Nhiều người nói rằng là con một sướng biết mấy, không ai tranh giành gì với mình, thích gì bố mẹ cũng đều đáp ứng, nhưng, thực tế là cái gì cũng có mặt lợi và mặt hại, không có điều gì là hoàn hảo. Người có anh chị em khó mà hiểu được nỗi lòng của những con một…
Sự cô đơn - tình thế nan giải của con một
Cô bé Nhi hàng xóm khi thấy người khác có em nhỏ chơi cùng đã luôn xin bố mẹ sinh thêm em thứ hai cho mình.
Sau cùng, khi thật sự cảm thấy không còn hy vọng gì nữa, Nhi nói với bố mẹ, nếu không thì mua cho con một chú mèo con hay một chú chó cũng được!
Suốt thời thơ ấu, con một được hưởng sự chăm sóc chu đáo từ ông bà bố mẹ, tình cảm của tất cả người lớn trong nhà đều dồn vào họ.
Nhưng khi lớn lên, đặc biệt là sau khi bước vào tuổi vị thành niên, sẽ có khoảng cách thế hệ với những người lớn tuổi, điều này sinh ra cảm giác cô đơn rất lớn.
Không phải tranh giành gì với ai nhưng con một lại đối mặt cảm giác cô đơn (Ảnh minh họa)
Cậu bé học cùng lớp với đứa cháu của tôi thường ở với bà nội, chỉ cuối tuần bố mẹ mới tới thăm.
Giờ đây, khi đi học về, cậu bé 12 tuổi thường tự nhốt mình trong phòng và không nói gì hay giao tiếp với bà nội.
Cuối tuần khi bố mẹ qua nhà, họ chỉ mua đồ cho con vui chứ không quan tâm đến những gì con nói.
Nếu cậu bé có thể có một người bạn để chơi cùng ở nhà, tuổi thơ của cậu bé có lẽ sẽ khác…
Cô đơn khi còn nhỏ, cô đơn tới tận khi trưởng thành.
Tất cả chúng ta đều biết rằng con một phải đối mặt với trách nhiệm trong việc chăm sóc ba mẹ, trách nhiệm này không chỉ là gánh nặng kinh tế, mà còn là gánh nặng về tình cảm.
Mẹ của Trung, một 8X đang làm việc trong ngành dịch vụ, bị ung thư, từ phát hiện đến lúc điều trị và cả lúc chôn cất, tất cả mọi quá trình đều một mình cậu ấy lo.
"Có nhiều lúc tôi thấy hơi mệt mỏi, chuyện gì cũng phải một mình đối mặt, một người để thương lượng bàn bạc mọi chuyện trong nhà cũng không có" , Trung từng chia sẻ.
Tiền, quả thực không phải là vạn năng, bởi đôi khi, đối với những gia đình trung lưu, có "người" quan trọng hơn là có "tiền".
Có thêm một thành viên trong gia đình, bạn có thể được hỗ trợ nhiều hơn về mặt tinh thần, và tình cảm là vô giá.
Là trụ cột của gia đình: Không dám đối mặt với sinh, lão, bệnh, tử
Thu: "Là con một, giữa công việc và sức khỏe của cha mẹ, tôi chọn cha mẹ".
Thu kể rằng cách đây không lâu, bố cô bị ốm. Tình cờ, khi đó lại là lúc sự nghiệp của cô đang lên. Nhìn người cha tóc bạc trắng nằm trên giường một cách mệt mỏi, khuôn mặt phờ phạc trái ngược hẳn với vẻ tươi cười nhưng vẫn dặn con gái không phải lo lắng, tập trung cho sự nghiệp trước đã, Thu rất buồn. Người cha từng là bờ vai, là chỗ dựa, che mưa chắn gió cho cô, giờ lại chỉ có thể nằm yếu ớt trên giường, khoảnh khắc đó cô nhận ra sinh mệnh thật mong manh. Bản thân Thu là trụ cột của gia đình, cô làm sao nỡ vì công việc mà để cha ở nhà không chăm sóc!
