Người ta không bàn bạc nhiều về chủ đề đầu tư vàng. Một số người cho rằng đây là món tài sản cần thiết để phòng ngừa lạm phát, trong khi một số khác coi đó là thứ tài sản mang lại lợi nhuận thấp. Tỷ phú Warren Buffett nổi tiếng với lập luận về lợi ích của việc nắm giữ cổ phiếu đã từng châm biếm rằng nếu chất toàn bộ vàng trên thế giới thành một khối lập phương khổng lồ thì khi "Bạn có thể vuối ve khối lập phương (trơ trơ) đó nhưng nó sẽ không phản hồi". Ông đã nói: "Vàng được đào lên khỏi mặt đất ở Châu Phi hoặc một nơi nào đó. Sau đó, chúng ta nấu chảy nó, đào một cái hố khác, chôn nó lại và trả tiền cho người đứng xung quanh bảo vệ nó. Nó không có ích gì. Bất cứ ai xem từ sao Hỏa sẽ phải vò đầu bứt tai".
Cuộc tranh luận này gần đây đã được nhen nhóm trở lại lại, kể từ khi vàng đạt mức cao kỷ lục trên 2.100 USD/ounce. Xem xét lại lịch sử dài hạn của vàng không hoàn toàn chứng minh được cho cả hai luồng quan điểm trên. Vàng đã từng tụt dốc trầm trọng khi cổ phiếu tăng trong hầu hết các khoảng thời gian dài, nhưng đồng thời nó cũng đã đạt được thành tích vượt trội so với cổ phiếu trong thời gian dài, bao gồm cả 2 trong 5 thập kỷ qua, cho thấy nó có thể hoạt động như một công cụ phòng hộ hiệu quả. Tuy nhiên, chính xác là vàng đang phòng hộ những gì thì vẫn chưa rõ ràng. Đó không chỉ là phòng ngừa lạm phát.
Lịch sử hiện đại của vàng với tư cách là một loại tài sản có thể đầu tư về cơ bản bắt đầu vào năm 1971 khi Mỹ chính thức chấm dứt mối liên hệ giữa đồng đô la Mỹ với vàng ở mức cố định 35 USD/ounce. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, trong suốt những năm 1970, giá vàng tính bằng đồng USD đã tăng hơn 10 lần. Thành tích đó vượt xa giá tiêu dùng, vốn đã tăng gần gấp đôi trong thập kỷ đó. Vàng cũng tăng vượt trội so với cổ phiếu, trong đó S&P 500 đạt tổng lợi nhuận là 78%, bao gồm cả cổ tức.
Nhưng sau đó vàng đã mất hơn 20% giá trị trong cả những năm 1980 và 1990. Điều này trùng hợp với hai giai đoạn thị trường chứng khoán tăng giá huyền thoại, gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng của vàng.
Sau đó, vào thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này, lại có một sự đảo ngược khác. S&P 500, bị ảnh hưởng đầu tiên bởi sự bùng nổ của bong bóng dot-com, sau đó là cuộc khủng hoảng tài chính 2008-09, nên đã mất 9% trong vòng một thập kỷ trong khi vàng tăng 275%.
Tính chung từ năm 1970 đến năm 2023, mức tăng giá vàng hàng năm trung bình đạt mức đáng kinh ngạc, là 7,5%, mặc dù phần lớn trong số đó có được vào những năm 1970. Vàng chỉ tăng cùng chiều với lạm phát ở khoảng thời gian đó. Cổ phiếu đã tăng vượt trội so với khối vàng vô hồn, với S&P 500 đạt tổng lợi nhuận hàng năm là 10,6% kể từ năm 1970 đến năm 2023, hoặc 11,7% nếu bắt đầu từ năm 1980.
Điều này thật ý nghĩa. Cổ phiếu cung cấp một số biện pháp bảo vệ lạm phát nội tại, bởi vì các công ty kiếm được doanh thu tăng cùng với giá cả, cho phép tăng lợi nhuận và cổ tức tương xứng. Trên hết, cổ phiếu được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của nền kinh tế thực, được hỗ trợ bởi tiến bộ công nghệ và các động lực tiến bộ khác.
Nhưng sự vượt trội của vàng trong những năm 1970 và 2000 không phải là sự may mắn. Đặc biệt, rất cần thiết phải xem xét kỹ hơn sự phục hồi của nó trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này. Những lo ngại về chính sách tiền tệ quá lỏng lẻo đóng một vai trò lớn, với việc Cục Dự trữ Liên bang hạ lãi suất xuống 1% sau vụ sụp đổ dot-com, sau đó về 0 và tung ra biện pháp nới lỏng định lượng sau cuộc khủng hoảng tài chính. Nhưng lạm phát thực tế vẫn được kiểm soát trong giai đoạn này, khi chỉ số giá tiêu dùng tăng trung bình hàng năm chỉ 2,6%, bao gồm cả lương thực và năng lượng. Đó là tốc độ chậm hơn so với bất kỳ giai đoạn nào trong ba thập kỷ trước.
