"Bệnh từ miệng mà ra", câu nói đã bao quát tất cả tầm quan trọng của việc ăn uống. Bạn ăn uống lành mạnh tất nhiên sức khỏe sẽ luôn ổn hơn hẳn người ăn uống thiếu lành mạnh. Đặc biệt với căn bệnh ung thư. Ăn uống càng không lành mạnh, nguy cơ mắc ung thư càng lớn.
Theo PGS.TS Trần Đáng (Nguyên Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm) có 7 loại thực phẩm rất phổ biến trong các gia đình Việt nhưng ẩn chứa nguy cơ ung thư cực cao. Tốt nhất muốn phòng tránh ung thư hiệu quả nên ăn hạn chế, có những loại tuyệt đối không được đụng vào.
7 thực phẩm gây ung thư cực phổ biến trong các gia đình Việt
1. Thực phẩm ở dạng chiên, rán, nướng
Những món ăn chiên, rán, nướng rất hấp dẫn và được người Việt ưa chuộng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe.
Theo PGS.TS Trần Đáng, các loại thực phẩm ở dạng chiên, rán, nướng như thịt, cá, đùi gà, đậu phụ rán giòn sẽ sinh ra amin dị vòng gây đột biến gen. Từ đó sẽ gây ung thư, nhất là các bệnh ung thư liên quan đến đường tiêu hóa.
Chuyên gia đặc biệt lưu ý: "Càng chiên rán già lửa càng tạo nhiều amin dị vòng, nhất là khi đang rán lại đổ thêm dầu mỡ vào sẽ làm tăng nhiệt độ đột ngột".
Những loại thực phẩm này được đun nấu ở nhiệt độ cao cũng sẽ tạo ra benzopyren bencanthraxen, gây ung thư đường tiêu hóa. Khoai tây chiên, phồng tôm, bánh mì, trứng, bắp rang, thực phẩm giàu carbonhydrat xử lý ở nhiệt độ cao sẽ tạo ra acrylamide, gây ung thư vú , thận...
2. Mỡ động vật, dầu mỡ đun ở nhiệt độ quá cao, dùng đi dùng lại
"Mỡ động vật nói chung gây tăng axit mật ở ruột già, các axit mật làm thay đổi tế bào một cách không điển hình, ức chế quá trình biệt hóa niêm mạc ruột gây ung thư. Ăn nhiều mỡ động vật có thể làm suy giảm hệ miễn dịch vì chứa nhiều axit béo omega-6", PGS.TS Trần Đáng nói.
Cũng theo vị phó giáo sư này, mỡ là tiền chất tạo ra hormone steroid như estrogen, kích thích phát triển các cơ quan liên quan như tuyến vú, tử cung, tuyến tiền liệt, khiến những khu vực này dễ bị ung thư.
Dầu mỡ đun nóng có nguy cơ gây ung thư phổi do chất carcinogen bốc hơi lên. Mỡ động vật sử dụng hàng ngày còn khiến bạn dễ bị ung thư ruột, đại tràng, trực tràng, vú, tử cung, tiền liệt tuyến. Do đó điều quan trọng nhất là phải dùng mỡ động vật sao cho đúng cách .
3. Thịt đỏ
Có thể nói, trong các loại thịt để ăn hàng ngày, người Việt vẫn chuộng thịt lợn hơn cả vì giá thành vừa phải lại cung cấp dinh dưỡng đảm bảo cho cả gia đình. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều thịt lợn nạc bạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ ung thư cao.
"Thịt đỏ có hàm lượng sắt cao, tăng xúc tác men tổng hợp NO từ Arginin, tăng xúc tác biến Nitrat thành Nitrit. Khi Nitrit kết hợp axit amin tạo thành Nitrosamin, gây ung thư ruột, đại tràng, trực tràng", PGS.TS Trần Đáng giải thích.
Đó chính là lý do vì sao giới chuyên gia vẫn khuyên chúng ta không được ăn quá 700 g thịt đỏ mỗi tuần.
4. Dưa muối
Ăn mặn có nguy cơ bị ung thư dạ dày gấp 2 lần so với người khác. Dưa muối còn cay và dưa khú có hàm lượng Nitrit còn cao, vào dạ dày dễ tạo ra Nitrosamin gây ung thư.
Đặc biệt thói quen của người Việt là ăn kèm dưa hành với các món mặn có hàm lượng đạm và protein cao khiến nguy cơ này càng ở mức cao hơn.
5. Thực phẩm nhiễm nấm mốc
Ngô, lạc, quả hạnh, hạt có dầu, quả khô, gạo, đậu, gia vị bị mốc có thể gây nhiễm độc tố Afflatoxin, gây ung thư gan.
