối cảnh huy động vốn qua kênh trái phiếu ngày càng khó khăn do có thêm các quy định, điều kiện khắt khe thì làn sóng huy động vốn qua thị trường cổ phiếu đã bùng nổ vào đầu năm nay.
Do nhu cầu vốn vẫn tăng cao, đặc biệt sau giai đoạn phục hồi hậu COVID-19, đồng thời tận dụng cơ hội thị trường chứng khoán bùng nổ, nhiều đơn vị đã ồ ạt huy động vốn thông qua hoạt động phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành cổ phiếu riêng lẻ.
Tuy nhiên vài tháng gần đây, khi thị trường chứng khoán không thuận lợi khiến giá nhiều cổ phiếu liên tục lao dốc thậm chí xuống dưới mức giá chào bán đã khiến một số doanh nghiệp đã phải tạm dừng hay thậm chí là hủy các phương án vốn đã được thông qua trước đó.
Trong bối cảnh nhân sự đầy biến động, tình hình kinh doanh thua lỗ, giá cổ phiếu mất tới 70% giá trị so với ngày đầu năm để rơi về vùng 5.420 đồng/cổ phiếu chốt phiên 23/9, CTCP Louis Capital (Mã: TGG) đã phải gấp rút họp ĐHĐCĐ bất thường để hủy việc phát hành tổng cộng 54,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư. Giá chào bán là 12.500 đồng/cổ phiếu, cao gấp 2,3 lần thị giá TGG hiện tại.
Ngoài việc hủy phát hành, Louis Capital còn điều chỉnh giảm kế hoạch doanh thu hợp nhất từ 1.071 tỷ đồng xuống 550 tỷ đồng, tức giảm 49%. Đồng thời cố gắng không lỗ trong năm nay, thay vì lãi sau thuế 122 tỷ đồng như kế hoạch ban đầu.
Năm nay, CTCP Tập đoàn Sao Mai (Mã: ASM) có kế hoạch huy động hơn 2.000 tỷ đồng từ việc phát hành hơn 168 triệu cổ phiếu với giá 12.000 đồng/cổ phiếu.
Cách đây vài ngày, Tập đoàn Sao Mai đã phải hủy phương án phát hành trên do kinh tế thế giới có nhiều bất ổn và thị trường không thuận lợi. Hiện giá cổ phiếu ASM đã về vùng 16.700 đồng/cổ phiếu chốt phiên 23/9, giảm 10% so với ngày đầu năm và giảm 38% so với mức đỉnh hồi tháng 4.
Trường hợp của Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp - Mã: DIG) dù không hủy phương án phát hành nhưng phải hai lần điều chỉnh giá bán và số lượng chào bán trong bối cảnh giá cổ phiếu DIG giảm sâu.
Theo kế hoạch ban đầu, tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, DIC Corp dự kiến phân phối 100 triệu cổ phiếu với giá 30.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông. Còn theo kế hoạch tại ĐHĐCĐ bất thường lần một (diễn ra không thành công) là chào bán 150 triệu cổ phiếu với giá 20.000 đồng/cổ phần, tỷ lệ phát hành là 24,596%.
Mới đây nhất, công ty tiếp tục hạ giá chào bán xuống 15.000 đồng/cổ phiếu với số lượng chào bán là 100 triệu cổ phiếu, tức giữ nguyên số lượng và giảm giá một nửa so với kế hoạch đầu tiên.
Trường hợp ngược lại, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG) lại muốn tạm hoãn việc chào bán hơn 161,9 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.500 đồng/cổ phiếu khi giá cổ phiếu liên tục leo thang thời gian qua. Lý do công ty đưa ra là để điều chỉnh phương án sử dụng vốn chi tiết đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tiễn và mang lại hiệu quả đầu tư cao nhất cho công ty.
Kết phiên 26/9, giá cổ phiếu HAG đạt 13.700 đồng/cp, tăng gần gấp đôi so với thời điểm giữa tháng 6 và cao hơn 30% giá phát hành.
Trong kế hoạch ban đầu huy động 1.700 tỷ đồng từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp, 500 tỷ đồng HAGL sẽ dùng để trả nợ gốc đối với khoản trái phiếu do tập đoàn phát hành ngày 30/12/2016 với mã trái phiếu HAGLBOND16.26.
Tuy nhiên, dự kiến trong vài ngày tới, HAGL sẽ chi 605 tỷ đồng để trả một phần nợ gốc lô trái phiếu nói trên. Nguồn trả nợ lấy từ số tiền thu nợ từ CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã: HNG) và nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của HAGL.
8 tháng đầu năm, HAGL ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.708 tỷ đồng. Trong đó, ngành chăn nuôi mang về 779 tỷ đồng, doanh thu ăn trái là 1.472 tỷ đồng, ngành phụ trợ đóng góp 457 tỷ đồng. Công ty lãi sau thuế 781 tỷ đồng. Với kết quả này, tập đoàn đã thực hiện 56% kế hoạch doanh thu và 69% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2022.