Tài chính

Vì sao giá vàng đột ngột giảm sốc?

TIN MỚI

Giá vàng giảm sốc

Bảng giá vàng sáng nay liên tục điều chỉnh giảm khiến nhà đầu tư chóng mặt. Chỉ trong vài tiếng buổi sáng, giá vàng SJC và vàng nhẫn giảm hơn 1 triệu đồng/lượng và liên tục rời các mốc lịch sử trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.

Đến 11h, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng miếng SJC ở mức 79,3 - 81,3 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, giảm 1,2 triệu đồng/lượng bán ra so với đầu giờ sáng.

Vàng nhẫn của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết. 68,28 - 69,68 triệu đồng/lượng, giảm 1,1 triệu đồng/lượng bán ra so với đầu giờ sáng.

Vì sao giá vàng đột ngột giảm sốc?- Ảnh 1.

Giá vàng giảm mạnh trong sáng 13/3.

Trên thị trường quốc tế, mỗi ounce vàng quay đầu giảm 20 USD trong 24 giờ qua, về 2.158 USD/ounce, quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank tương đương với 64,55 triệu đồng một lượng. Chênh lệch giữa giá vàng miếng và nhẫn trơn so với thế giới hiện tương ứng hơn 17 triệu đồng và 4,5-5,5 triệu đồng.

Giá vàng giảm mạnh khiến nhiều người tích cực mua vào. Đại diện Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cho biết, tại các cơ sở kinh doanh của cửa hàng đều ghi nhận lượng mua vào chiếm 55% còn lượng bán ra.

Anh Đăng Khoa (ở Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Tôi tranh thủ giá vàng giảm để mua vào. Tôi nghĩ giá vàng trong nước giảm bởi thời gian qua tăng nóng. Nhưng tôi kỳ vọng thời gian tới, giá vàng sẽ tăng trở lại và phá vỡ các kỷ lục đã lập trước đó”.

Giá vàng sớm tăng trở lại?

Trao đổi với PV Tiền Phong , ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam - phân tích, giá vàng trong nước sáng nay giảm hơn 1 triệu đồng/lượng tương đương với mức giảm của giá vàng thế giới.

Theo ông Hùng, nếu giá vàng thế giới không phá mốc 2.200 USD/ounce, vàng thế giới sẽ tăng trở lại còn khi đã phá mốc này giá vàng sẽ lập tức giảm tiếp.

Vì sao giá vàng đột ngột giảm sốc?- Ảnh 2.

Sức cao cho thấy người dân vẫn ưu tiên kênh đầu tư vàng.

"Trong khi đó, nguồn cung vàng hạn chế, nhu cầu mua vàng lớn sẽ khiến giá vàng sớm tăng trở lại", ông Hùng nói và cho biết thêm hiện nay thị trường vàng chưa tác động gì về mặt vĩ mô nên Ngân hàng Nhà nước chưa can thiệp.

Ông Nguyễn Nhật Minh - chuyên gia từ Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng, Học viện Ngân hàng cho biết, tối 12/3, giá vàng thế giới bất ngờ giảm mạnh hơn 30 USD/ounce, từ 2.181 USD/ounce vào lúc 19h30 (Giờ Việt Nam) xuống mức thấp nhất trong ngày 2.150 USD/ounce lúc 2h ngày 13/3, tương ứng mức giảm khoảng 1.4%.

Theo ông Minh, nguyên nhân của sự giảm giá đột ngột này xuất phát từ báo cáo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 của Mỹ được công bố vào ngày hôm qua. Theo đó, chỉ số CPI lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) tăng tháng thứ hai liên tiếp, với mức tăng 0,4%, sau khi đã tăng 0,3% vào tháng Một. CPI cơ bản của Mỹ tăng 3,8% trong tháng Hai, cao hơn mức dự báo 3,7% trước đó. Chỉ số CPI tháng 2 tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 3,1% được ghi nhận trong tháng Một.

Lạm phát tại Mỹ trong tháng 2 cao hơn dự kiến khiến các nhà đầu tư lo ngại việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể trì hoãn việc cắt giảm lãi suất và đảo chiều chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng như trong phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện ngày 7/3.Từ đó khiến giá vàng gặp phải áp lực chốt lời mạnh từ các nhà đầu tư.

"Tương tự ở trong nước, trong thời gian qua, giá vàng liên tục vượt đỉnh lịch sử, đạt ngưỡng 82,4 triệu đồng/lượng kết thúc ngày 12/3/2024, khiến chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới lần đầu vượt mức 18 triệu đồng/lượng kể từ đầu tháng 3 tới nay, dẫn tới áp lực chốt lời từ các nhà đầu tư", ông Minh nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm