Số liệu của Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho thấy tính đến hết tháng 5-2024, toàn thị trường chứng khoán có gần 7,94 triệu tài khoản, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân chiếm hơn 7,87 triệu tài khoản nhưng chỉ có hơn 260.000 tài khoản đầu tư qua các quỹ.
Ngại giao tiền cho người khác quản lý
Theo các chuyên gia, đầu tư chứng khoán thông qua các quỹ được xem là giải pháp phù hợp với nhà đầu tư cá nhân, nhất là những người chưa có nhiều kiến thức, kinh nghiệm hoặc không có nhiều thời gian để theo dõi thị trường liên tục. Dù vậy, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, các nhà đầu tư cá nhân lại rất thờ ơ với việc bỏ vốn vào các quỹ để đạt được mức sinh lời hằng năm.
Anh Nam Thành (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết do đặc thù công việc nên anh không thường xuyên theo dõi bảng điện. Cổ phiếu anh mua cũng thường để vài tháng chứ không phải dạng đầu tư "lướt sóng" ngắn hạn. Tuy nhiên, khi được hỏi vì sao không chọn quỹ mở "cho nhàn" thì anh lắc đầu.
"Tôi nghe hiệu suất đầu tư của các quỹ, nhất là quỹ mở, quỹ ETF (quỹ hoán đổi danh mục) khả quan nhưng lại ngại giao tiền của mình cho người khác quản lý. Nhiều bạn bè đang đầu tư chứng khoán như tôi cũng có tâm lý như vậy. Không đầu tư kiểu "lướt sóng" nhưng tôi vẫn thích quan sát diễn biến giá cổ phiếu để trực tiếp mua bán khi cần" - anh Thành cho hay.
Theo ông Trương Đắc Nguyên, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu WiGroup (đơn vị chuyên cung cấp dữ liệu tài chính), đó là tâm lý chung của không ít nhà đầu tư. Điều này khiến quy mô các quỹ đầu tư ở Việt Nam không phát triển như kỳ vọng.
Ông Nguyên cho rằng nhiều nhà đầu tư cá nhân Việt Nam thường muốn tự mình kiểm soát danh mục đầu tư. Họ tin rằng tự đầu tư sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn và phù hợp với kỳ vọng cá nhân. Đáng chú ý, gần 80% nhà đầu tư thế hệ 8X, 9X cùng hơn 85% nhà đầu tư gen Z sẵn sàng tìm những lời khuyên trên mạng hơn là việc bỏ tiền vào quỹ.
"Những nhà đầu tư này ưa chuộng phương pháp đầu tư mang lại lợi nhuận ngắn hạn và có tính đầu cơ cao. Trong khi đó, các quỹ thường hướng đến mục tiêu dài hạn và ổn định, không phù hợp với tâm lý muốn "đánh nhanh, thắng nhanh" của nhiều người.
Khảo sát của chúng tôi cho thấy khoảng 90% nhà đầu tư cá nhân chỉ mất khoảng 1 tháng để mua và bán toàn bộ danh mục chứng khoán của mình, trong khi với quỹ, việc này phải mất vài năm. Thói quen và sở thích của nhà đầu tư cá nhân là giao dịch ngắn hạn, khác hẳn với định hướng dài hạn của các quỹ" - ông Nguyên phân tích.
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ đầu năm đến nay, diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán đã giúp các quỹ đầu tư đạt mức sinh lợi hấp dẫn, cao hơn nhiều so với thị trường chung và gấp 2-3 lần mức lãi suất gửi tiết kiệm dài hạn.
Đơn cử, 5 quỹ mở của VinaCapital - gồm VESAF, VEOF, VMEEF, VIBF và VFF - đều đạt mức lợi nhuận vượt trội so với chỉ số tham chiếu. Trong đó, quỹ VMEEF đạt lợi nhuận tới 18,1%, trong khi mức tăng của VN-Index chỉ khoảng 13%.
