Doanh nghiệp

Ứng dụng nhắn tin thu phí người dùng: Nên hay không nên?

Nhìn từ động thái thu phí của Zalo

Câu chuyện Zalo sẽ thực hiện những cập nhật quan trọng từ ngày 1/8 tới đang thu hút dư luận người dùng. Trong đó, Zalo thay đổi lớn nhất là tiến hành thu phí đối với các tài khoản của khối khách hàng doanh nghiệp (Zalo Official Account - Zalo OA). Ngoài gói cơ bản (miễn phí) như đã nêu, Zalo sẽ có thêm 3 gói trả phí gồm gói dùng thử (10.000 đồng), gói nâng cao (59.000 đồng) và gói Premium (399.000 đồng) cho mỗi tháng.

Mặt khác, Zalo cũng gây xôn xao về việc bóp các tính năng như tài khoản người dùng thông thường không cho phép người lạ xem hoặc bình luận trên nhật ký, chỉ cho phép tài khoản thông thường hiển thị tối đa 40 lần/tháng khi người lạ tìm kiếm qua số điện thoại, hay mỗi tài khoản được phản hồi tối đa 40 hội thoại từ người lạ…

Là ứng dụng khá phổ biến, việc ra thông báo này của Zalo đã khiến cộng đồng người dùng tỏ ra hoang mang. Trước những thông tin này, Zalo cho biết đây chỉ là thông báo đơn thuần về những thay đổi quan trọng của Zalo trong thời gian tới. Việc tung ra cập nhật mới chỉ là một trong những động thái nhằm đẩy mạnh vấn đề đảm bảo quyền riêng tư cho người dùng.

Chủ đề này đã trở thành tâm điểm tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn công nghệ lớn. Trên App Store hay Google Play, ứng dụng nhận được hàng loạt đánh giá 1 sao cùng với những bình luận tiêu cực. Chẳng hạn như: "Ứng dụng thì luôn bị lỗi vậy mà bây giờ còn đòi thu phí" một người dùng của Zalo đã để lại bình luận trên Google Play.

Hay từ một người dùng khác chia sẻ trên Apple Store: "Nghe nói Zalo định thu phí nên chắc phải chuyển sang ứng dụng khác dùng vậy".

Góc nhìn người trong cuộc

Theo người trong cuộc, thay đổi này sẽ gây ra hai thái cực từ phía người dùng: một là tiếp tục trả phí để được mở rộng tính năng, hai là chuyển sang một nền tảng nhắn tin miễn phí khác. Thực tế, trên thị trường có rất nhiều ứng dụng miễn phí khác mà người dùng có thể thoải mái lựa chọn. Tuy nhiên, bảo mật là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến việc đưa ra quyết định cuối cùng bởi vì thông tin của người dùng có thể bị rò rỉ ra ngoài nếu họ đang sử dụng ứng dụng mà không có cam kết bảo mật từ nhà cung cấp.

Trong buổi chia sẻ gần đây, ông David Tse, Giám đốc Cấp cao khu vực APAC của Rakuten Viber, cho biết: "Rakuten Viber luôn kết nối mọi người miễn phí, và bảo mật và quyền riêng tư của người dùng vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Bên cạnh đó, phương thức mã hóa đầu cuối và việc đảm bảo quyền riêng tư của người dùng đã, đang và sẽ luôn là một phần trong các nguyên tắc kinh doanh của Viber. Các kênh trên Viber sẽ không giới hạn số lượng người dùng tham gia vào các cuộc thảo luận nhưng vẫn đảm bảo được bảo mật thông tin".

Liên quan đến thu phí, thực tế trước đó năm 2009, khi WhatsApp mới ra mắt, Công ty đã tính phí người dùng iOS một khoản phí bảo hiểm 1 USD để sử dụng dịch vụ. Sau đó, gói này đã được thay thế bằng một mô hình fremium vào năm 2013, trong đó tất cả người dùng đều phải trả một khoản phí hàng năm là 0,99 USD để sử dụng dịch vụ và công ty đã kiếm được hơn 1 tỷ USD chỉ trong 9 tháng. Tuy nhiên, ngay sau khi Facebook mua lại WhatsApp, dịch vụ nhắn tin lại tiếp tục đi theo lộ trình phần mềm miễn phí cho phép tất cả người dùng.

Whatsapp giải thích lý do loại bỏ phí thường niên chính là vì hiện nay nhiều người dùng thậm chí còn không có thẻ tín dụng hay thẻ ghi nợ và điều đó khiến họ gặp khó khăn trong việc thanh toán cho các dịch vụ nhắn tin dù cho nó chỉ tính phí 1 USD.

Do đó, các đơn vị cung cấp ứng dụng nhắn tin sẽ phải cân nhắc và lắng nghe phản ứng từ khách hàng để đưa ra quyết định đúng đắn. Đặc biệt, hành vi tiêu dùng của người Việt thường mong muốn trải nghiệm miễn phí nên nếu muốn thu phí người dùng thì các đơn vị buộc phải cân nhắc kỹ càng. Ngoài ra, việc siết tính năng của người dùng thường tạo nên tâm lý không tốt và sẽ tạo nên làn sóng phản đối. Đó cũng không phải là phương thức tốt để khuyến khích người dùng trả phí để tăng tính năng trải nghiệm. Quan trọng hơn tất cả, việc cần làm đối với các nhà cung cấp ứng dụng chính là phải tối ưu hóa ứng dụng của mình và thu hút người dùng bằng nhiều tính năng mới, nổi bật và đa dạng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm