Giai đoạn 2006 - 2008, tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của Bầu Đức kiếm được nguồn lợi nhuận khổng lồ từ việc kinh doanh bất động sản, giúp ông “nắm trùm” trong thị trường này.
Năm 2008, bất động sản cùng với gỗ và thủy điện là 3 mảng kiếm tiền của HAGL giúp ông Đức nắm trong tay khối cổ phiếu trị giá lên đến gần 6.160 tỷ đồng, bỏ xa người thứ hai trong danh sách là ông Phạm Nhật Vượng với 5.225 tỷ đồng.
Nhưng bắt đầu từ năm 2010, thị trường nhà đất lao đao, ảnh hưởng đến lĩnh vực mũi nhọn của tập đoàn nên ông Đoàn Nguyên Đức bắt đầu rẽ hướng sang nông nghiệp.
Vào thời điểm này, HAGL giảm giá sốc các căn hộ của mình để nhanh chóng xử lý hết hàng tồn kho. Năm 2012, Bầu Đức đưa ra một quyết định làm thay đổi sự nghiệp của ông và cả tập đoàn sau này, đó là rút khỏi thị trường bất động sản Việt Nam để dồn lực tập trung vào nông nghiệp, đặc biệt là cây cao su.
Mười năm sau, người ta thấy bầu Đức, với nhiều nếp nhăn hơn, không còn nhắc đến cây cao su mà thay vào đó hào hứng chia sẻ về heo ăn chuối.
Bầu Đức đã làm nông nghiệp hơn 1 thập kỷ với đủ gian truân. Từ mía đường, cao su, bò, các loại trái cây như thanh long, sầu riêng, chuối và gần đây nhất là heo ăn chuối, nhiều người băn khoăn, không biết đây đã là bến đỗ mới đem tiền về cho bầu Đức chưa? Liệu heo và chuối có thể giúp giải quyết đến đâu câu chuyện nợ nần đã căng thẳng trong cả 1 thập kỷ qua của HAGL?
Còn nhớ, năm 2011 ông Đức nổi tiếng với tuyên bố " Bán nhà cũng phải trồng cao su". Sở dĩ vậy vì lúc đó thị trường bất động sản đi vào thoái trào và gặp nhiều khó khăn trong khi giá cao su đang trên đỉnh, ở mức dao động từ 4.000 USD/tấn - 6.000 USD/tấn.
Thực tế, ông Đức chưa cần phải bán nhà, vì ông đã sử dụng đến nguồn vốn huy động từ ngân hàng. Nợ vay cuối năm 2011 của HAGL tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2010, tăng mạnh ở nợ vay trung dài hạn từ hơn 2.700 tỷ đồng lên tới gần 8.500 tỷ đồng.
Khi ấy, bầu Đức đã đầu tư trồng cao su một cách toàn diện về diện tích, công nghệ và nhân sự. HAGL trở thành doanh nghiệp Việt Nam duy nhất chi tiền để đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây cao su, được nhập khẩu từ Israel. Đường ống khủng này theo ông Đức chia sẻ là dài đến độ có thể quấn 3 vòng trái đất.
Về nhân sự, bầu Đức tăng cường cho tập đoàn một nhân sự chất lượng là ông Pornchai Lueang - A - Papong, Tiến sĩ Nông nghiệp người Thái Lan làm thành viên HĐQT độc lập. Theo chủ tịch tập đoàn, vị tiến sĩ này là một người rất am hiểu lĩnh vực cao su nên sẽ tư vấn cho HAGL phát triển mạnh mẽ hơn trong việc trồng cây.
Đến cuối năm 2012, HAGL đã trồng được 43.500 hecta, đạt 85% so với chỉ tiêu ban đầu. Được đầu tư và mang nhiều tâm huyết như vậy nhưng đến hết 2013, mảng cao su chỉ đóng góp 9% trong tổng doanh thu của HAGL và 14% trong tổng lãi gộp của cả tập đoàn.
Chưa kịp gặt hái thành công như kỳ vọng, sang năm 2014, HAGL bắt đầu lao đao vì giá cao su tuột dốc thê thảm, từ đỉnh gần 6.000 USD/tấn xuống còn khoảng 1.500 USD/tấn.
