Mới đây, vừa có thông tin Tập đoàn AEON sẽ niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như cam kết gắn kết sâu hơn với đất nước Việt Nam, bằng cách xuất tăng cường khẩu hàng Việt sang Nhật, cũng như nhân đôi số trung tâm thương mại hiện hữu (6) tại thị trường này.
Thoạt nghe, sẽ có nhiều người ngạc nhiên trước động thái này vì lượng doanh nghiệp FDI chịu niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam khá hiếm hoi. Song với những ai theo dõi kỹ từng bước đường trong hành trình 10 năm của AEON tại Việt Nam, sẽ thấy đây là điều tất nhiên. Kể từ khi đặt những bước chân đầu tiên vào thị trường khoảng 100 triệu dân này, Tập đoàn AEON đã thực sự nỗ lực vì thịnh vượng chung của cả hai quốc gia là Nhật Bản và Việt Nam.
Họ không chỉ đối xử tốt với nhân viên và khách hàng của mình, mà cả xã hội nói chung; nên nhiều lần nhận được nhiều lời khen ngợi từ các nhà chuyên môn lẫn người dân.
CHIẾN LƯỢC NHÂN SỰ ‘ĐẶT CON NGƯỜI LÊN HÀNG ĐẦU’
"Thật ra trong bối cảnh đại dịch khó khăn và thử thách là điều không thể tránh khỏi. Nhưng dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo nào thì bài toán chiến lược nhân sự của AEON Việt Nam cũng luôn có sẵn lời giải. Lời giải đó nằm ở chiến lược dài hạn, xuyên suốt và thống nhất dựa trên giá trị nhân văn, trân trọng con người bất biến không thay đổi mà chúng tôi vẫn đang theo đuổi.
Chiến lược luôn đặt con người lên hàng đầu của AEON Việt Nam đã được chính nhân viên trải nghiệm và tin tưởng từ trước khi đại dịch xảy ra. Trong bối cảnh khó khăn, các bạn ngay lập tức có được câu trả lời. Toàn thể nhân viên từ trên xuống dưới đồng hành, ủng hộ mọi quyết sách công ty và vui vẻ hỗ trợ lẫn nhau.
Dịch bệnh thời gian qua cũng đồng thời là phép thử, là cơ hội để nhân viên và công ty hiểu nhau hơn. Từ đó càng thêm củng cố lòng tin từ hai phía và cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn nhất", bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc Quản trị Chiến lược Nguồn nhân lực, Công ty TNHH AEON Việt Nam chia sẻ.
Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 9 với chúng tôi, ông Furusawa Yasuyuki - Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam khẳng định, sự an toàn của khách hàng và nhân viên là ưu tiên hàng đầu của AEON Việt Nam trong suốt thời gian qua.
AEON Việt Nam luôn làm việc chặt chẽ với các cơ quan nhà nước để đăng ký cho đội ngũ nhân viên được tiêm vắc xin trong thời gian sớm nhất, đồng thời đảm bảo môi trường làm việc an toàn, từ đó nhân viên có thể an tâm làm việc và gia tăng tính an toàn, giảm thiểu sự lây nhiễm của dịch bệnh trong quá trình tiếp xúc với khách hàng.
Tại các địa điểm kinh doanh và văn phòng, AEON Việt Nam luôn thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch, các biện pháp y tế theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, đồng thời đã ban hành Sổ tay ứng phó dịch bệnh (protocol) và hướng dẫn kịp thời cho tất cả nhân viên.
Nhân viên được chia thành các nhóm làm việc tại các khu vực khác nhau, được xét nghiệm theo quy định của cơ quan chức năng để giảm rủi ro lây nhiễm. Ngoài ra, công ty cũng thường xuyên cung cấp và hướng dẫn nhân viên về các kiến thức, thông tin liên quan đến dịch bệnh, các biện pháp phòng dịch.
