Người đồng sáng lập LinkedIn, Reid Hoffman từng nói rằng cố gắng đổi mới và mở rộng quy mô kinh doanh cũng giống như " thực hiện cú nhảy xuống vách đá và tạo ra một chiếc máy bay cho mình trong quá trình rơi xuống". Nghe có vẻ mạo hiểm và khó thực hiện.
Điều cần thiết với hầu hết những doanh nghiệp mới thành lập – một công ty khởi nghiệp hoặc liên doanh là tìm ra thị trường sản phẩm hoàn hảo phù hợp cho mình trước khi nguồn ngân sách cạn kiệt. Thử nghiệm càng nhanh thì càng hạn chế được nhiều rủi ro và tăng thêm cơ hội thành công.
Đã làm việc với cương vị nhà cố vấn đổi mới trong 25 năm và là người đồng sáng lập công ty SaaS, tôi đã trải qua nhiều khó khăn liên quan đến xác định, kiểm tra, cải tiến và mở rộng các ý tưởng mới. Mọi nhà khởi nghiệp đều cảm thấy áp lực từ việc làm sao để đạt mục tiêu nhanh nhất có thể. Các công ty lớn cũng phải chịu những thách thức tương tự, hầu hết là do quỹ nội bộ cùng với ngân sách hàng năm hết rất nhanh.
Một nhân tố thành công áp dụng cho bất cứ ai tạo dự án kinh doanh mới: Nhận diện và kiểm tra các giả thuyết về bán hàng và mô hình kinh doanh. Hiện nay, hầu hết các nhà sáng tạo đều hiểu về các định nghĩa sản phẩm khả dụng tối thiểu, quy trình so sánh hiệu quả, công cụ quản lý nhanh nhẹn và tinh gọn. Mặc dù chúng ta có thể hiểu những khái niệm trừu tượng này, nhưng biết sử dụng chúng trong thực tế để xác định và kiểm soát chặt chẽ các thử nghiệm theo thời gian mới là điều cần thiết.
Khi Zappos thiết lập hệ thống bán giày trực tuyến từ những ngày Internet mới xuất hiện, họ cần kiểm tra một giả thuyết lớn: Khách hàng sẽ thực sự mua giày trực tuyến. Tạo ra giả thuyết khách hàng sẽ nhấp chuột và mua hàng. Kiểm tra bằng cách tạo ra một cửa hàng trực tuyến sử dụng hình ảnh từ các nhà bán lẻ giày trong nước. Công ty không tự sản xuất giày mà mua giày từ nhà bán lẻ rồi gửi đến khách hàng. Mô hình kinh doanh của Zappos thật đơn giản. Họ phát triển công ty và sau đó bán cho Amazon.
Một bảng "mô hình thử nghiệm" sẽ sắp xếp lại các giả định chính và những rủi ro liên quan đến việc tung ra các sản phẩm và dịch vụ mới. Về cơ bản bảng này là một trang tài liệu, nó cung cấp cho bạn thông tin về những điều đang làm và đảm bảo bạn đang đi đúng hướng.
Nhưng làm sao để tạo ra một bảng mô hình thử nghiệm? Hãy liệt kê những giả định rủi ro nhất, các giả thuyết liên quan và những thử nghiệm bạn sẽ làm để kiểm tra giả thuyết của mình. Tạo ra một vài mẫu mô hình là điều đơn giản. Để nhóm của bạn đồng ý với nội dung trong đó mới là khó khăn, đây mới là phần quan trọng của quá trình.
Dưới đây là những điều bạn cần làm:
1. Liệt kê những giả định rủi ro nhất: giả định rủi ro nhất về dịch vụ và mô hình kinh doanh mà chúng ta theo đuổi là gì? (Zappos cần kiểm tra khách hàng có thực sự mua hàng trên Internet hay không.)
2. Xác định giả thuyết: Những giả thuyết nào phải kiểm tra để xác thực hoặc làm mất hiệu lực giả định của chúng ta? (Zappos kiểm tra xem khách hàng có nhấp chuột và mua giày mà không cần thử hay không.)
3. Tiến hành thử nghiệm: Thử nghiệm nào sẽ dùng để kiểm tra những giả thuyết này? (Zappos xây dựng một trang web thương mại điện tử với hình ảnh những đôi giày mà họ không sở hữu)
4. Xem lại dữ liệu: Những dữ liệu này xác thực hay làm mất hiệu lực giả thuyết? (Số lượng khách hàng của Zappos đủ để họ tự tin giả thuyết của mình được xác thực.)
5. Đưa ra những kết luận: Dựa trên những gì chúng ta tìm ra, chúng ta nên thực hiện những thay đổi nào đối với những dịch vụ và mô hình kinh doanh của mình? (Zappos đã thực hiện thay đổi và mở rộng mô hình kinh doanh.)
Xác định những dữ liệu quan trọng cần thu thập như một công cụ để lựa chọn giả thuyết cần loại bỏ hoặc ủng hộ là rất cần thiết. Khi những thử nghiệm được hoàn thành bạn có đủ dữ liệu để rút ra một kết luận ý nghĩa. Kết luận của bạn nên tập trung vào việc có cần thay đổi hướng đi hay không. Toàn bộ quy trình có thể lặp lại và nên lặp lại nhiều lần cho đến khi hết các giả định rủi ro. Đối với nhiều nhà sáng lập và sáng tạo, đây là quá trình không ngừng.