Ông Frederick Chin - Giám đốc Khối Ngân hàng Bán buôn và các Thị trường, Ngân hàng UOB (Singapore) - phát biểu ý trên trong phiên thảo luận thứ hai "ASEAN: Tâm điểm của tăng trưởng thương mại", tại hội nghị khu vực thường niên "Gateway to ASEAN" (Cửa ngõ vào ASEAN), do UOB tổ chức ở TP HCM, ngày 6/9.
Đối thoại với điều phối viên Kevin Huang - Giám đốc vận hành hãng thông tấn Southern China Morning Post, ông Frederick Chin làm rõ lợi thế ASEAN với tư cách là "chiến mã" của nền kinh tế thế giới, đồng thời nêu các giải pháp nhằm kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt cơ hội đầu tư và tăng trưởng tại khu vực.
Ông Frederick Chin cho rằng thế giới đang tiến vào thời kỳ mới của toàn cầu hóa, được thúc đẩy bởi bốn yếu tố then chốt gồm: căng thẳng địa chính trị gia tăng, dẫn đến cạnh tranh kinh tế; sự gián đoạn chuỗi cung ứng do chiến tranh và Covid-19; tính cấp thiết trong quá trình chuyển đổi ESG; quy trình số hóa nhanh.
Thực trạng trên đặt ra cho doanh nghiệp nhiều thách thức và làm gián đoạn, phá vỡ khuôn mẫu kinh doanh truyền thống. Tuy nhiên, ASEAN vẫn là điểm sáng nhờ chính trị ổn định, dân số trẻ, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và GDP dự kiến đạt 4.200 tỷ USD, trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ tư toàn cầu vào 2030.
Ông Frederick Chin nêu ba cơ hội rõ ràng cho ASEAN. Đầu tiên, khu vực này là cơ sở sản xuất cho Trung Quốc và phần còn lại của thế giới. Thứ hai, sự trỗi dậy của nền kinh tế kỹ thuật số, dự đoán đạt 1.000 tỷ USD vào 2030. Nền kinh tế xanh dự kiến cần khoản đầu tư lớn - 1.500 tỷ USD vào 2030. Do đó, các nhà đầu tư quốc tế nên cân nhắc đầu tư vào khu vực ngay thời điểm này.
Sau xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc và đại dịch Covid-19, chúng ta thấy rõ sự dịch chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận. Theo đó, các công ty quốc tế dần điều hướng sản xuất trong chuỗi cung ứng sang ASEAN để tăng tính ổn định chuỗi, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa, giảm bớt rủi ro và đón đầu khả năng phục hồi trong bối cảnh gia tăng thương mại do các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại, đi kèm làn sóng đầu tư từ Mỹ, Trung Quốc vào Đông Nam Á.
Năm 2016, 21% lượng hàng nhập khẩu của Mỹ đến từ Trung Quốc; con số này hiện giảm còn 13%, trong khi lượng hàng nhập từ Đông Nam Á tăng từ 7% đến 11%.
Sức hấp dẫn của ASEAN còn thể hiện ở chỉ số hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Năm 2023, dòng vốn đổ vào khu vực này tăng 1,2%, dù FDI toàn cầu giảm. Theo đó, ASEAN là điểm đến lớn thứ hai cho FDI với 226 tỷ USD, chỉ sau Mỹ (310 tỷ USD), nhưng bỏ xa Trung Quốc ( 160 tỷ USD). Singapore, Indonesia và Việt Nam là những nước tiếp nhận FDI hàng đầu khu vực.
Ông Frederick Chin cũng cho biết hiện nhiều khách hàng của UOB áp dụng chiến lược "Trung Quốc +1" bằng cách đầu tư, thành lập cơ sở sản xuất mới ở ASEAN. Đơn cử, lĩnh vực sản phẩm tiêu dùng điện ở Thái Lan, Việt Nam; chất bán dẫn tại Singapore, Malaysia; ngành công nghiệp niken ở Indonesia; ôtô điện tại Thái Lan...
"Rõ ràng các doanh nghiệp chuyển đến ASEAN để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững hơn, đa dạng hóa rủi ro và nắm bắt cơ hội mới", ông Frederick Chin nói.
Ông Frederick Chin đề cao vai trò Chính phủ các quốc gia Đông Nam Á, góp phần thúc đẩy hút FDI. Đầu tiên, cần đảm bảo ASEAN luôn là khối kinh tế thống nhất, chung lợi ích, hài hòa về chính sách, nhất là kinh tế kỹ thuật số và kinh tế xanh.
Thứ hai, ngân hàng kỳ vọng Chính phủ các nước tham gia nhiều hơn vào hiệp định thương mại tự do song phương, nhất là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực.
Thứ ba là thống nhất lợi ích quốc gia, hợp tác khu vực trong quá trình chuyển đổi xanh. Điển hình, Singapore vừa công bố tăng mua năng lượng xanh từ các nước láng giềng lên tới 6 GW vào 2035.
Về phía ngân hàng, ông Frederick Chin cho biết để kết nối hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt xu hướng tăng trưởng mới tại khu vực, UOB đầu tư nền tảng chuỗi cung ứng tích hợp.
"Hiện UOB không chỉ giao dịch với một công ty riêng lẻ, mà toàn bộ hệ sinh thái dọc chuỗi cung ứng - từ người mua đến bán, để kết nối và cung cấp dịch vụ tốt nhất", ông Frederick nhấn mạnh.
Ông Frederick tiết lộ ngân hàng thành lập nhóm chuyên trách ESG với đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực, tư vấn khách điều hướng quá trình chuyển đổi ESG.
Cuối phiên thảo luận, Giám đốc Frederick Chin nói UOB sẽ kỷ niệm 90 năm thành lập vào 2025. Chiến lược tăng trưởng của ngân hàng trong tương lai được thúc đẩy bởi ba yếu tố. Đầu tiên là tính kết nối, thu hút nguồn vốn FDI và dòng chảy thương mại. Tiếp đó là số hóa. Thứ ba là tính bền vững cùng quá trình chuyển đổi kinh doanh nhằm đạt phát thải ròng bằng 0.
"Chúng tôi ở đây vì mục tiêu lâu dài và mong muốn hợp tác với tất cả các doanh nghiệp khi họ xây dựng tương lai và tạo dấu ấn tại ASEAN", ông nói thêm.
Trước đó năm 2011, ngân hàng thành lập Trung tâm tư vấn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chuyên hỗ trợ doanh nghiệp trong khu vực. 10 năm qua, hơn 4.500 công ty sử dụng dịch vụ tư vấn FDI của UOB mở rộng hoạt động ra quốc tế, nhất là vào ASEAN.
5 năm qua, ngân hàng hỗ trợ hơn 300 công ty quốc tế thâm nhập thị trường Việt. Các doanh nghiệp này cam kết đầu tư 7,3 tỷ SGD cùng kế hoạch tạo việc làm cho hơn 50.000 lao động bản địa.