Nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ cuộc chiến Nga -Ukraine đồng loạt vẽ màu tím
Cụ thể, nhóm cổ phiếu than vẽ màu tím trên bảng điện sớm nhất với NBC tăng trần 9,6% lên 19.500 đồng/cổ phiếu, CST tăng 8,7% lên mức 19.900 đồng/cổ phiếu, TVD tăng 9,6% lên mức 18.300 đồng.cổ phiếu…Nhìn chung cả ngành than có một phiên giao dịch hấp dẫn với thanh khoản tăng vọt, dòng tiền đổ vào mạnh khiến giá tăng cao. Nhóm cổ phiếu than bứt phá một phần nhờ giá than thế giới ổn định trên 240 USD/tấn, tăng gần 90 USD/tấn so với đầu năm.
Một lý do đặc biệt khiến cổ phiếu than đồng loạt vẽ màu tím phiên hôm nay đó là Nga là quốc gia xuất khẩu than hàng đầu thế giới. Việc Mỹ và Châu Âu tăng cường cấm vận Nga nhà đầu tư tin rằng các quốc gia này phải tìm kiếm các thị trường mới thay thế.
Nhóm cổ phiếu tôn, thép phiên nay cũng được đà "thừa thắng" xông lên khi tím cả dòng, trừ HPG. Dòng tiền lớn đã chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu thép, đưa thanh khoản lên cao, cổ phiếu HSG tăng trần lên 38.350 đồng/cổ phiếu, thanh khoản 21,8 triệu đơn vị; NKG tăng trần lên 44.150 đồng/cổ phiếu, thanh khoản 19,7 triệu đơn vị; TLH tăng trần lên 20.050 đồng/cổ phiếu; SMC tăng trần lên 40.800 đồng/cổ phiếu.
Trong khi cả họ cổ phiếu thép rủ nhau tím, thì cổ phiếu lớn đầu ngành như HPG lại ngậm ngùi chỉ tăng 2,8% lên mức 47.200 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, thanh khoản của HPG đã được cải thiện đáng kể khi vượt 35 triệu đơn vị phiên nay. Theo Công ty Chứng khoán BSC, Nga đang xếp thứ hai về xuất khẩu thép vào Liên minh châu Âu (EU), chiếm tỷ trọng khoảng 14% với thép dẹt và 19% với thép dài.
Tỷ trọng xuất khẩu vào EU của một số bên liên quan như Ukraine là 8% thép dẹt và 7,4% thép dài, với Belarus là 14,4% thép dài, với Trung Quốc là 5,7% thép dẹt và 5,8% thép dài.
Nếu lượng xuất khẩu này bị cắt giảm do cấm vận thì sẽ tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu khác vào thị trường này, đặc biệt với nhóm tôn mạ đang xuất nhiều sang thị trường này (NKG, HSG). Hiện tại HPG không xuất nhiều thép xây dựng sang EU.
Do đó, công ty chứng khoán này đánh giá khả quan với cổ phiếu của các công ty xuất khẩu thép lớn, đặc biệt là nhóm tôn mạ có xuất khẩu vào EU như NKG, HSG nếu EU cắt giảm nhập khẩu thép từ Nga và Belarus, Ukraine không duy trì sản xuất được do chiến tranh.
Nhóm phân bón phiên 28/2 cũng đồng loạt được "nhuộm tím" với DCM tăng trần lên 37.000 đồng/cổ phiếu, DPM tăng trần lên 57.600 đồng/phiếu, LAS tăng 9,5% lên 23.000 đồng/cổ phiếu, DDV tăng 9.1% lên 28.700 đồng/cổ phiếu…
Mới đây, động thái cấm xuất khẩu Amoni nitrat (NH4NO3) của Nga có thể đẩy giá phân đạm trên toàn cầu tiếp tục tăng. Hiện nay, sản lượng Amoni nitrat xuất khẩu của Nga đạt khoảng 15 triệu tấn mỗi năm, chiếm 75% nguồn cung toàn thế giới.
Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn duy trì chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa, trong bối cảnh thiếu hụt năng lượng và chi phí nguyên liệu đầu vào (khí, than) tăng cao. Điều này sẽ khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng thêm và đẩy giá các loại phân bón tiếp tục duy trì ở mức cao.
