Tiết kiệm bằng cách đầu tư vào những món đồ chất lượng
Trọng Trung (30 tuổi) cùng vợ hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Thu nhập của vợ chồng anh không cố định, ngoài lương, số tiền thu về hàng tháng còn phụ thuộc vào các khoản lợi tức từ đầu tư. Song, con số này thường dao động từ 65-80 triệu/tháng. Trong đó khoản chi gia đình hàng tháng sẽ rơi vào 45-50 triệu đồng, trong đó có 20 triệu để trả nợ ngân hàng.
Trọng Trung tự nhận rằng gia đình anh khá thoải mái và cũng có mức chi tiêu được cho là cao hơn mặt bằng chung. "Gia đình mình có một tiêu chí rất rõ ràng về tiết kiệm đấy là "Tiết kiệm chứ không hà tiện" cho nên các khoản nào cần thiết phải chi tiêu bọn mình đều không ngần ngại chi".
Trọng Trung
Bí quyết để tiết kiệm chi phí sinh hoạt ở đây của gia đình Trọng Trung là mua các đồ dùng tốt, chất lượng cao để có thể sử dụng được lâu dài. Như vậy sẽ không phải thay đồ nội thất hay gia dụng trong nhà quá nhiều, là 1 cách tiết kiệm khá tốt. Đồng thời, anh cho rằng nên dành thời gian tìm hiểu những thứ cần mua để có thể so sánh giá cả và tìm cho bản thân chỗ mua có lợi nhất.
Bên cạnh đó, tiêu chí quan trọng nhất đối với Trọng Trung trước khi quyết định "xuống tay" mua sắm đó là tính cấp thiết và tầm ảnh hưởng của món đồ trong cuộc sống hàng ngày. Nếu một món đồ bạn mua và nâng cao chất lượng cuộc sống của bạn thì đấy chính là đáng để chi tiền.
"Ví dụ, cả mình và vợ đều thích uống nước ép hoa quả và sữa hạt vậy. Do vậy, thay vì bỏ tiền mua nước ép, sữa hạt đóng chai ngoài hàng thì bọn mình đầu tư một máy ép và một máy nấu sữa hạt đời mới nhất tại nhà luôn. Tính ra đấy là một khoản đầu tư cho sức khỏe. Khi mình vừa tiết kiệm tiền mua ngoài lại vừa nâng cao sức khỏe của bản thân, mình cho rằng lúc đó bản thân hoàn toàn lãi lớn trong phần đầu tư này".
Chỉ chi tiền cho nhu cầu thật sự cần thiết
Kiều Trinh (29 tuổi) hiện tại đang sinh sống tại Hà Nội cùng chồng và 2 con nhỏ. Vợ chồng cô làm kinh doanh nên thu nhập hàng tháng không cố định, khoảng từ 50-100 triệu đồng. Hiện nay, hàng tháng gia đình Kiều Trinh chi tiêu khoảng 20-25 triệu.
Theo Kiều Trinh, để tiết kiệm hơn, cô ưu tiên mua mới quần áo đi học và đi chơi cho 2 bé. Còn đối với quần áo ở nhà, cô tận dụng quần áo cũ của bé lớn cho bé thứ 2 mặc. "Mình thường mua quần áo cho các bé trên các trang thương mại điện tử, có khá nhiều mã giảm giá và miễn phí vận chuyển, giá chỉ dao động khoảng 90-150 nghìn/bộ mà chất liệu khá ổn, thấm hút mồ hôi tốt".
Các vật dụng trong gia đình cô chỉ mua vừa và đủ. Vợ chồng Kiều Trinh học cách kiên nhẫn hơn trước những món đồ bản thân thích, chỉ mua khi thấy thực sự cần thiết và công năng sử dụng cao, thường sẽ chờ đến các đợt giảm giá rồi mới mua.
"Từ khi có thêm bé thứ 2, mình cảm thấy việc quản lý chi tiêu trong gia đình càng quan trọng hơn, học cách hạn chế mua những món đồ linh tinh, theo sở thích. Ưu tiên mua những món đồ mình cảm thấy cần thôi" , Kiều Trinh chia sẻ.
Kiều Trinh
Cũng giống như Kiều Trinh, Thuỳ Dương (25 tuổi) hiện đang sống cùng chồng ở Đà Nẵng cũng cho rằng muốn tích luỹ nhiều hơn cần phải cân nhắc chi tiêu thật kỹ. Cô chỉ mua sắm vào những ngày cố định. Vào đợt giảm giá lớn đầu tháng, các trang thương mại điện tử đưa ra nhiều ưu đãi từ đồ dùng đến thực phẩm, tiết kiệm được kha khá. Để không bị mua sắm quá tay, cuối tháng cô sẽ dọn dẹp kiểm kê lại đồ dùng trong nhà và viết ra những thứ cần mua theo thứ tự ưu tiên. Chẳng hạn, danh sách có 10 món, cô sẽ ưu tiên 5 món đầu cần gấp trước, những khoản chi khác có thể cân nhắc vào tháng sau.
"Mình chỉ tìm những món bản thân cần, so sánh giá, xem đánh giá giữa các cửa hàng rồi chọn 2 nơi uy tín để sẵn trong giỏ hàng. Trước ngày hội giảm giá, mình sẽ kiểm tra lại giỏ hàng 1 lần nữa và bỏ đi những món chưa cần thiết. Tới ngày mình chỉ việc chọn nơi bán có giảm giá lớn để tiết kiệm nhất có thể".
Thuỳ Dương
Luôn ghi chép chi tiêu để dễ quản lý tài chính gia đình
Kiều Trinh chia sẻ rằng bản thân từng rất ngại việc ngồi ghi chép chi tiêu hàng ngày, kẻ bảng, cộng trừ nhân chia,... dù từng cố gắng thử làm nhiều lần nhưng sau vẫn từ bỏ không duy trì được. Song, đến một lúc cảm thấy chi tiêu của gia đình quá nhiều và không kiểm soát được, cô bắt buộc mình phải ghi chép lại.
"Mình thấy đây là 1 thói quen cực kỳ cần thiết để có thể quản lý tài chính của gia đình tốt hơn. Từ ngày biết có mấy cái ứng dụng quản lý chi tiêu trên điện thoại là siêng hẳn, hàng ngày cứ chi tiêu gì là mình sẽ cập nhật lên thôi. Bất cứ lúc nào, mình đều có thể xem lại được các khoản chi tiêu của tháng trước cũng như tháng gần nhất".
Đồng quan điểm với Kiều Trinh, Minh Nguyễn (25 tuổi) hiện tại đang sinh sống tại Lào Chai cũng thường xuyên ghi chép bằng ứng dụng sổ thu chi trên điện thoại. Điều này giúp cô nắm được nguồn tiền hàng tháng. Đồng thời ghi chép lại cũng giúp vợ chồng cô biết cách tiết kiệm và không tiêu xài hoang phí.
"Thật sự nếu không chi tiêu hợp lý, có bao nhiêu cũng hết. Để cuộc sống gia đình luôn thoải mái và không bị áp lực kinh tế thì nên có kế hoạch quản lý chi tiêu ngay từ đầu. Chia tiền thành các khoản nhỏ có hơi máy móc nhưng thực sự cần thiết, vì dễ kiểm soát hơn rất nhiều" , lời khuyên của Minh về chuyện tài chính gia đình đến những bạn trẻ sắp kết hôn.
Ảnh: NVCC