Xuất phát từ khó khăn trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ và kết nối với các chuyên gia giỏi để được tư vấn trong lần khởi nghiệp trước đó vào năm 2017, anh Nguyễn Đình Nghĩa – Founder & CEO của Askany, ứng dụng tư vấn cùng chuyên gia, đã cho ra đời nền tảng này với mong muốn kết nối các chuyên gia tư vấn với người dùng trên quy mô đa lĩnh vực.
Bắt đầu từ năm 2022, "ứng dụng Askany cho phép kết nối người dùng với những chuyên gia giỏi thuộc 16 lĩnh vực với giá tư vấn rẻ hơn nhiều so với dịch vụ tư vấn truyền thống nhờ 2 yếu tố là cho tư vấn online (trực tuyến) qua app (ứng dụng) và cho book (đặt) các gói tư vấn theo giờ (15 phút, 60 phút), theo gói" – "cha đẻ" của Askany - anh Nguyễn Đình Nghĩa cho biết. Hiện tại, mỗi tháng Askany đang hỗ trợ cho 300-500 cá nhân và doanh nghiệp nhỏ. Tỉ lệ hài lòng trung bình là 4.6/5. Đến với Shark Tank Việt Nam mùa 7, Nhà sáng lập Nguyễn Đình Nghĩa gọi vốn 2 tỷ đồng cho 7% cổ phần.
Anh Nguyễn Đình Nghĩa – Founder & CEO của Askany trình bày trước các Nhà đầu tư tại Shark Tank mùa 7
Theo anh Nghĩa, công ty đã đầu tư hơn 27 tỷ đồng. Số tiền này hầu hết được "đổ" cho đội ngũ Developer – nhân viên phát triển phần mềm. Công ty tự code (lập trình) để tạo ra những tính năng ưu việt nhất như: chia sẻ màn hình, gửi file (tập tin), wake up điện thoại dậy (tự động mở màn hình) khi điện thoại đang im lặng, có thể gọi điện như các ứng dụng gọi điện miễn phí phổ biến hiện nay. Askany chọn công nghệ hai điện thoại kết nối trực tiếp với nhau nên gần như sẽ không tốn nhiều phí về server (máy chủ).
Về quá trình hình thành và phát triển, Nhà sáng lập cho biết "năm 2022 - 2023 chúng tôi tập trung phát triển app. Sang 2023 tập trung phát triển đội ngũ chuyên gia, hiện tại đã có 200 chuyên gia thuộc 16 lĩnh vực – đây là giai đoạn khó nhất thuyết phục những người giỏi tham gia. Cuối 2023 - 2024 là giai đoạn chạy thử".
Về doanh số của tháng gần nhất (tháng 6/2024) đạt hơn 500 triệu đồng doanh thu GMV (Gross Merchandise Value - tổng giá trị giao dịch trên ứng dụng) và doanh thu của công ty được hơn 200 triệu đồng. Tổng doanh thu GMV đạt được là 1 tỷ 90 triệu đồng, doanh thu của công ty là 490 triệu.
Trả lời câu hỏi của Shark Hưng về lợi thế của Askany so với việc tư vấn thông qua trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần phổ biến hiện nay, anh Nghĩa cho biết: "lợi thế lớn nhất là về độ tin cậy. AI lấy kiến thức trên internet nên khá chung chung, không được verify (kiểm định, xác minh) trong khi những vấn đề tiền bạc, đầu tư phải có người cụ thể confirm (xác nhận, chứng thực)".
Tuy nhiên, Nhà sáng lập cho biết cũng đã ứng dụng AI vào việc tư vấn. Cụ thể, Askany đã có một AI tư vấn về thuế. Hơn thế, là hướng phát triển gắn AI với một người nổi tiếng. Ví dụ, thiết kế một con AI tư vấn về gym gắn với một Kiện tướng thể hình để tư vấn cho khách. Hướng đi này được Shark Hưng đánh giá là xán lạn.
Về vấn đề truyền thông marketing, khi Shark Minh Beta nêu băn khoăn "cách thức truyền thông của Askany đang khá tốn kém so với một startup, cụ thể như việc quảng cáo billboard tại sân bay". Nhà sáng lập cho biết bản thân có kinh nghiệm về performance marketing, từng giữ chức Global Performance Manager thiên về chạy chuyển đổi tại một doanh nghiệp lớn ở Singapore nên tự tin có thể chuyển đổi những lượt search (tìm kiếm) thành lead để đạt được mức doanh số kì vọng.
Do không thuộc lĩnh vực "sở trường" và cho rằng mô hình kinh doanh đang ở giai đoạn sớm nên 3 "cá mập" shark Hưng, shark Minh Beta và Shark Thái đều quyết định không đầu tư.
"Cá mập" nữ duy nhất trong Hội đồng đầu tư, Shark Phi Vân đánh giá mô hình có tiềm năng, tuy nhiên đang tập trung xây nền tảng nhiều mà chưa có commercialize (thương mại hóa) tốt. Để đưa ra quyết định đầu tư ngay tại thời điểm này thì chưa thể. Shark mong muốn tham gia vào dự án khoảng từ 3-6 tháng để đưa nó lên một giai đoạn khác rồi sau đó mới xuống tiền đầu tư.
Đánh giá về tiềm năng của startup, Shark Bình đưa ra so sánh về sự xem trọng lời khuyên trong văn hóa các nước: "Nếu như ở các nước phát triển, người ta sẵn sàng trả phí cao cho việc tư vấn thì văn hóa Việt Nam chưa thật sự coi trọng điều đó vì vậy startup cần phải đầu tư rất nhiều tiền cho việc educate (giáo dục, giải thích) thị trường". Là "cá mập" công nghệ, Shark Bình cho rằng thị trường Askany hướng tới tuy ngách nhưng tiềm năng nếu biết cách làm tốt. Shark Bình ra deal 2 tỷ cho 30% cổ phần.
Nhận xét Askany đi vào thị trường ngách nhưng có tiềm năng, Shark Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn NextTech đề nghị đầu tư
Tuy nhiên, do chưa sẵn sàng chia sẻ thêm phần trăm cổ phần nên dù Shark Bình hạ deal xuống còn 2 tỷ cho 20% cổ phần thì startup vẫn từ chối, khép lại thương vụ gọi vốn không thành công.
Đón xem sự xuất hiện của Askany trong chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 7 tập 2 tại: https://youtu.be/3__9w6x1GN4