Việc sao chép thông tin dù không được phép từ báo chí chính thống vẫn ngang nhiên. Nhiều ông lớn quảng cáo trên mạng đăng quảng cáo dễ dãi, thậm chí nội dung "bẩn" khiến báo chí vốn phải thực hiện theo quy định khó lòng cạnh tranh.
* Ông Nguyễn Bá (tổng biên tập báo Vietnamnet):
Cơ chế cho báo chí còn nhiều bất cập
Tôi nghĩ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) chung cho báo chí về mức 10% là rất cần thiết, nhưng thực tế số cơ quan báo chí (CQBC) hưởng lợi từ việc giảm thuế này chưa nhiều, vì số hoạt động có lãi để đóng thuế đếm trên đầu ngón tay.
Bên cạnh đó, doanh thu của các CQBC không chỉ đến từ hoạt động quảng cáo, mà đến từ các hoạt động khác như tổ chức sự kiện, tài trợ, cho thuê văn phòng...
Do vậy, cần áp dụng mức thuế suất 10% trên lợi nhuận chung của CQBC.
Bên cạnh việc giảm thuế, một nội dung khác rất quan trọng ảnh hưởng đến cơ chế tài chính của các CQBC đó là cách tính chi phí hợp lý.
Trước đây theo thông tư 150/2010/TT-BTC hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và thuế TNDN với CQBC thì "chi phí tiền lương tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN của báo là số tiền lương báo thực trả cho người lao động, có chứng từ hợp lệ, hợp pháp".
Tuy nhiên thông tư 150 đã bị bãi bỏ từ ngày 18-5-2023 và đã tạo ra khoảng trống vì sau khi thông tư 150 bị bãi bỏ, chi phí hợp lý của các CQBC được thực hiện theo nghị định 60 về cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó chi phí tiền lương trong chi phí hợp lý chỉ được tính bằng 1 lần lương hệ số. Phần còn lại trong số chi phí lương thực tế, phải nộp thuế TNDN rồi mới được chi trả. Thông thường số chi lương thực tế thường cao gấp 3 - 4 lần mức lương hệ số và khi không được tính vào chi phí hợp lý sẽ gây khó khăn cho các CQBC.
* Bà Lê Giang (giám đốc vận hành Công ty truyền thông Wecommunicators):
Giúp báo chí chính thống là "lá chắn" chặn tin giả
Để hỗ trợ báo chí chính thống, có thể xem xét một số chính sách như sau: Thứ nhất là đầu tư vào công nghệ hiện đại và đào tạo nhân lực chuyên môn cao giúp báo chí chính thống cạnh tranh tốt hơn với các nền tảng truyền thông mới.
Điều này bao gồm việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để kiểm chứng thông tin và phát hiện tin giả.
Thứ hai là tăng cường tuyên truyền về việc nhận diện tin giả, hướng dẫn cách thức để kiểm chứng và tìm các nguồn tin chính thống.
Thứ ba là hỗ trợ tài chính cho các báo chí chính thống.
Thứ tư là tạo mạng lưới "tin thật" bao gồm các báo chí chính thống, các KOL, influencer trên mạng xã hội để thường xuyên cập nhật tới độc giả các tin chính thống, tạo không gian mạng lành mạnh. Thứ năm là rất nên có các chế tài mạnh hơn nữa trong việc xử lý tin giả.
* Ông Nguyễn Quang Tuân (giám đốc Công ty truyền thông Phúc Nguyên):
Tiến tới thu phí bản quyền báo chí qua mạng xã hội
Các quảng cáo do Google Adsense, Mgid... đang phân phối là nguồn sống của các trang tin mạo danh báo chí.
Việc thả nổi quảng cáo trực tuyến trên mạng xã hội đưa đến hệ lụy hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái làm người tiêu dùng bị thiệt hại, thậm chí tiền mất tật mang vì những quảng cáo thực phẩm chức năng trá hình.
Nếu không quản lý được vấn đề này, việc sử dụng mạng xã hội biến thành "bãi rác" của những vấn đề xã hội ngoài đời thực.
Cần có chế tài xử lý dứt điểm việc các mạng xã hội đang thả nổi nội dung "bẩn" như hiện nay.
Song song đó, cần kiến nghị việc trả tiền bản quyền báo chí. Đây không phải vấn đề mới vì liên minh báo chí của nhiều nước đều được các mạng xã hội trả tiền bản quyền, tại sao Việt Nam lại bỏ qua?