Điều này cho thấy chính nỗi lo lạm phát đã thúc đẩy vàng, ngay cả khi nó không bao giờ thành hiện thực. Có lẽ đó cũng là nỗi sợ có tính chất tổng quát hơn. Bên cạnh sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng, đây còn là một thập kỷ được đặc trưng bởi chiến tranh, khủng bố và sự phân cực chính trị gia tăng. Như James Grant, một người ủng hộ vàng nổi tiếng và là biên tập viên của tờ Interest Rate Observer, đã viết trong ấn phẩm tài chính số ra tháng 1/2024, rằng vàng thực sự đã đạt đỉnh gần 1.900 USD/ounce vào tháng 9 năm 2011, sau khi Standard & Poor's hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ sau sự thất bại trong việc đàm phán mức trần nợ công.
Bản thân điều đó không phải là một sự kiện lạm phát, nhưng nó được cho là đã gây tổn hại đến sự an toàn của Kho bạc Mỹ - có lẽ là kho lưu trữ giá trị quan trọng nhất trong hệ thống tài chính toàn cầu. Điều này làm nổi bật một khía cạnh khác ít được đánh giá cao về sức hấp dẫn của vàng. Như Grant nói, "ưu điểm hàng đầu của vàng là nó không thuộc trách nhiệm của ai cả. Nó không có hộ chiếu quốc gia và không có chính trị."
Khi niềm tin vào xã hội và các thể chế chính trị bị xói mòn, sức hấp dẫn của vàng và các mặt hàng quý giá khác như kim cương sẽ tăng lên như những phương tiện lưu trữ giá trị thay thế không phụ thuộc vào các thỏa thuận xã hội. Chúng cũng có thể được vận chuyển trong trường hợp khẩn cấp. Tất nhiên, với tư cách là một nhà đầu tư, khi rơi vào một thảm họa thực sự thì không cần thiết phải thu được lợi nhuận, mà giá cả càng tăng cao thì mối lo ngại càng tăng. Bitcoin và các loại tiền điện tử khác có sức hấp dẫn tương tự, nhưng chúng ít được thử nghiệm hơn, ít được hiểu rõ hơn và vẫn phải đối mặt với những rủi ro lớn về mặt pháp lý.
Bây giờ hãy nghĩ về thời điểm hiện tại của chúng ta. Xung đột ở Ukraina vẫn tiếp diễn, căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng gia tăng, và không thể loại trừ khả năng sẽ xảy ra những xung đột khác trong tương lai gần. Một trong những cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi nhất trong lịch sử nước Mỹ đang đến gần, với cả hai phe chia rẽ chính trị đều lo ngại hậu quả khó lường nếu họ thua cuộc.
Giải thích một cách đơn giản hơn cho đợt vàng tăng giá gần đây là Fed dự kiến sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay. Là một tài sản không có lợi suất, vàng có xu hướng tăng khi lãi suất trên các tài sản thay thế giảm. Nhưng lãi suất hiện nay thực sự khá cao - thậm chí lãi suất thực đã được điều chỉnh theo lạm phát - và có thể sẽ vẫn như vậy ngay cả sau một vài đợt Fed cắt giảm lãi suất.
Giovanni Staunovo, chiến lược gia hàng hóa của UBS cho biết: "Trong lịch sử, động lực chính là lãi suất thực, nhưng mối quan hệ đó với vàng đã hoàn toàn bị phá vỡ".
Trong một báo cáo gần đây, các nhà quản lý tài sản của UBS đã chỉ ra việc các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới mua vàng ngày càng tăng, theo họ là đã đạt mức cao nhất kể từ những năm 1960 với hơn 1.000 tấn mỗi năm trong hai năm qua. Những vụ đặt cược này của các ngân hàng trung ương có thể được coi là hàng rào chống lại đồng đô la như một loại tiền tệ dự trữ. Đặc biệt là nhu cầu đến từ các quốc gia như Trung Quốc, cũng có thể đại diện cho các biện pháp phòng ngừa chống lại các biện pháp trừng phạt trong tương lai, đề phòng những gián đoạn địa chính trị còn nhiều hơn nữa.
Thời điểm tỏa sáng của vàng có thể lại đến. Và điều đó không có nghĩa là các loại hình đầu tư khác sẽ không hoạt động tốt.