Mới đây, hãng hàng không Vietnam Airlines bất ngờ thông báo ra mắt sàn thương mại điện tử mang tên VnaMall. Theo hãng hàng không quốc gia, sàn TMĐT này sẽ cung cấp hơn 300 sản phẩm độc đáo, "mang đậm dấu ấn hàng không".
Trên website VnaMall, các sản phẩm hiện được chia thành 4 nhóm chính: thực phẩm trên mây, rượu vang, hoa quả và các đặc sản vùng miền. Trong đó, thực phẩm trên mây chủ yếu là các loại bánh ngọt, trà và cả... cơm văn phòng, được chế biến bởi Noibai Catering Servies (NCS). Mức giá cũng khá bình dân, tương đương với giá trên thị trường.
Nhiều loại bánh được bán trên sàn TMĐT VnaMall với giá phải chăng.
Danh mục rượu vang đa dạng hơn, với nhiều sản phẩm và mức giá, rẻ thì 350.000 đồng, đắt thì 1.500.000 - 3.000.000 đồng. Ngoài ra, sàn VnaMall cũng kết nối với các thương hiệu trong nước để bán nông sản, đặc sản vùng miền như macca, gạo, mì,...
Hiện tại, so với các ông lớn TMĐT như Tiki, Lazada, Shopee thì số lượng sản phẩm của VnaMall chỉ đáng số lẻ. Tuy nhiên, danh mục hàng hóa của tân binh này rất có thể sẽ đa dạng hơn nữa khi trong quy định hồ sơ pháp lý với nhà bán hàng, VnaMall đã có quy định rất cụ thể cho từng ngành hàng, từ thực phẩm, hóa phẩm, làm đẹp đến nội thất, điện gia dụng, đồ chơi, hàng điện tử, thời trang, voucher dịch vụ,.. Đơn vị này còn úp mở việc ra mắt dòng sản phẩm đồng thương hiệu Vietnam Airlines, liên quan đến ly thủy tinh, bình đun nước,...
Trải nghiệm mua hàng từ khâu chọn sản phẩm đến thanh toán trên website VnaMall khá mượt mà. Tuy nhiên, hình thức giao hàng và thanh toán còn khá hạn chế. Người dùng không được lựa chọn đơn vị vận chuyển và sàn chỉ chấp nhận thanh toán qua VnPay QR hoặc Interner Bank với thẻ tín dụng, không chấp nhận thanh toán tiền mặt. Phí giao hàng khá cao, cũng không rõ đơn hàng sẽ được giao từ đâu. Ví dụ, một đơn bánh hàng giao đến địa chỉ 85 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân có phí ship 43.650 đồng.
Động thái mở sàn TMĐT được cho là nỗ lực cứu vớt hoạt động kinh doanh của hãng hàng không quốc gia, sau 2 năm thua lỗ hàng chục nghìn tỷ vì ảnh hưởng của Covid-19.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, Vietnam Airlines đạt doanh thu thuần gần 14.000 tỷ đồng và lỗ trước thuế 8.450 tỷ đồng. Doanh thu giảm 44% và số lỗ tăng 64% so với 6 tháng 2020. Đến ngày 30/6/2021, Vietnam Airlines vay nợ 34.462 tỷ đồng, gồm vay ngắn hạn 14.180 tỷ đồng và vay dài hạn 20.282 tỷ đồng. Tổng vay nợ chỉ tăng hơn 400 tỷ đồng so với đầu năm, nhưng vay ngắn hạn tăng thêm gần 3.000 tỷ.
(Đồ họa: Hà My)
Trong khi đó, Noibai Catering Servies (Suất ăn hàng không Nội Bài - NCS) - doanh nghiệp cung cấp suất ăn hàng không cho Vietnam Airlines cũng rơi vào tình trạng khó khăn không kém. NCS là một trong những doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực cung cấp suất ăn cho các hãng hàng không. Với việc cung cấp các suất ăn mỗi ngày cho các chuyến bay quốc nội, quốc tế từ sân bay Nội Bài, NCS từng thu về hàng chục tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm.
Tuy nhiên, Quý 3/2021, NCS ghi nhận lỗ hơn 25 tỷ đồng trong quý 3, đây là quý lỗ thứ 6 liên tiếp. Tổng lỗ 9 tháng đầu năm 2021 lên 68,8 tỷ đồng – cao hơn rất nhiều so với số lỗ hơn 43 tỷ đồng gánh chịu trong 9 tháng đầu năm 2020.
Chưa rõ mục tiêu và tham vọng của Vietnam Airlines với thương mại điện tử lớn đến đâu nhưng với việc nhảy sang một lĩnh vực hoàn toàn mới và đã có những ông lớn thống trị, chắc chắn Vietnam Airlines sẽ phải đối mặt với không ít thách thức mới.