Chứng khoán

Nhà đầu tư chứng khoán chán nản, thanh khoản thị trường xuống mức thấp nhất 21 tháng

Thị trường chứng khoán vừa trải qua phiên giao dịch ảm đạm với giá trị khớp lệnh trên HoSE chỉ đạt hơn 6.600 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 21 tháng. Khối lượng khớp lệnh cũng chỉ ở mức hơn 290 triệu đơn vị, mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Thanh khoản mất hút, VN-Index mất hơn 5 điểm qua đó đóng cửa phiên 9/1 dưới 1.250 điểm.

Nhà đầu tư chứng khoán chán nản, thanh khoản thị trường xuống mức thấp nhất 21 tháng- Ảnh 1.

Theo một số nhận định, thanh khoản “èo uột” có một phần nguyên nhân đến từ tâm lý ngại xuống tiền cận Tết của nhà đầu tư. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thanh khoản thị trường đã có xu hướng đi xuống rõ rệt từ giữa năm ngoái. Giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE liên tục giảm qua từng tháng.

Đáng chú ý, thanh khoản khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE từ đầu năm 2025 đã rơi xuống dưới 10.000 tỷ đồng, thấp nhất kể từ tháng 4/2023. Gần Tết chỉ là một trong những lý do mang tính ngắn hạn, thanh khoản đi xuống có lẽ là hệ quả tất yếu của việc tâm lý nhà đầu tư chán nản sau giai đoạn khó kiếm lời trên thị trường chứng khoán.

Nhà đầu tư chứng khoán chán nản, thanh khoản thị trường xuống mức thấp nhất 21 tháng- Ảnh 2.

Thực tế, sau quý đầu năm khởi sắc, phần còn lại của năm 2024 là khoảng thời gian khó khăn với chứng sỹ Việt Nam. Thị trường liên tục đi tàu lượn, VN-Index gần như chỉ dao động trong vùng 1.200-1.300 điểm. Nhiều lần thất bại trước ngưỡng 1.300 điểm khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên e ngại khi xuống tiền.

Thêm nữa, áp lực bán từ khối ngoại cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt khi dòng tiền nội suy yếu. Trong năm 2024, khối ngoại đã bán ròng lên đến hơn 90.000 tỷ đồng trên HoSE, con số kỷ lục từ trước đến nay. Mặc dù Thông tư 68 có hiệu lực từ đầu tháng 11/2024 giúp cởi nút thắt Pre-funding nhưng tác động đến dòng tiền ngoại là chưa rõ rệt.

Nhà đầu tư chứng khoán chán nản, thanh khoản thị trường xuống mức thấp nhất 21 tháng- Ảnh 3.

Trong báo cáo mới đây, SGI Capital cho biết, thị trường luôn đồng thuận về sự hấp dẫn của TTCK Việt Nam cũng như khả năng sớm thăng hạng lên Emerging Market sẽ thu hút dòng vốn ngoại, nhưng thực tế đang diễn ra trái ngược. Việt Nam là thị trường bị bán ròng mạnh 4/5 năm gần đây với tỷ lệ bán lớn bậc nhất khu vực nếu tính trên vốn hóa hay tổng giá trị khối ngoại đang nắm giữ.

Theo SGI Capital, định giá thị trường Việt Nam không hấp dẫn nhiều hơn các thị trường khác dù phần lớn vốn hóa thuộc nhóm có rủi ro chu kỳ cao như ngân hàng, tài chính, và bất động sản. Bởi vậy, kỳ vọng dòng vốn ngoại quay lại mua ròng trong 2025 sẽ khó khả thi nếu định giá chưa đủ rẻ và rủi ro tỷ giá vẫn hiện hữu.

Nhà đầu tư chứng khoán chán nản, thanh khoản thị trường xuống mức thấp nhất 21 tháng- Ảnh 4.

Nhìn chung, SGI Capital đánh giá, khác với bối cảnh đầu 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào 2025 kém thuận lợi hơn khi hai lực đẩy quan trọng là dòng tiền và tăng trưởng nội tại doanh nghiệp đều có biểu hiện suy yếu đáng kể.

Trong bối cảnh chính sách tiền tệ nới lỏng đã hết dư địa, kế hoạch tăng trưởng tín dụng 16% năm 2025 của SBV đòi hỏi hệ thống ngân hàng sẽ phải huy động một lượng vốn rất lớn tương ứng. Điều này có thể khiến mặt bằng lãi suất tăng mạnh hơn kỳ vọng và ảnh hưởng tiêu cực tới dòng tiền nội trên thị trường chứng khoán vốn đã cạn kiệt sau những đợt bán ròng của khối ngoại và phát hành từ các doanh nghiệp niêm yết (chủ yếu là CK và BĐS).

Những giai đoạn nới lỏng tiền tệ luôn chứng kiến dòng tiền nội chảy vào thị trường chứng khoán mạnh mẽ hấp thụ và thậm chí áp đảo nguồn cung khối ngoại để duy trì đà tăng tích cực cho thị trường. Tuy nhiên, khi giai đoạn nới lỏng đi qua, lãi suất nhích tăng trở lại, dòng tiền nội suy yếu khiến thanh khoản tụt giảm, rủi ro giảm giá sẽ tăng lên nếu khối ngoại vẫn duy trì bán ròng hoặc có những biến cố khiến nguồn cung tăng đột biến.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm