Theo báo cáo Triển vọng kinh tế Việt Nam 2025 vừa được Ngân hàng UOB (Singapore) công bố, Việt Nam đã kết thúc năm 2024 rất thành công với tăng trưởng GDP thực tế tăng 7,55% so với cùng kỳ năm trước trong quý IV/2024, từ mức 7,43% đã điều chỉnh trong quý III/2024.
Con số này cao hơn nhiều so với mức dự báo chung của thị trường là 6,7% và dự báo là 5,2%. Đây là mức tăng trưởng tốt nhất kể từ khi phục hồi sau COVID vào năm 2022 (8,1%).
Theo đó, các ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ là động lực chính kể từ khi xu hướng tăng trưởng bắt đầu tăng tốc vào giữa năm 2023 và đóng góp lần lượt 35% và 48% trong mức tăng trưởng 7,55% của quý IV/2024.
Hoạt động ngoại thương tăng tốc là lý do chính cho tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam. Xuất khẩu đã tăng trong 10 tháng qua, tháng 12/2024 đạt mức tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng cả năm là 14%, đối lập với mức giảm 4,6% vào năm 2023.
Nhập khẩu tăng 16,1% vào năm 2024 với thặng dư thương mại khoảng 23,9 tỷ USD, lớn thứ hai sau mức cao kỷ lục 28,4 tỷ USD vào năm 2023. Đây là năm thứ 9 liên tiếp Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại hàng năm, điều này sẽ hữu ích trong việc neo giữ tỷ giá cho đồng VND.
Về triển vọng 2025, xét đến động lực mạnh mẽ được chuyển tiếp từ năm 2024 và tính đến các rủi ro và bất lợi tiềm ẩn từ các cuộc xung đột thương mại tiếp theo từ chính quyền mới của Mỹ, UOB nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 7,0% (trước đó: 6,6%).
Phân tích cụ thể, theo UOB, dù năm 2025, Quốc hội đã đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7,0%, trong khi Thủ tướng Phạm Minh Chính gần đây đã kêu gọi đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% với sự hỗ trợ từ việc giải ngân vốn đầu tư công nhanh hơn để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và thu hút thêm đầu tư.
Tuy nhiên, sự không chắc chắn về triển vọng thương mại sẽ là rủi ro lớn đối với Việt Nam trong nửa cuối năm, với sự phụ thuộc ngày càng tăng vào xuất khẩu, đã tăng lên mức cao kỷ lục là hơn 400 tỷ USD vào năm 2024, gần bằng quy mô GDP danh nghĩa của Việt Nam là 450 tỷ USD.
Ở góc nhìn tích cực hơn, UOB kỳ vọng chính phủ Mỹ sẽ áp dụng chính sách thuế quan bổ sung theo cách có tính toán và linh hoạt hơn. Qua đó giảm áp lực lên các nước đang xuất khẩu lớn vào Mỹ, trong đó có Việt Nam.
Cùng với đó, những chuyến biến tích cực từ các động lực trong nước như sản xuất, chi tiêu của người tiêu dùng và lượng khách du lịch sẽ đóng góp vào các hoạt động, đặc biệt là trong nửa đầu năm.
Cũng theo UOB, với lạm phát chung và lạm phát cơ bản vẫn ở mức dưới mục tiêu chính thức là 4,5% trong năm 2024, đặc biệt là vào cuối năm. Điều này mở ra khả năng cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới lỏng lập trường chính sách của mình. Tuy nhiên, tỷ giá hiện là một vấn đề cần cân nhắc khác đối với NHNN và nhiều khả năng NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách để chống lại áp lực mất giá đối với đồng nội tệ.
Với sự không chắc chắn trong tương lai về chu kỳ điều chỉnh lãi suất chính sách của Fed và căng thẳng địa chính trị/thương mại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, UOB kỳ vọng NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách của mình trong thời điểm hiện tại, với lãi suất tái cấp vốn được giữ ở mức 4,5%.