Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo ý kiến của Chính phủ Trần Hồng Hà - Trưởng ban Ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ ba Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.
Tại thông báo này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về đường sắt tốc độ cao.
Theo đó, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 172 ngày 30/11/2024. Đây là dự án có quy mô lớn, trải dài từ Hà Nội đến TP HCM (qua 20 tỉnh, thành phố), yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao và hiện đại, tiến độ triển khai rất khẩn trương.
Mục tiêu của dự án không chỉ đầu tư xây dựng được một tuyến đường sắt tốc độ cao, mà còn để xây dựng, phát triển ngành công nghiệp đường sắt, đào tạo nguồn nhân lực có đủ năng lực thiết kế, thi công, quản lý, vận hành, khai thác hệ thống đường sắt tốc độ cao hiệu quả và an toàn.
Để triển khai Nghị quyết số 172 của Quốc hội, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương thực hiện nhiệm vụ giao tại Nghị quyết số 233 của Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 1/2025. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo trước khi trình.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải xây dựng kế hoạch, tiến độ chi tiết các thủ tục, công việc chính phải thực hiện từ thời điểm lập báo cáo nghiên cứu khả thi đến thời điểm khởi công xây dựng và dự kiến kế hoạch tổng thể để khai thác, vận hành dự án bảo đảm khoa học, toàn diện, đồng bộ, khả thi.
Đồng thời, phải bám sát mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết để xác định cách thức tiến hành, cụ thể nhiệm vụ, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương để triển khai các cơ chế đặc thù, đặc biệt đã được Quốc hội thông qua, xác định rõ hình thức văn bản và thẩm quyền ban hành, cơ quan chủ trì, thời gian trình, ban hành.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý một số nội dung công việc các Bộ ngành, địa phương liên quan cần ưu tiên triển khai ngay như: Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, khẩn trương rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về đường sắt tốc độ cao; rà soát, xác định nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực (số lượng, chuyên ngành đào tạo, trình độ đào tạo, thời gian đào đạo,…).
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải phải chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện đào tạo theo đặt hàng của Chính phủ, trong đó nghiên cứu mô hình, phương thức đào tạo (trường đại học trong nước, nước ngoài và/hoặc kết hợp với đối tác, doanh nghiệp, nhà thầu sẽ hợp tác).
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải xác định danh mục dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt được giao nhiệm vụ, đặt hàng; nghiên cứu, lựa chọn các doanh nghiệp trong nước có năng lực kinh nghiệm để phối hợp, chuyển giao công nghệ, từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, thi công xây lắp, hệ thống thông tín tín hiệu....
"Bộ Giao thông vận tải cần có cơ chế lựa chọn nhà thầu phù hợp, đấu thầu, chỉ định thầu hoặc lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt. Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương tiến hành trước công tác giải phóng mặt bằng; Nghiên cứu thành lập các Tổ công tác chuyên môn, trong đó có thể mời các chuyên gia, nhà khoa học tham gia", văn bản nêu rõ.
Bộ Giao thông vận tải khẩn trương kiện toàn mô hình Ban Quản lý dự án đường sắt để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để chủ động tham mưu, phối hợp xử lý ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư Dự án cũng như tiếp nhận quản lý, khai thác, vận hành sau khi Dự án hoàn thành.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì hướng dẫn quy định về nội dung, yêu cầu của thiết kế kỹ thuật tổng thể (thiết kế FEED) thay cho thiết kế cơ sở; hướng dẫn việc lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, dự toán các gói thầu liên quan đến công tác khảo sát, lập, thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi (theo thiết kế FEED).
Hướng dẫn áp dụng, sử dụng hệ thống định mức xây dựng, đơn giá, giá xây dựng công trình, sử dụng suất vốn đầu tư của các dự án, công trình đường sắt tương tự để lập tổng mức đầu tư dự án; hướng dẫn áp dụng mẫu Hợp đồng của Hiệp hội tư vấn quốc tế (hợp đồng FIDIC) để thực hiện các gói thầu thuộc dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng tổ chức lựa chọn tư vấn thẩm tra để tiến hành thẩm tra, thẩm định song song với quá trình lập, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi;
Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu phương án huy động vốn đầu tư để thực hiện Dự án, trong đó cần xác định rõ nhu cầu vốn, kế hoạch vốn, các loại nguồn vốn (ngân sách nhà nước, Trái phiếu Chính phủ, ODA, nguồn thu từ đất đai, xã hội hóa...) để có phương án, bố trí kế hoạch vốn phù hợp.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tham mưu các nội dung liên quan đến việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho diện tích đất để thực hiện Dự án, đất vùng phụ cận ga đường sắt để tạo quỹ đất phát triển đô thị, nông thôn theo hướng tuyến giao thông (TOD), đất tái định cư, đất khu vực mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường...
Các bộ, ngành, địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao và Nghị quyết số 172 của Chính phủ chủ động nghiên cứu, rà soát, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan để triển khai thực hiện.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chủ động nghiên cứu, đề xuất phương án tái cơ cấu và khả năng tham gia các khâu từ xây dựng, đầu tư sản xuất, vận hành, duy tu bảo dưỡng… phù hợp với điều kiện năng lực.