HPG&POM&TIS:
Trong báo cáo mới đây về ngành thép của VCBS, công ty chứng khoán đánh giá không tích cực về DN thép, dù doanh số thép nội địa ghi nhận hồi phục trong 6 tháng đầu năm 2024.
BIÊN LỢI NHUẬN DN THÉP XÂY DỰNG THẤP HƠN LỊCH SỬ RẤT NHIỀU
Nói về các doanh nghiệp thép xây dựng, VCBS cho biết biên lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng có đà hồi phục tuy nhiên vẫn thấp hơn lịch sử rất nhiều do giá thép xây dựng trong nước gặp áp lực điều chỉnh giảm liên tiếp trong bối cảnh nhu cầu xây dựng nội địa yếu và cạnh tranh lớn từ thép nhập khẩu Trung Quốc với giá thấp hơn.
Giá nguyên vật liệu đầu vào như quặng sắt, than cốc ở mức tương đối cao trong quý 4/2023 và quý 1/2024 làm giảm biên lợi nhuận. Bên cạnh đó, chi phí điện tăng gây áp lực cho ngành sản xuất thép (chiếm khoảng 10% giá vốn).
Các doanh nghiệp sản xuất khác trong ngành đang trong giai đoạn cắt giảm nhân sự, thanh lý tài sản hay bán cổ phần cho đối tác nước ngoài để có nguồn vốn duy trì hoạt động kinh doanh.
VCBS cho rằng mặc dù kết quả kinh doanh đã tạo đáy tuy nhiên quá trình phục hồi đang diễn ra rất chậm và còn nhiều thách thức phía trước.
Biên lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu tôn mạ tại Việt Nam thì có đà hồi phục tốt sau những quý làm ăn kém khả quan. Nguyên nhân chủ yếu nhờ vào việc nhập khẩu tôn của EU, Mỹ hồi phục mạnh trong bối cảnh nguồn cung tại khu vực này có dấu hiệu thiếu hụt. Đồng thời giá HRC khá ổn định trong quý 1 giúp cho các công ty không cần ghi nhận trích lập tồn kho quá lớn trong quý 2 (các công ty tôn mạ thường nhập kho trước 3 tháng).
TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH SÁCH ÁP THUẾ CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ
Việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với sản phẩm HRC và tôn mạ tới từ Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc dự kiến sớm nhất sẽ có thể được ban hành vào tháng 10,11/2024. VCBS đánh giá tác động của chính sách có khả thi và tạo sự ảnh hưởng nhất với sản phẩm HRC.
Sau khi Hòa Phát tăng công suất HRC, thị trường nội địa sẽ là thị trường tiêu thụ chính, việc áp thuế CPBG có tác động lớn khi tới 60-70% tiêu thụ của ngành tới từ nhập khẩu.
Ngoài ra, VCBS cho rằng tác động của chính sách CPBG tới sản phẩm tôn mạ sẽ không nhiều như giai đoạn 2016-2017 do tỷ trọng sản lượng nhập khẩu tôn mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc bằng 30% (mức thấp so với 100-110% giai đoạn 2016-2017) sản lượng tiêu thụ nội địa và Trung Quốc hoàn toàn có thể né thuế bằng cách chuyển khẩu sang các quốc gia lân cận.
VCBS cho rằng tác động sau khi áp dụng thuế CBPG với sản phẩm tôn mạ có thể giúp sản lượng nội địa tăng thêm khoảng 10-15% mức hiện tại (phần tăng thêm của sản lượng thép Trung Quốc và Hàn Quốc mất đi sau khi thuế được áp dụng).
TRIỂN VỌNG NGÀNH THÉP
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tiêu thụ thép xây dựng trong nước đạt 3,8 triệu tấn ( tăng 4% svck); thép ống tăng 3% và tôn mạ tăng 22%.
Đà phục hồi này do thị trường bất động sản trong nước hồi phục tốt ở miền Bắc và miền Nam với số dự án thực hiện xây dựng đạt mức cao trong nhiều năm đổ lại nhờ môi trường pháp lý được cải thiện cũng như nền tảng lãi suất thấp kích thích nhu cầu bất động sản.
Cùng với đó, thị trường xây dựng nhà ở của người dân phục hồi do giá vật liệu xây dựng ở mức thấp tạo nhu cầu xây nhà ở cho người dân sau giai đoạn chờ đợi giá nguyên vật liệu giảm và thu nhập cải thiện sau năm 2023 khó khăn.
Về mặt thị phần, đối với ngành thép xây dựng, Hòa Phát tiếp tục gia tăng thị phần của mình với việc củng cố vị thế tại thị trường nội địa trong bối cảnh các nhà sản xuất trong ngành gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động kinh doanh. Theo báo cáo của VCBS, thị phần thép xây dựng của Hòa Phát trong 6 tháng đầu năm 2024 là 46%.
Doanh số xuất khẩu cũng hồi phục hỗ trợ tiêu thụ. Trong đó, sản lượng xuất khẩu thép xây dựng cho thấy đà hồi phục tiếp diễn tuy nhiên duy trì ở mức thấp ngang với giai đoạn đầu năm 2021 do tình trạng dư thừa thép xây dựng tiếp diễn toàn cầu.
Doanh số xuất khẩu tôn mạ mặc dù chưa về mức cao của năm 2021 tuy nhiên cho thấy sự phục hồi tốt tiếp diễn. Còn doanh số xuất khẩu HRC tăng mạnh trong năm 2023 và quý 1/2024 tuy nhiên cho thấy sự sụt giảm vào quý 2/2024, VCBS cho rằng nguyên nhân chủ yếu tới từ sự phục hồi sản xuất của nhà sản xuất nội địa tại thị trường nhập khẩu cũng như gia tăng sự bảo hộ cho sản phẩm thép HRC tại EU.
Về triển vọng của ngành thép, VCBS cho rằng nhu cầu nhập khẩu thép tại các quốc gia như Mỹ và EU tiếp tục duy trì khởi sắc trong bối cảnh các quốc gia này hạ lãi suất và phục hồi phát triển kinh tế. Điểm rủi ro cần lưu ý tới từ các biện pháp chống bán phá giá đối với thép Việt Nam nhằm bảo vệ cho ngành sản xuất nội địa đang phục hồi tốt cũng như việc giảm nhập khẩu do các nhà máy tại các quốc gia này đang tích cực hoạt động trở lại.
Sản lượng tiêu thụ nội địa được kỳ vọng tiếp tục đà phục hồi tốt trong bối cảnh thị trường bất động sản nhà ở tại Việt Nam phục hồi tốt với số dự án triển khai duy trì mặt bằng cao cả ở Miền Nam và Miền Bắc và kỳ vọng trong nửa cuối năm đầu tư công đẩy mạnh tạo đà tăng trưởng cho toàn ngành.