Theo The New York Times, Hàn Quốc là một trong những quốc gia có nền công nghệ tiên tiến nhất thế giới. Việc truy cập Internet hiếm khi gặp giới hạn, ngoại trừ việc bạn phải sử dụng một trình duyệt web đã lỗi thời.
Với Google Chrome, người dân Hàn Quốc không thể thực hiện thanh toán trực tuyến với tư cách là khách hàng doanh nghiệp của một trong những ngân hàng nước ngoài lớn nhất cả nước. Nếu sử dụng Safari của Apple, họ cũng không thể đăng ký tài trợ cho nghệ sĩ thông qua trang web Văn hóa và Nghệ thuật Quốc gia. Điều này cũng đúng với Firefox của Mozilla khi người truy cập là chủ sở hữu của một cơ sở chăm sóc trẻ em muốn đăng ký trên trang web của Bộ Y tế và Phúc lợi.
Để khắc phục điều này, Internet Explorer của Microsoft hoặc một trình duyệt tương tự trở thành sự lựa chọn không thể thay thế.
Khi Microsoft “khai tử’’ Internet Explorer (IE) vào ngày 15 tháng 6, tập đoàn này cho biết sẽ chuyển hướng người dùng sang trình duyệt Edge mới hơn. Thế nhưng tại Hàn Quốc, Internet Explorer vẫn tồn tại, thậm chí được coi là trình duyệt không thể thiếu do có liên quan đến chính phủ và nhiều ngân hàng.
Sự trung thành của Hàn Quốc với Internet Explorer trong suốt 27 năm qua khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, rằng tại sao một quốc gia nổi tiếng với băng thông rộng và các thiết bị sáng tạo lại “mắc kẹt’’ trong một trình duyệt web không an toàn vốn đã bị thế giới lãng quên.
Microsoft “khai tử’’ Internet Explorer (IE) vào ngày 15 tháng 6
Hầu hết các trang web ở Hàn Quốc đều hoạt động được trên tất cả trình duyệt. Trong đó, Google Chrome chiếm đến 54% lượng duyệt web trên cả nước. Dù Internet Explorer chỉ chiếm chưa đầy 1%, song ngay sau khi Microsoft thông báo khai tử trình duyệt này, Hàn Quốc đã phải chật vật tìm giải pháp thay thế.
Hồi tháng 5, chi nhánh Hàn Quốc của ngân hàng Anh Standard Chartered đã thông báo về việc chuyển sang sử dụng trình duyệt Edge ở “chế độ IE” để truy cập vào nền tảng ngân hàng trực tuyến “Straight2Bank”. Nhiều trang web của chính phủ cũng cảnh báo rằng người dùng có thể sẽ gặp một vài gián đoạn nếu họ không chuyển sang Edge.
Naver, một trong những công ty Internet lớn nhất Hàn Quốc đã giới thiệu tính năng mới của trình duyệt Whale, cho phép người dùng truy cập vào các trang web vốn cần đến Internet Explorer. Theo Kim Hyo, người đứng đầu nhóm Naver's Whale, điều này khiến tuyên bố “khai tử” IE của Microsoft không còn quá “chấn động’’.
Tuy nhiên, phải đến khi trình duyệt của Microsoft biến mất, người đàn ông này mới nhận ra rằng nhiều website vẫn chưa thể sử dụng chế độ mới. Ông cho rằng việc tái tạo những trang web có liên quan đến Internet Explorer là một nhiệm vụ khó khăn.
Theo The New York Times, sự phụ thuộc của Hàn Quốc vào Internet Explorer bắt đầu từ những năm 1990, khi đất nước này trở thành quốc gia tiên phong trong việc áp dụng Internet cho ngân hàng và mua sắm. Để an toàn hóa các giao dịch trực tuyến, chính phủ đã thông qua một bộ luật vào năm 1999, yêu cầu các chứng chỉ kỹ thuật số được mã hóa phải có chữ ký của khách hàng. Ngoài ra, việc xác minh danh tính cũng đòi hỏi các phần mềm phải được kết nối với trình duyệt.
Để làm điều này, chính phủ Hàn Quốc đã ủy quyền cho 5 công ty phát hành các chứng chỉ kỹ thuật số có tên là ActiveX. Lúc bấy giờ, tính năng này chỉ có thể hoạt động trên Internet Explorer. Chính điều này đã khiến Internet Explorer trở thành trình duyệt phổ biến trên khắp cả nước, thậm chí chiếm đến 99% thị phần ở Hàn Quốc vào giai đoạn 2004-2009.
Năm 2020, Microsoft bắt đầu ngừng hỗ trợ Internet Explorer và thông báo sẽ sớm khai tử trình duyệt này
“Chúng tôi trở thành trình duyệt duy nhất tồn tại trên thị trường”, James Kim, Giám đốc Microsoft ở Hàn Quốc trong khoảng thời gian từ năm 2009-2015 nói. Ông cho biết Microsoft không hề có ý định độc quyền thị trường, nhưng thực tế, rất nhiều trang web không thể hoạt động nếu thiếu Internet Explorer.
Vậy là, thế “độc tôn” của Microsoft đã được duy trì trong suốt những năm đầu thập niên 2000. Điều này nghiêm trọng đến mức người Hàn Quốc dường như không biết bất cứ trình duyệt nào khác ngoài Internet Explorer. Tình trạng phụ thuộc này chỉ mất đi khi smartphone và các gã khổng lồ công nghệ khác như Apple và Google xuất hiện.
Đến năm 2010, chính phủ Hàn Quốc yêu cầu các website cung cấp chứng chỉ ActiveX cho 3 trình duyệt khác. Dĩ nhiên, sự thay đổi này không mấy dễ dàng, nhất là khi các ngân hàng và doanh nghiệp đã quá quen với hệ thống trình duyệt cũ.
Đến năm 2015, Microsoft ra mắt trình duyệt Edge nhằm thay thế Internet Explorer, đồng thời ngừng hỗ trợ ActiveX. Không lâu sau đó, trình duyệt Chrome cũng soán ngôi IE và trở thành trình duyệt phổ biến nhất tại Hàn Quốc.
Năm 2020, chính phủ thông qua bộ luật loại bỏ các chứng chỉ kỹ thuật số như ActiveX trên trình duyệt. Cùng năm đó, Microsoft bắt đầu ngừng hỗ trợ Internet Explorer và thông báo sẽ sớm khai tử.
Theo: The New York Times, Reuters