Nhóm than, thép, phân bón, dầu khí nhuộm xanh, tím trên bảng điện ngày cuối tháng 2
Nhóm dầu khí cũng có một phiên "ngược dòng" đáng kể và giữ được màu xanh trong bối cảnh thị trường đỏ lửa: PVD tăng 2% lên 34.900 đồng/cổ phiếu, PVT tăng 2.5% lên mức 24.900 đồng/cổ phiếu, PVS tăng 3,3% lên mức 34.900 đồng/cổ phiếu,…
Hiện nay, Nga là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ ba thế giới sau UAE và Saudi Arabia với tổng sản lượng xuất khẩu đạt khoảng 10 triệu thùng mỗi ngày. Sự gián đoạn trong các chuyến dầu từ Nga tới đường ống ở châu Âu sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung năng lượng toàn cầu. Mỹ đang lên kế hoạch ứng phó bằng cách xả kho dự trữ dầu, nhằm khắc phục nguồn cung trong ngắn hạn. Đây chỉ là biện pháp tạm thời và khó duy trì trong thời gian dài. Do đó, giá dầu khó có thể giảm và sẽ tiếp tục neo ở mức cao.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập của FIDT nhận định các lệnh trừng phạt kinh tế từ phía EU – Mỹ sẽ đẩy giá các mặt hàng tăng cao và tạo cơ hội cho các nước xuất khẩu khác. Điển hình, Nga là một trong những cường quốc xuất khẩu phân bón lớn, và với một đất nước sản xuất và xuất khẩu phân bón tốt như Việt Nam thì đây là một cơ hội rất sáng.
Ông Lynch Phan, Founder Công ty tư vấn và đầu tư Take Profit Việt Nam cho rằng chiến tranh chính là cơ hội mua các cổ phiếu được hưởng lợ với giá rẻ. Ông phân tích, Nga là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 3 thế giới sau UAE và Arap Xê út. Tổng sản lượng xuất khẩu dầu mỏ của Nga chiếm đến 11% sản lượng dầu xuất khẩu trên toàn cầu năm 2020. 48% sản lượng dầu mỏ và khí đốt của Nga được xuất sang EU.
Do vậy nếu có cấm vận Nga hoàn toàn giá dầu thô WTI có thể vượt và duy trì trên mốc 100$/ thùng. Nếu giá dầu neo cao ví dụ như 140$/ thùng như đỉnh cũ sẽ không có lợi gì cho Châu Âu bởi các quốc gia này phụ thuộc rất nhiều vào nguồn khí đót từ Nga và thậm chí giá dầu cao còn tàn phá nền kinh tế thế giới.
Mới đây động thái cấm xuất khẩu Ammonium nitrate của Nga có thể đẩy giá phân đạm trên toàn cầu vốn đang ở mức cao kỷ lục sẽ tiếp tục tăng thêm. Sản lượng Ammonium nitrate trên toàn cầu hiện đạt 20 triệu tấn/năm, trong đó, 75% nguồn cung đến từ Nga.
Trước đó, Trung Quốc – nước xuất khẩu phân bón lớn thứ hai thế giới đã ngưng đáng kể việc xuất khẩu 29 loại phân bón, bao gồm phân Urea, DAP, MAP, NPK, NP/NPS, MOP, SOP, Ammonium Chloride và Ammonium Nitrate kể từ ngày 15/10/2021.
Nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa khi hoạt động sản xuất phân bón gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt năng lượng và chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao. Nếu sắp tới Nga còn bị cấm vận ông Lynch Phan cho rằng rất có thể giá phân bón còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng lợi nhuận do chi phí đầu vào tăng
Ngoài các ngành được hưởng lợi này, giới đầu tư còn lo ngại về việc than, dầu khí, phân bón, thép...là nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp do đó nếu tăng giá dài hạn có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của nhiều ngành/doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc Điều hành Khối Đầu tư Chứng khoán và Trái phiếu của VinaCapital cho rằng dưới góc nhìn của một nhà đầu tư, rủi ro dễ thấy nhất có thể ảnh hưởng danh mục đầu tư từ sự kiện này là rủi ro lạm phát. Ở phía nguồn cung, các lệnh trừng phạt và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm nhiều mặt hàng cơ bản, qua đó trực tiếp làm giá đầu vào của các doanh nghiệp tăng cao. Ở phía nguồn cầu, lạm phát còn có thể làm cho tiêu dùng và tiến độ giải ngân đầu tư trong nền kinh tế (bao gồm cả đầu tư công) chậm lại, do mặt bằng giá tăng cao và biến động khó lường.
Các công ty chịu ảnh hưởng trực tiếp có thể bao gồm các doanh nghiệp lệ thuộc vào giá hàng hóa cơ bản làm nguyên liệu đầu vào nhưng không có khả năng tăng giá bán bù lại chi phí nguyên liệu/vận chuyển tăng cao. Rất nhiều các doanh nghiệp này là những doanh nghiệp thuần túy xuất khẩu.
Đặc biệt, các doanh nghiệp lệ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu đầu vào sẽ có rủi ro khan hiếm nguồn cung trực tiếp do căng thẳng Ukraina-Nga gây ra, ví dụ như than (một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Nga), có thể bị ảnh hưởng lớn về lợi nhuận.