Ngũ cốc, nho thối, rượu vang, cà phê, quả khô, một vài loại thịt động vật bị nhiễm độc tố Ochratoxin gây ung thư thận, gan.
Ngô, gạo bị mốc có thể nhiễm độc tố Fumonisin của nấm mốc có thể gây ung thư gan, ung thư thực quản.
Do đó, thực phẩm nhiễm nấm mốc rồi thì tuyệt đối không được tiếc của, vẫn đem vào sử dụng nếu bạn không muốn bị ung thư.
6. Thực phẩm ô nhiễm hóa chất
Theo PGS.TS Trần Đáng, rau quả còn tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, thịt gia cầm, gia súc, thủy sản còn tồn dư thuốc tăng trọng, thực phẩm bị ô nhiễm do thôi nhiễm hóa chất độc từ bao bì, dụng cụ chế biến, bao gói khi ăn vào đều là nguy cơ gây ung thư.
Thực phẩm ô nhiễm hóa chất từ môi trường đất, nước, không khí, thực phẩm nhiễm dioxin như cá, tôm, cua, sò, sữa, trứng cũng không loại trừ nguy cơ mắc bệnh mãn tính này. Đốt rác, than, dầu, xăng mà nhiễm vào thực phẩm, thủy sản nhiễm bẩn do nước sông ô nhiễm, nước có mực in, hóa chất từ các nhà máy công nghiệp… sẽ gây quái thai và ung thư.
Do đó, điều quan trọng nhất vẫn là tìm được nguồn thực phẩm tươi sạch, rõ xuất xứ, tránh nạp hóa chất độc hại vào cơ thể.
7. Nước uống khử trùng bằng chlor
PGS.TS Trần Đáng cho biết, nước có nhiều chất hữu cơ, khi cho chlor vào có thể tạo thành chloroacettonitrit (dễ tích tụ ở đường tiêu hóa và tuyến giáp trạng, có thể gây ung thư) và trihalomethan (cũng là một chất gây ung thư).
Do đó tuyệt đối không dùng loại nước này để nấu ăn cũng như đun làm nước uống hàng ngày để phòng tránh ung thư.
7 thói quen ăn uống lành mạnh người Việt nên duy trì để tránh bệnh
1. Ăn nhiều rau củ quả
Các loại rau củ quả, nhất là những loại được nuôi trồng hữu cơ, rất tốt để phòng chống ung thư. Chúng vừa chứa lượng chất chống oxy hóa dồi dào vừa ít nguy cơ nhiễm hóa chất.
Do đó, ăn nhiều những loại rau củ quả này sẽ giúp bạn phòng tránh ung thư hiệu quả.
2. Tăng cường ăn rau họ cải
Rau họ cải bao gồm bông cải xanh, súp lơ, cải bắp, cải thìa, cải xoăn. Thành phần trong các loại rau này có thể giúp cơ thể chống lại bệnh ung thư như đại tràng, vú, phổi và cổ tử cung.
3. Bổ sung thường xuyên các loại rau lá xanh đậm
Những loại rau lá xanh như rau cải, rau diếp, cải xoăn, rau diếp xoăn, rau bina, củ cải đường rất giàu chất xơ, folate, và carotenoids.
Những chất dinh dưỡng của rau lá xanh đậm có thể giúp bảo vệ cơ thể chống lại ung thư miệng, thanh quản, tụy, phổi, da, và dạ dày.
4. Bổ sung các loại gia vị vào chế độ ăn
Các loại gia vị như gừng, tỏi, nghệ... đều phổ biến trong nhà bếp. Bạn nên thêm gia vị phù hợp vào món ăn phù hợp để tăng cường khả năng chống ung thư vì những loại gia vị này đều rất giàu chất chống oxy hóa có khả năng chống viêm.
5. Ăn nhiều quả mọng
Những quả mọng như dâu tây, mâm xôi, việt quất có chứa phytochemical, còn gọi là axit ellagic rất dồi dào. Chúng có thể chống lại ung thư, làm chậm sự tăng trưởng của tế bào ung thư.
6. Ăn nhiều các loại đậu
Các loại đậu đều chứa nhiều phytochemical có thể làm chậm sự phát triển của khối u và ngăn chạn khối u giải phóng các chất gây tổn hại thêm các tế bào lân cận. Do đó ăn đậu thường xuyên cũng là cách chống ung thư hiệu quả.
7. Ăn đồ dạng luộc, hấp, hầm nhiều hơn
Thay vì ăn đồ chiên rán hay nướng quá nhiều, bạn nên chuyển sang chế biến món ăn ở dạng hầm, hấp, luộc sẽ giảm lượng các chất độc hại trong thực phẩm. Đây cũng là những phương pháp nấu ăn tốt nhất để phòng chống ung thư.