AEON Việt Nam cũng tạo điều kiện cho tất cả nhân viên có cơ hội làm việc và phát triển. Trong thời gian dịch bệnh, những nhân viên làm việc ở các khu vực tạm dừng hoạt động sẽ được tạo điều kiện làm việc tại các bô phận, khu vực khác. Đây là cơ hội để các bạn trải nghiệm nhiều công việc, học hỏi thêm những kiến thức và kỹ năng mới để phát triển bản thân.
Bên cạnh nỗ lực chăm lo cho đời sống, sức khỏe cho người lao động trong suốt một năm rưỡi từ khi diễn ra dịch bệnh đến nay, AEON Việt Nam rất coi trọng sức khỏe tinh thần, đặc biệt là niềm tin của nhân viên.
Trong giai đoạn dịch phức tạp nhất, AEON Việt Nam thành lập nhóm hỗ trợ giải đáp mọi thắc mắc về dịch bệnh, nhóm chuyên tìm bình oxy, tìm xe cứu thương, tìm bệnh viện dã chiến còn trống chỗ, chi trả chi phí cách ly cho nhân viên… túc trực liên tục. CEO còn gửi thư tới cảm ơn từng nhân viên và doanh nghiệp sẵn sàng chi tiền để nhân viên cách ly tại khách sạn nếu cần thiết.
Hơn cả, công ty luôn cố gắng để không người AEON nào bị bỏ lại phía sau hay cảm thấy cô đơn. AEON Việt Nam giống như ngôi nhà thứ hai để mỗi nhân viên dù xa nhà vẫn tìm thấy chỗ dựa, dù từ công ty, quản lý hay đồng nghiệp của mình.
"Chính những chiến lược – giải pháp nói trên đã giúp AEON Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định về mặt nhân sự trong bối cảnh dịch bệnh biến động từng ngày, từng giờ.
Kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid 19 đến nay, AEON Việt Nam vẫn đảm bảo việc làm cho khoảng 4.000 nhân sự, không cắt giảm số lượng nhân viên, giảm lương hay giờ làm. Vậy nên, sau đại dịch, AEON Việt Nam đã không trải qua giai đoạn đau đầu ‘tìm nhân sự ở đâu’", ông Furusawa Yasuyuki cho hay.
NHỮNG CHIẾC GHẾ HÓNG MÁT TRONG THỜI BÌNH CÙNG NHỮNG CHUYẾN XE LƯU ĐỘNG TRONG ĐẠI DỊCH
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, nhân sự AEON Việt Nam mang sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa Nhật Bản và thế mạnh của người Việt Nam. Đó là tinh hoa phong cách dịch vụ đạt đến đỉnh cao của người Nhật: luôn để ý những chi tiết rất nhỏ, không ngừng cải tiến để đem đến điều tốt nhất và sự hài lòng cho khách hàng.
Cùng sự thông minh, cần cù, cầu tiến, không ngừng phấn đấu, linh hoạt thay đổi thích nghi rất nhanh của người Việt Nam.
"Dù vậy, khi đặt trong bối cảnh dịch Covid, nhân sự của ngành bán lẻ đôi lúc cũng phải đứng trước thử thách rất lớn giữa chọn lựa tiếp tục cống hiến cho cộng đồng, cho khách hàng và sự an toàn của bản thân, gia đình.
Đó chính là bài toán mà AEON Việt Nam phải giải để toàn thể nhân sự đồng lòng, tiếp tục giữ vững triết lý AEON ‘Theo đuổi Hòa bình, tôn trọng Con người, đóng góp cho Cộng đồng và lấy Khách hàng làm giá trị cốt lõi’", vị Giám đốc cấp trung này cho biết.
"Gian nan mới biết mặt anh hùng", trong vài tháng cao trào Covid-19 vừa qua, dù cũng gặp rất nhiều bất lợi trong hoạt động kinh doanh giống như các đồng sự trên thương trường (mảng xuất khẩu và cho thuê mặt bằng thất thu), song bằng kinh nghiệm dày dạng của mình, AEON Việt Nam vẫn giữ được những trước lý kinh doanh cốt lõi và ghi rất nhiều điểm trong mắt người tiêu dùng Việt Nam.
