Doanh nghiệp

Doosan Vina, Shanghai Electric muốn làm điện gió tại Việt Nam

Trong buổi làm việc chiều 8/1, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã tiếp Tổng Giám đốc Công ty Doosan Enerbility Việt Nam (Doosan Vina) Kim Hyo Tae, đề nghị đầu tư trong mảng năng lượng tái tạo. 

Phó Thủ tướng cho rằng các sản phẩm cơ khí của Doosan Vina ngày càng khẳng định được chất lượng, thương hiệu và không chỉ đáp ứng cho thị trường trong nước của Việt Nam mà còn mở rộng xuất khẩu sang các thị trường lớn ở các nước, trong đó có thị trường Mỹ và Qatar.  

Ông mong muốn bên cạnh các sản phẩm truyền thống là thiết kế, chế tạo, sản xuất các module dầu khí, cần cẩu và các thiết bị phục vụ cảng biển, Doosan Vina tiếp tục mở rộng sản xuất ở các lĩnh vực khác, trong đó có lĩnh vực điện gió ngoài khơi mà Việt Nam có tiềm năng rất lớn.

Lãnh đạo Chính phủ khẳng định Việt Nam luôn quan tâm, tạo các điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Doosan Vina mở rộng hợp tác đầu tư, làm ăn hiệu quả, lâu dài tại Việt Nam.

Tổng Giám đốc Doosan Vina Kim Hyo Tae và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng. 

Tổng Giám đốc Doosan Vina Kim Hyo Tae cho biết thị trường Việt Nam có khoảng 1.500 người lao động đang làm việc cho Doosan Vina và khoảng hơn 1.500 người đang làm việc cho các nhà thầu phụ. 

Đại diện tập đoàn mong muốn được tạo điều kiện để tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh cũng như tìm kiếm các cơ hội, thúc đẩy các hoạt động đầu tư tại Việt Nam, trong đó lĩnh vực điện gió đang được Doosan Vina đặc biệt quan tâm và thúc đẩy. 

Trước đó một ngày vào 7/1, Tập đoàn Điện gió Shanghai Electric (SEC) cũng đến thăm và trao đổi các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực năng lượng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). 

Ông Wang Yong, Tổng giám đốc SEC, bày tỏ mong muốn hợp tác với EVN trong các dự án về điện gió; đồng thời cho biết sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp các giải pháp kỹ thuật...

Tập đoàn Điện gió Shanghai Electric chia sẻ các thành tựu đạt được trong lĩnh vực điện gió. Ảnh: EVN. 

Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh đánh giá cao những đề xuất hợp tác của SEC; bày tỏ sự tin tưởng với năng lực và kinh nghiệm quốc tế, SEC có thể tham gia sâu hơn vào quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu đầu tư vào năng lượng tái tạo ngày càng tăng cao như hiện nay. 

SEC là thành viên của Tập đoàn Điện khí Thượng Hải Trung Quốc, hoạt động trong tất cả các lĩnh vực phát điện, lưu trữ năng lượng và tự động hóa công nghiệp. Tại thị trường Việt Nam, tập đoàn cũng làm tổng thầu xây dựng cho một số dự án nhiệt điện.  

SEC hiện có 13 trung tâm sản xuất, 7 trung tâm nghiên cứu, 4 trung tâm thí nghiệm và 15 trung tâm dịch vụ khu vực. Tổng tài sản của tập đoàn ước tính hơn 382 tỷ CNY, tương đương hơn 52 tỷ USD.  

Theo Quy hoạch Điện VIII, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển 6GW điện gió ngoài khơi đến năm 2030, định hướng đạt 70-91,5GW đến năm 2050. Đến nay chưa có dự án nào được triển khai trong thực tế. 

Chiều 7/1, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin Luật Điện lực sửa đổi đã cho phép triển khai điện gió ngoài khơi, các dự thảo Nghị định cũng đã được trình lên Chính phủ theo hướng cho phép những tập đoàn kinh tế nhà nước và một số tập đoàn kinh tế ngoài nhà nước có đủ khả năng sẽ được tiến hành khảo sát đầu tư. 

Các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi nếu được phê duyệt lần này sẽ phải hòa lưới điện quốc gia trước 31/12/2030, sẽ được hưởng các cơ chế chính sách, còn các dự án chậm tiến độ hoàn thành sau đó sẽ bị xem xét xử lý theo quy định. 

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm