Mới đây, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank - mã: HDB) vừa thông báo chào bán trái phiếu đợt 2 ra công chúng. Theo đó, HDBank dự kiến phát hành ra công chúng mã trái phiếu HDBC7Y202302 mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, tổng giá trị phát hành 1.000 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có bảo đảm, là nợ thứ cấp và thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 của HDBank
Trái Phiếu do HDBank phát hành có lãi suất thả nổi, áp dụng cho toàn bộ kỳ hạn của trái phiếu theo công thức: Lãi suất = Lãi Suất Tham Chiếu + biên độ 2,8%/năm. Lãi được thanh toán sau hàng năm, định kỳ vào ngày tròn 1 năm kể từ ngày phát hành.
Ngay trước đó, ngân hàng Agribank thông báo phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng với lãi suất năm đầu tiên là 6,68%/năm. Lãi suất năm tiếp theo được xác định bằng lãi suất tham chiếu (bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND kỳ hạn 12 tháng, trả lãi cuối kỳ của 4 ngân hàng BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank tại ngày xác định lãi suất) cộng biên độ 2%/năm trong vòng 5 năm đầu và cộng biên độ 3%/năm trong 5 năm cuối. Ngân hàng này trả lãi định kỳ 1 năm 1 lần. Mệnh giá mỗi trái phiếu là 100.000 đồng. Kỳ hạn là 10 năm và sau 5 năm, Agribank có quyền mua lại.
VietinBank cũng vừa thông qua kế hoạch dự kiến chào bán 80 triệu trái phiếu trong 2 đợt với giá chào bán bằng mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu. Đây đều là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm và thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 của VietinBank theo quy định pháp luật hiện hành. 2 đợt phát hành sẽ có kỳ hạn 8 năm và 10 năm, lãi suất của các trái phiếu là lãi suất thả nổi (lãi suất có điều chỉnh theo định kỳ), tính theo tỷ lệ phần trăm trên năm. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 8 năm bằng lãi suất tham chiếu của kỳ tính lãi đó cộng với 1,05%/năm và lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm bằng lãi suất tham chiếu của kỳ tính lãi đó cộng với 1,15%/năm.
Trước đó vào tháng 6/2024, ngân hàng ACB công bố phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu. Mỗi đợt phát hành 5.000 tỷ đồng, lãi suất 4,5%, kỳ hạn 2 năm.
Ngân hàng Bac A Bank cũng có loạt đợt phát hành lần lượt 1000, 500, 1000, 900, 600, 500 tỷ đồng, tổng khối lượng huy động 4.500 tỷ đồng, loại hình riêng lẻ lẫn ra công chúng.
Ở thời điểm tháng 3/2024, ngân hàng MB cũng công bố thông tin về việc phát hành 3 lô trái phiếu. Mệnh giá của trái phiếu là 1 tỷ đồng, lãi suất 6,2-6,5%/năm. Các lô trái phiếu đều có kỳ hạn 7 năm.
Ngân hàng BIDV cũng thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ trong năm 2024, tổng giá trị tối đa 3 ngàn tỷ đồng, dự kiến phát hành tối đa 5 đợt (mỗi đợt tối thiểu 50 tỷ đồng). Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, kỳ hạn 5-10 năm, dự kiến phát hành từ tháng 6 đến hết tháng 11/2024. Mục đích phát hành nhằm bổ sung vốn để cho vay khách hàng trong nền kinh tế.
Theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong nửa đầu tháng 6/2024 có 13 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị đạt 19.117 tỷ đồng.
Thống kê của đơn vị này ghi nhận, trong đó, có 10 đợt phát hành thuộc nhóm ngân hàng thuộc 5 ngân hàng (ACB, Shinhan Việt Nam, MSB, Bac A Bank, HDBank) và 3 đợt phát hành thuộc lĩnh vực tài chính (Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư I.P.A, Home Credit Việt Nam).
Tỷ trọng trái phiếu ngân hàng từ đầu năm đến nay đang chiếm áp đảo. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, trái phiếu ngân hàng chiếm 57,4% tổng giá trị phát hành, trái phiếu bất động sản chỉ còn chiếm gần 31% giá trị phát hành, còn lại là trái phiếu lĩnh vực khác.
Nhận định liên quan đến sự áp đảo của tỷ trọng trái phiếu ngân hàng, ông Phan Duy Hưng, Giám đốc phân tích Visrating cho rằng, các ngân hàng sẽ cần tăng cường phát hành trái phiếu dài hạn hơn nữa để bổ sung nguồn vốn và an toàn vốn nhằm tuân thủ các quy định về tỉ lệ an toàn hoạt động. Việc phát hành trái phiếu hỗ trợ tăng trưởng tín dụng càng được thúc đẩy hơn trong bối cảnh tăng trưởng tiền gửi chậm lại do điều kiện hoạt động kinh doanh suy giảm trong giai đoạn 2021 - 2022.
Theo PGS.TS. Võ Đại Lược, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới - cho biết so với nhiều ngành nghề khác, đặc biệt là bất động sản, trái phiếu ngân hàng được nhìn nhận ở mức độ khá an toàn. Bởi vậy dù nhóm tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu kỳ hạn tương đối dài, khoảng 3 - 5 năm với lãi suất 5 - 6% nhưng vẫn thu hút được nhà đầu tư. Vị chuyên gia nhận định, việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay là phù hợp với ngân hàng. Theo đó, các nhà băng có thể hạn chế bớt rủi ro gia tăng về chi phí vốn đầu vào khi lãi suất đang có xu hướng tăng trở lại.