"Trong nhiều giai đoạn cao điểm, nhu cầu của người dân đối với các mặt hàng thiết yếu tăng mạnh, đặc biệt tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Với bối cảnh đó, AEON Việt Nam vẫn luôn tuân theo nguyên tắc kinh doanh của AEON là ‘không lợi dụng nhu cầu thị trường đang tăng để gia tăng lợi nhuận cho công ty’. Dù giá cả tăng cao do khan hiếm về hàng hóa, chúng tôi sẽ luôn đảm bảo giữ giá bán ổn định dù có phải giảm lợi nhuận.
Vào một số giai đoạn cao điểm, AEON Việt Nam thậm chí đã chủ động giảm biên độ lợi nhuận để hỗ trợ giảm bớt gánh nặng chi phí cho nhà cung cấp và đồng thời giữ ổn định giá cả cho khách hàng.
‘Tất cả vì khách hàng’ là triết lý kinh doanh bất biến của chúng tôi ở bất kỳ nơi nào AEON hiện diện. Với AEON, chúng tôi mang sứ mệnh của một nhà bán lẻ: đảm bảo cuộc sống hàng ngày của khách hàng thông qua hoạt động kinh doanh của mình. Xa hơn là góp phần nâng tầm cuộc sống của khách hàng địa phương.
Trong suốt 10 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, AEON không ngừng từng bước hoàn thiện về không gian mua sắm, danh mục sản phẩm, chất lượng hàng hóa và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của khách hàng. Vậy nên, kể cả trong đại dịch, chúng tôi vẫn kiên trì với định hướng đó.
Trong suốt thời gian qua, AEON Việt Nam luôn có kế hoạch kịp thời để đảm bảo hoạt động cung ứng hàng hóa diễn ra thông suốt và giữ giá cả luôn ổn định tại tất cả các siêu thị AEON.
Trước những thay đổi về nhu cầu của khách hàng, AEON Việt Nam luôn chủ động tăng và điều chỉnh lượng hàng dự trữ, đặc biệt đối với hàng tươi sống (rau, củ, quả, cá, thịt ...), thực phẩm khô, thực phẩm đông lạnh; mở rộng diện tích kho", Tổng Giám đốc AEON Việt Nam bày tỏ.
Nhờ hàng loạt chính sách thích ứng, AEON Việt Nam đã phối hợp với cơ quan chính quyền, triển khai hình thức bán hàng lưu động được triển khai trong thời gian qua, với hơn 400 chuyến xe đã cung cấp hơn 700 tấn hàng hóa thiết yếu đến 20 quận huyện tại 03 thành phố; hình thức đi chợ hộ theo combo hàng hóa.
Bên cạnh đó, họ cũng tận dụng những ưu thế về không gian và cơ sở vật chất của các Trung tâm mua sắm để bảo vệ sự an toàn cho người dân; cụ thể như đã sắp xếp khu vực và trang bị đồ dùng để người dân trú lại qua đêm trong cơn bão số 9 đổ bộ vào TP.HCM năm 2018 và cung cấp địa điểm tổ chức tiêm vắc xin cộng đồng cho người dân Bình Dương.
Hình ảnh trước và sau khi AEON Mall Long Biên bỏ thêm ghế cho khách ngồi tránh nóng vào tháng 5/2019.
Hoặc như năm 2019, thương hiệu này đã nhận nhiều sự thán phục từ cộng đồng mạng nhờ câu chuyện ‘chiếc ghế miễn phí’ tại AEON Long Biên.
"Bữa đó tháng 5, trời Hà Nội nóng như đổ lửa. Khi ấy bà con vùng quanh đó nóng quá không chịu được nên vào Aeon Mall mát lạnh rong chơi, ngồi, nằm la liệt.