Những mạng xã hội có số lượng người dùng cao ở Việt Nam như Facebook, YouTube, TikTok, Instagram, X... chiếm tới 70 - 85% thị phần về quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam nhưng việc trả quyền lợi cho các tòa soạn hầu như không đáng kể.
Chỉ khi nào các nền tảng mạng xã hội có trách nhiệm với việc chi trả bản quyền thì mới có thể bóp chặt hoạt động của các trang tin mạo danh, nội dung rác. Bởi nguồn tiền chi trả cho sáng tạo nội dung sạch mới khuyến khích cung ứng nội dung phong phú hơn trên các mạng xã hội.
* Bà Mai Thị Thanh Oanh (phó tổng giám đốc Công ty Cốc Cốc):
Người đọc rất cần báo chí chính thống
Qua quan sát dữ liệu tìm kiếm và lượng truy cập trên trình duyệt Cốc Cốc, các trang báo chí chính thống vẫn là nguồn tin được người dân ưu tiên lựa chọn, đặc biệt khi tiếp cận những thông tin quan trọng, phức tạp hoặc gây tranh cãi.
Nhằm hỗ trợ người dùng tiếp cận nhanh chóng và tiện lợi các nguồn tin đáng tin cậy, Cốc Cốc hiện ưu tiên tích hợp miễn phí các trang báo, tạp chí điện tử trên Thẻ mới (Newtab) của trình duyệt. Khi người dùng nhấp vào các đường dẫn này, họ sẽ được chuyển trực tiếp đến nội dung gốc trên các trang báo.
Trung bình mỗi ngày, trên trình duyệt Cốc Cốc có hơn 40,5 triệu lượt hiển thị tin tức từ các kênh báo chí, thu hút khoảng 1,1 triệu click từ người dùng. Việc này đã góp phần tăng đáng kể lượng truy cập tới các trang báo.
* Ông Đinh Minh Trung (phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ):
Áp mức thuế ưu đãi cho tất cả nguồn thu của cơ quan báo chí
Từ hơn 10 năm trước, báo in liên tục đi xuống và ngày càng giảm sâu về số lượng phát hành, kéo theo doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động phát hành và quảng cáo báo in giảm rất lớn. Trong khi đây là nguồn thu chính của các báo có sản phẩm này.
Vì vậy, các cơ quan báo chí phải nỗ lực tìm kiếm nguồn thu từ mảng điện tử, hoạt động truyền thông sự kiện hay nguồn thu khác nhưng hầu như không bù đắp được sự sụt giảm trên.
Việc ưu đãi thuế 10% cho báo in từ năm 2013 hầu như không còn ý nghĩa, vì thu nhập mảng này không còn bao nhiêu, thậm chí có báo không còn lợi nhuận mảng này.
Rất mong Quốc hội xem xét đưa cơ quan báo chí vào đối tượng miễn hoặc ưu đãi về thuế TNDN hay nói cách khác tất cả các nguồn thu của cơ quan báo chí đều được miễn thuế TNDN hoặc áp dụng mức thuế suất thật sự ưu đãi để giúp cơ quan báo chí giảm bớt khó khăn rất lớn hiện nay.
Nếu việc này được Quốc hội đồng thuận sẽ giúp cơ quan báo chí có nguồn lực chi tái đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm máy móc thiết bị, đầu tư nhiều hơn cho việc chuyển đổi số, đồng thời có nguồn chăm lo ổn định đời sống cán bộ công nhân viên.
* Ông Đặng Hữu Sơn (phó chủ tịch Liên minh phát triển nguồn nhân lực số Việt Nam - AIID):
Thách thức tin giả ngày càng lớn
Một chiêu trò tin giả rất nguy hiểm đang tràn lan hiện nay là video trên YouTube. Nhiều kênh, nhiều video được giả lập như kênh tin tức của các đài truyền hình hay báo chí chính thống, có thương hiệu nổi tiếng.
Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là những người lớn tuổi, thời gian rảnh nhiều, thường xuyên xem nhiều tin tức video YouTube.
Họ càng xem nhiều tin tức dạng chính trị, xã hội... thì thuật toán của YouTube càng gợi ý nhiều video liên quan, thậm chí giật tít về những chủ đề nhạy cảm. Hệ lụy là nhiều khi họ còn tin các nội dung video giả hơn cả tin chính thống.
Tin tức giả hiện nay không thông qua lớp kiểm duyệt nào, vô tư đẩy lên các nền tảng mạng xã hội.
Do đó rất cần nhanh chóng có các biện pháp hỗ trợ báo chí chính thống như một thứ phần mềm chống vi rút luôn được cập nhật thường xuyên để giúp người dân, xã hội không bị lây nhiễm thông tin giả.