Tình thế khi đó càng làm lại càng lỗ. Cuối năm 2014, doanh thu từ cây cao su của HAGL chỉ đạt 226,7 tỷ đồng, thấp hơn cả năm 2013 và chỉ đạt 67% kế hoạch đề ra là 341 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp đạt 102 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với năm trước, biên lợi nhuận gộp chỉ còn gần 45% so với 69% của năm 2013.
Tổng diện tích trồng cao su lên đến 42.500 hecta, nhưng tình thế bắt buộc tập đoàn đã đưa ra kế hoạch sụt giảm kết quả kinh doanh của năm 2015, đặc biệt là lợi nhuận gộp chỉ còn đóng góp 4% trong cơ cấu.
Cùng với cao su, mía đường mặc dù được ông Đức tự tin về lợi thế giá vốn, thậm chí ông còn tuyên bố thẳng thừng rằng sẽ bán đường với giá 13.000 đồng/kg, trong khi đường tại Việt Nam lúc đó rơi vào khoảng 16.000 đồng/kg nhưng cũng không đem lại lợi nhuận như kỳ vọng.
Hệ quả của sự khủng hoảng cao su và mía đường này là tài chính của HAGL gặp rất nhiều khó khăn khi hoạt động kinh doanh chính không hiệu quả, lại cõng gánh nặng dư nợ hơn 18.000 tỷ đồng vào cuối 2014.
Trong hoàn cảnh mất thanh khoản đó, bầu Đức và HAGL đã tìm được hướng đi mới, đó là nuôi bò. Trên thực tế, đúng là doanh thu năm 2015 đã tăng gấp đôi so với năm trước đó nhờ công chính của "đàn bò" nhưng hướng đi này về cơ bản không thể giải quyết vấn đề nợ nần.
Giai đoạn 2015 - 2016 là giai đoạn đỉnh cao dư nợ của HAGL, khi theo BCTC hợp nhất, tổng dư nợ vay ngắn hạn và trung hạn của tập đoàn lên đến hơn 27.000 tỷ đồng.
Kể từ BCTC năm 2015 bắt đầu xuất hiện những lưu ý của kiểm toán về việc vi phạm điều khoản của các khoản vay trái phiếu và có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.
Ngoài những vi phạm những điều khoản của các khoản vay trái phiếu, BCTC các năm còn hé lộ những khoản nợ đến hạn (lãi, gốc) nhưng chưa được thanh toán của HAG tại thời điểm lập BCTC và kiểm toán.
Tại 30/06/2022, theo BCTC đã soát xét của kiểm toán, Tập đoàn chưa thanh toán nghĩa vụ đến hạn với tổng giá trị là 139 tỷ đồng với Eximbank và lãi vay phải trả đến hạn với trái phiếu BIDV trị giá 2.061 tỷ đồng. Số lãi vay quá hạn này so với thời điểm đầu năm đã tăng lên 482 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/06, HAGL đang dư nợ tổng cộng hơn 9.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là khoản dư nợ trái phiếu dài hạn trị giá 5.146 tỷ đồng của BIDV.
Mới đây, tại buổi ra mắt sản phẩm "Bapi - Heo ăn chuối HAGL" tổ chức tại TPHCM, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Công ty CP HAGL thể hiện quyết tâm: “Tôi quyết tâm xóa hết để khỏi bị thị phi. Tôi là người rất có ý thức về nợ nần và sẽ trả hết nợ. Có thể nói không ai cảm nhận về nợ được như tôi, bởi tôi từng mắc nợ rất nhiều”.
Về lộ trình trả nợ, HAGL trước tiên sẽ thanh toán một phần nợ gốc trước hạn tại lô trái phiếu trị giá hơn 600 tỷ đồng. Thời gian dự kiến 10 ngày kể từ khi công bố vào ngày 22/9. Dòng tiền trả nợ lấy từ khoản thu nợ của Công ty HAGL Agrico (HNG) và nguồn tiền sản xuất kinh doanh.
“Nếu trong 4 tháng cuối năm, HAG thu được hết khoản nợ từ HNG thì nợ ngân hàng sẽ giảm xuống dưới 6.000 tỷ đồng”, bầu Đức nói.