Thay vì phái bảo vệ đuổi bà con đi hoặc nhắc bà con đừng nằm mất mỹ quan thì người AEON Mall kê ghế mời bà con ngồi. Việc này mang đậm chất Nhật Bản văn minh, lịch sự và hơn hết chính việc làm đơn giản đó tạo thiện cảm với bà con, được lòng người. Đương nhiên lượng người kéo tới Aeon sẽ đông hơn và cơ hội để các shop bán hàng sẽ nhiều hơn", ông Phạm Ngọc Linh - Tổng Giám đốc điều hành Unique OOH nhận định trong 1 sự kiện vào tháng 7/2021.
VÌ MỘT XÃ HỘI VIỆT NAM NGÀY CÀNG TỐT ĐẸP HƠN
Cũng theo ông Furusawa Yasuyuki, AEON cũng là một trong những doanh nghiệp luôn tích cực hỗ trợ ngành nông sản Việt Nam.
Vải thiều Việt Nam được bán ở AEON Nhật Bản.
Trong suốt thời dịch bệnh, AEON Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản bị ùn ứ do ảnh hưởng của dịch bệnh tại nhiều tỉnh thành như vải Bắc Giang, nhãn Tiền Giang, thanh long Long An, rau củ quả Đà Lạt…
Tính riêng từ tháng 3 đến tháng 6/2021, hơn 300 tấn rau củ quả từ 10 tỉnh/thành phố đã được hỗ trợ tiêu thụ tại hệ thống siêu thị AEON.
Không chỉ phục vụ cho khách hàng trong nước, năm 2020, vải thiều Việt Nam đã lần đầu tiên được giới thiệu đến người tiêu dùng Nhật Bản thông qua hệ thống siêu thị AEON tại Nhật.
Năm 2021, Tập đoàn AEON tiếp tục thu mua và xuất khẩu quả vải Việt Nam vào Nhật Bản thông qua công ty thành viên là AEON TOPVALU Việt Nam. Đây là cơ hội nâng cao giá trị nông sản Việt Nam ra thế giới, cũng như góp phần vào việc tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Thông tin từ đại diện AEON TOPVALU cho biết: chuyến hàng đầu tiên được thu mua từ tỉnh Hải Dương đã đến Nhật Bản vào tuần cuối tháng 5. Đợt vải đầu tiên này vừa được bày bán lần đầu tiên tại Trung tâm Mua sắm AEON Kagoshima vùng Kyushu, trong khuôn khổ Tuần hàng Việt Nam (Vietnam Fair) được tổ chức từ ngày 4/6 - 6/6.
Trái vải Việt Nam được giới thiệu đến người tiêu dùng Nhật Bản cùng với các nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam như áo dài, đèn lồng,…
Hoặc vào tháng 10 vừa qua, AEON Việt Nam đã thử nghiệm sáng kiến quyên tặng thực phẩm cho các loài động vật tại Thảo Cầm Viên TP.HCM. Thực phẩm quyên tặng gồm thịt, cá, rau, củ, quả,... đã hết tiêu chuẩn phục vụ khách hàng nhưng vẫn đảm bảo điều kiện để làm thức ăn cho động vật.
AEON Việt Nam cho biết: hoạt động này sẽ giúp giảm lượng thức ăn thừa thải ra môi trường, đồng thời giảm lượng khí CO2 thải ra trong quá trình thu gom và tiêu hủy thức ăn. Quan trọng nhất, hoạt động này giúp hỗ trợ bữa ăn cho các loài động vật tại Thảo Cầm Viên.
Được biết, mỗi tuần Thảo Cầm Viên sẽ nhận 2 đợt và mỗi đợt khoảng 200kg thực phẩm các loại. Sau quá trình thử nghiệm, AEON Việt Nam sẽ tiến tới cộng tác lâu dài cùng Thảo Cầm Viên TP. HCM vì một hệ sinh thái đô thị bền vững cho cộng đồng.