Nhiều rào cản
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân - Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho hay ở nhiều thị trường châu Á, tỉ lệ nhà đầu tư ủy thác vốn cho các quỹ ít hơn nhiều so với các nước phát triển khác.
Ngay như thị trường Thái Lan, Hàn Quốc..., các quỹ đầu tư chiếm tỉ lệ khá cao nhưng chủ yếu là quỹ ETF vì việc mua bán dễ dàng hơn. Còn các quỹ đầu tư truyền thống (quỹ đóng) cũng không nhiều.
Với Việt Nam, thị trường chứng khoán chỉ mới phát triển hơn 20 năm nay. Đặc thù của người châu Á là không thích ủy thác tiền cho người khác mà thường tự giao dịch hoặc mua các chứng chỉ quỹ ETF để đầu tư ngắn hạn nên tỉ lệ nhà đầu tư ủy thác cho các quỹ hiện khá thấp.
"Tuy nhiên, về dài hạn, một xu hướng đầu tư có thể phát triển mạnh mẽ là quản lý tài chính cá nhân (wealth management). Với cách thức này, nhà đầu tư cá nhân thấy được tài sản của mình trong ngày tăng hay giảm để chủ động ra quyết định với tiền của mình. Họ đầu tư theo phương pháp thụ động với sự tư vấn của chuyên gia" - ông Nguyễn Thế Minh nhìn nhận.
Chuyên gia kinh tế - tài chính, TS Đinh Thế Hiển so sánh: "Ở nước ngoài, nhà đầu tư cá nhân rất ít tham gia trực tiếp vào thị trường mà chủ yếu lựa chọn các quỹ đầu tư rồi ủy thác, tùy theo khẩu vị rủi ro mà mua quỹ đóng hoặc quỹ mở (quy mô lớn hơn, thanh khoản cao hơn).
Tất cả quỹ này đều đầu tư dài hạn vào các công ty niêm yết, xác định được công ty nào minh bạch để đầu tư lâu dài. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam lại chưa đi theo hướng đó mà chủ yếu là các quỹ ETF với dòng vốn ngắn hạn, mua bán liên tục. Điển hình như câu chuyện khối ngoại liên tục bán ròng thời gian gần đây khiến thị trường gặp nhiều biến động".
Một trong những nguyên nhân khiến các quỹ đầu tư khó thu hút được nhà đầu tư cá nhân tham gia là do họ e ngại các loại phí quản lý và chi phí liên quan mà các quỹ đưa ra. Theo ông Trương Đắc Nguyên, nhà đầu tư lo ngại các chi phí này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận thực tế nhận được, làm giảm sức hấp dẫn của các quỹ đầu tư so với việc tự đầu tư.
Việc theo dõi danh mục, hiệu quả và lịch sử giao dịch, hiệu quả đầu tư trong quá khứ của các quỹ hiện còn khá khó khăn, chưa có nơi tổng hợp đủ thông tin khiến nhà đầu tư không có đủ thông tin để quyết định.
Theo ghi nhận, các quỹ đầu tư tại Việt Nam thường có mức phí quản lý dao động từ 1%-2% mỗi năm. Các loại phí khác, như phí mua bán chứng chỉ quỹ, có thể lên tới 2,5% trong vòng 6 tháng đến 1 năm.
Cần thêm nhiều doanh nghiệp tốt
Ông Brook Colin Taylor, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital, cho biết trên sàn chứng khoán hiện có hàng ngàn doanh nghiệp (DN) niêm yết nhưng chỉ khoảng 100 - 150 DN đủ điều kiện để các quỹ cho vào danh mục nghiên cứu đầu tư.
Trong đó, nhiều DN đã kín room ngoại (tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài). Do đó, các quỹ đầu tư đang kỳ vọng có nhiều DN chất lượng IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) hơn trong thời gian tới, không chỉ khối tư nhân mà cả DN nhà nước.