Giữa tương lai và bệnh tật của cha, Thu quyết định chọn hai chữ "hiếu thảo". Khi cha mẹ lâm bệnh, người con duy nhất trong gia đình cũng chính là chỗ dựa duy nhất của họ.
Là con một, nhiều người phải gánh vác mọi việc trong gia đình (Ảnh minh họa)
Minh: "Nhiều khi, con một không thể tự mình đưa ra quyết định".
Con một là tất cả với cha mẹ. Kỳ thi tuyển sinh đại học là sự kiện quan trọng nhất của đời người, nó đáng lẽ nên là sự lựa chọn của người thi, nhưng lại có nhiều bậc cha mẹ thích gửi gắm ước mơ đại học mà họ từng bỏ lỡ vào con cái của mình.
Là con một, liệu bạn đã từng cãi vã với ba mẹ và đóng sầm cửa lại vì không đăng ký nguyện vọng theo yêu cầu của bố mẹ hay chưa?
Minh thở dài nhớ lại kỳ thi tuyển sinh đại học năm đó, cô từng mơ ước trở thành bác sĩ nhưng bố mẹ cô cảm thấy học ngành Y quá lâu và vất vả, muốn cô làm giáo viên, tìm quan hệ rồi ổn định dạy học ở trường nào đó, đó mới là con đường Minh nên đi. Vì chuyện này, Minh đã cãi nhau với ba mẹ, cô đóng sầm cửa lại vì giận giữ, nhưng khoảnh khắc lúc bước ra ngoài, cô thấy tóc cha mẹ đã bạc, cảm giác dường như không còn đủ năng lượng để cãi nhau với mình. Cha mẹ ngày càng già yếu, là con một, che chở chăm sóc họ là điều mà Minh cần làm, nghĩ vậy, Minh đã chọn cách nghe theo ý muốn của cha mẹ.
Trên mạng xã hội, có người đặt ra câu hỏi như này: "Làm con một, cảm giác ra sao?".
Phía dưới có một bình luận nhận được rất nhiều lượt ủng hộ rằng: "Không dám ốm, không dám xa nhà, rất muốn kiếm tiền, bởi lẽ ba mẹ chỉ có mình tôi" .
Tầm quan trọng của con một đối với cha mẹ là điều không cần bàn cãi.
Trong một cuốn sách nước ngoài có tên "Mục tống", có một đoạn như này:
"Hạnh phúc là buổi sáng có người vẫy tay nói 'tạm biệt', buổi tối bình an trở về nhà, chiếc cặp vứt vào góc cũ, đôi giày thể thao bốc mùi nhét dưới gầm ghế cũ…".
Nhưng rất nhiều những người con một, những người phải đi làm ở nơi xa, không thể sống cùng bố mẹ, chẳng thể có được một cuộc sống giản đơn như vậy.
Để cha mẹ về già được hưởng phúc, con một, những người không có anh chị em, bắt buộc phải gánh trên vai áp lực kinh tế lớn gấp hai, gấp ba lần người khác.
Nhưng áp lực kinh tế chưa phải là tất cả, họ vẫn cần dành ra thời gian để ở bên cha mẹ nhiều hơn, để cha mẹ không cảm thấy thiếu thốn tình yêu thương, sự quan tâm từ con cái.
Linh, một 9X đang làm việc và sống ở dưới quê, cô ấy nói có lẽ sẽ tìm một ai đó cùng thành phố để kết hôn, không thể lấy chồng quá xa.
"Tôi phải thường xuyên về thăm ba mẹ, họ chỉ có mình tôi thôi!" , Linh chia sẻ.
Được yêu thương, được chiều chuộng, được là trung tâm của tình yêu thương của tất cả người lớn trong gia đình, nhưng đi kèm với những "đặc quyền" đó, hội con một cũng phải trải qua sự cô đơn, hay những lo lắng trong tâm lý, áp lực kinh tế không biết chia sẻ cùng ai.
Còn bạn, bạn có phải con một hay không? Liệu bạn có những nỗi niềm này hay không?
Nguồn: Kknews, Ifeng, QQ