Thời sự

Tờ Economist: Việt Nam trở thành người chiến thắng trong thời đại phi toàn cầu hóa

Một dây chuyền lắp ráp tại một nhà máy sản xuất xe máy ở Việt Nam. (Ảnh: Reuters). 

Lợi thế đáng chú ý

Kể từ khi nền kinh tế Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới từ cuối thập niên 1980, dòng chữ “Made in Vietnam” ngày càng xuất hiện trên nhiều sản phẩm. Từ năm 2000 đến nay, GDP Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ quốc gia châu Á nào trừ Trung Quốc, trung bình đạt tốc độ 6,2%/năm.

Việt Nam thu hút được hàng loạt công ty quốc tế lớn. Làn sóng ban đầu là các nhà sản xuất hàng may mặc như Nike hoặc Adidas tìm kiếm lao động giá rẻ.

Nhưng xu hướng ngày nay là sự bùng nổ của lĩnh vực điện tử - loại hàng hóa có giá trị cao hơn, tạo ra thu nhập tốt hơn cho những lao động tay nghề cao hơn. Trong năm 2020, đồ điện tử đóng góp khoảng 38% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, cao hơn nhiều so với con số năm 2010.

 

Chiến tranh thương mại nổ ra giữa Mỹ và Trung Quốc năm 2018 đã đem lại lợi ích đáng kể. Năm 2019, Việt Nam sản xuất gần một nửa trong tổng số 31 tỷ USD hàng nhập khẩu vào Mỹ. Đây là các dòng sản phẩm do doanh nghiệp chuyển từ Trung Quốc sang các nước châu Á khác sản xuất.

Cùng với căng thẳng địa chính trị leo thang giữa hai siêu cường, chính sách chống dịch hà khác và chi phí lao động gia tăng của Trung Quốc đã cho thấy lý do vì sao nhiều công ty lớn có ý định chuyển sang Việt Nam.

Hai nhà cung cấp lớn nhất của Apple là Foxconn và Pegatron – chuyên sản xuất Apple Watch, MacBook và các thiết bị khác – đang xây dựng nhà máy lớn tại Việt Nam và sẽ trở thành những nhà tuyển dụng lao động lớn nhất trong nước. Những tên tuổi đáng chú ý khác đã chuyển một phần lớn hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam bao gồm Dell, HP, Google và Microsoft.

Xu hướng trên có thể giúp Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn nữa và gia tăng thu nhập cho hàng triệu người. Chính phủ đặt mục tiêu biến Việt Nam thành nước thu nhập cao vào năm 2045, đưa GDP bình quân đầu người lên trên 18.000 USD, cao hơn hẳn con số năm 2021 là 3.694 USD, theo dữ liệu của World Bank.

Chính phủ hy vọng sẽ làm được điều này một phần bằng cách chuyển từ sản xuất hàng may mặc giá rẻ sang hàng điện tử phức tạp đòi hỏi đầu tư và lao động tay nghề cao.

Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế. Trong khi dân số Trung Quốc già đi và suy giảm, lực lượng lao động của nước ta vẫn sẽ tiếp tục trẻ trung và lanh lợi.

Việt Nam còn là thành viên năng nổ của hơn chục thỏa thuận tự do thương mại và nhờ đó có khả năng tiếp cận dễ hơn tới hàng loạt thị trường quốc tế.

Việt Nam cũng bớt lo ngại về COVID-19 hơn nước láng giềng. Trung Quốc vẫn duy trì nhiều rào cản với việc nhập cảnh, còn Việt Nam đã mở cửa biên giới hoàn toàn từ tháng 3.

Việt Nam còn có những điều kiện thuận lợi về mặt địa lý, ví dụ như đường bờ biển dài hơn 3.000 km. Và Việt Nam nằm ngay cạnh Trung Quốc. Nhờ chi tiêu lớn cho cơ sở hạ tầng, cụm công nghiệp điện tử của Việt Nam chỉ cách Thâm Quyến, thủ phủ công nghệ của Trung Quốc 12 giờ xe chạy.

Một công ty điều hành bất động sản khu công nghiệp chỉ ra ưu điểm của Việt Nam: “Bạn không cần phải thiết lập lại chuỗi cung ứng ở đất nước này”. Khả năng duy trì mối quan hệ hữu hảo với cả Mỹ lẫn Trung Quốc cũng là điểm cộng lớn.

Đầu tư cho con người

Tuy nhiên, các nhà máy của Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm nếu muốn tiến xa hơn trong chuỗi giá trị. Cơ sở sản xuất của Việt Nam vẫn chưa bì được với Trung Quốc. Doanh nghiệp nước ngoài rất muốn mua thêm linh kiện trong nước, vì phương án này nhanh hơn và tiện hơn so với việc nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng họ thường không tìm được thứ mình cần.

Việt Nam cũng không thể sao chép mô hình thành công của Trung Quốc hay Hàn Quốc. Toàn cầu hóa không còn được ưa chuộng trên thế giới. Các thị trường lớn dần chuyển hoạt động sản xuất về nội địa. Thỏa thuận thương mại ngăn cấm các chiến lược viện trợ ngành nghề mà một số chính phủ từng thực hiện để đưa đất nước từ cảnh nghèo khó lên thịnh vượng.

Dĩ nhiên đầu tư nước ngoài cũng đóng góp ích lợi, nhưng chúng cần thời gian để cho thấy kết quả. Năm sau Samsung sẽ mở trung tâm nghiên cứu tại Hà Nội. Tập đoàn này cũng đang xem xét việc thành lập các nhà máy bán dẫn tại Việt Nam.

Việt Nam có nguồn lao động dồi dào nhưng lại thiếu các nhà quản lý giỏi giang và kỹ thuật viên tay nghề cao. Các trường đại học và chương trình giáo dục nghề của Việt Nam cần có cú hích. Ông Michael Nguyễn, Giám đốc Boeing Việt Nam, gợi ý rằng các doanh nghiệp như Boeing có thể hợp tác chặt chẽ với trường đại học để điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp với nhu cầu tuyển dụng.

Nếu muốn trở nên giàu có như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản, Việt Nam cần phải đầu tư vào con người chứ không chỉ mỗi cơ sở hạ tầng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm