Một sản phẩm thuộc về cha đẻ của mã Captcha
Một ngày đẹp trời mùa hè năm 2012, Luis von Ahn – người phát minh ra hệ thống Captcha đã phát hành ứng dụng Duolingo như một giải pháp giúp tất cả mọi người có thể học ngoại ngữ.
Cho đến nay, Duolingo đã thu hút hàng trăm triệu người dùng, từ Bill Gates, Khloe Kardashian và Jack Dorsey cho đến người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Luis von Ahn sinh ra ở Guatamela, một vùng đất nghèo khó ở vùng Trung Mỹ, nơi hơn một nửa dân số sống dưới ngưỡng nghèo khổ. Hầu hết mọi người đều không thể theo học những ngôi trường có chất lượng tốt và gần như không có cơ may thoát khỏi đói nghèo.
Xuất phát từ một vùng trũng về dân sinh và giáo dục, Luis von Ahn rời Guatamela đến Hoa Kỳ để theo học ngành Toán học tại Đại học Duke. Sau đó ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Carnegie Mellon và trở thành giáo sư.
Khi vừa tốt nghiệp Đại học Duke, ông đã giới thiệu cho cả thế giới biết về mã CAPTCHA – thứ hiện rất phổ biến đối với hàng tỉ người dùng Internet hiện nay nhờ những ký tự nguệch ngoạc gây bực bội mà bạn phải gõ ra để chứng minh rằng bạn không phải là robot.
Vài năm sau, ông đã bán hai phát minh của mình cho Google, thu về hơn 20 triệu USD. Ông dùng khoản tiền này để trang trải đời sống và bắt đầu phát triển một ứng dụng học ngoại ngữ để giúp hàng tỷ người, đặc biệt là người nghèo có cơ hội học hành. Đồng hành cùng ông là Severin Hacker, một nhà khoa học máy tính cừ khôi người Thụy Sĩ và hiện là giám đốc kỹ thuật của Duolingo. Cả hai người đều chia sẻ niềm tin rằng "một nền nền giáo dục miễn phí sẽ thay đổi thế giới".
Luis von Ahn - CEO của Duolingo
Nhận được tổng cộng hơn 108,3 triệu USD vốn đầu tư, dự định IPO năm 2021
Theo thống kê của Duolingo, có khoảng 1,2 tỷ người đang nỗ lực học thêm một ngoại ngữ và gần 800 triệu người trong số họ đang học tiếng Anh.
"Ở nhiều nước, bạn có thể gia tăng mức thu nhập từ 25% đến 100% nếu sử dụng thành thạo tiếng Anh", Von Ahn nói trong một buổi họp báo.
Duolingo là ứng dụng khá nhẹ có thể chạy trên hầu hết các thiết bị điện thoại thông minh ngày nay hoặc truy cập website trên máy tính. Với biểu tượng chim cú màu xanh lá được cách điệu, Duolingo dễ gây thiện cảm với mọi người. Những bài học của Duolingo (do ban biên tập công ty thiết kế) đi từ dễ đến khó và bao quát các điểm ngữ pháp cơ bản của một ngôn ngữ.
Nếu bạn bỏ qua giờ học một ngôn ngữ nào đó hàng ngày, Duolingo sẽ nhắc nhở bằng một thông báo kiểu như "Bạn đã sẵn sàng quay lại học chưa?". Thông báo sẽ vang lên vào đúng thời điểm mà bạn sử dụng ứng dụng vào ngày hôm trước. Duolingo xuất hiện trên màn hình của bạn dưới dạng biểu tượng cảm xúc, cằn nhằn bạn nhằm hối thúc bạn tiếp tục học tập. Hàng triệu người làm theo lời nhắc của Duolingo mỗi ngày.
Học ngôn ngữ theo kiểu kỹ thuật số tạo ra doanh thu 6 tỉ USD và con số đó được dự đoán sẽ tăng lên đến 8,7 tỉ USD vào năm 2025, theo Forbes. Nhưng thị trường này vẫn còn phân mảnh, rất cần một người chơi thống trị. Duolingo đã kiên trì bước đến vị thế này sau 7 năm.
Kể từ phiên bản đầu tiên năm 2011 đến nay, Duolingo đã nhận được tổng cộng hơn 108,3 triệu USD đầu tư từ các quỹ đầu tư như Union Square Ventures, Google Ventures, Kleiner Caufield & Byers, Drive Capital…
Trụ sở chính của Duolingo đặt tại khu East Liberty, không xa văn phòng ở Pittsburgh của Google. Chỉ có 1,75% người dùng Duolingo trả tiền cho phiên bản không có quảng cáo (84 USD/năm), nhưng vì số người dùng lớn, doanh thu của Duolingo đã đạt 36 triệu USD vào năm 2018.
Von Ahn cho biết ông đang lên kế hoạch IPO vào năm 2021. Hiện tại, công ty đang được định giá hơn 700 triệu USD.
Nỗ lực thay thế TOEFL và tạo thêm cơ hội việc làm cho người dùng
Duolingo đang có 170 nhân viên và hơn 300 tình nguyện viên trên toàn cầu. Duolingo cung cấp 94 khóa học cho 23 ngôn ngữ. Duolingo cho phép người dùng học tiếng Anh bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Nhưng ngoài tiếng Anh, đa số các ngôn ngữ khác chỉ có thể tiếp cận khi người dùng đã có hiểu biết cơ bản về Anh ngữ. Ví dụ, Duolingo cung cấp khóa học tiếng Anh dành cho người Việt, song các khóa học tiếng Pháp hoặc Esperanto chỉ có cho người nói tiếng Anh.
Các khóa học của Duolingo thiết kế theo hướng vừa học vừa chơi, vì công ty tin rằng việc học sẽ dễ dàng hơn nếu người học vui vẻ. Ba hướng tiếp cận chính của Duolingo là: Học ngôn ngữ mới để giao tiếp (1); Cân bằng giữa học các điểm ngữ pháp có sẵn và tìm tòi đoán nghĩa (2); Cá nhân hóa bài học cho từng người dựa theo dữ liệu từ thuật toán (3).
Không chỉ hướng đến việc học ngoại ngữ, Duolingo còn tạo ra một kỳ thi. Năm 2016, công ty công bố bài kiểm tra tiếng Anh Duolingo English Test (DET), để cạnh tranh với TOEFL (Test of English as a Foreign Language), kỳ thi kiểm tra độ thành thạo tiếng Anh dành cho sinh viên nước ngoài nộp đơn vào các trường đại học Mỹ.
Bản thân Von Ahn cũng có trải nghiệm khổ sở với kỳ thi TOEFL vào năm 1995. Vì hết suất dự thi ở thành phố Guatemala, ông phải đến Salvador để thi. "El Salvador là một khu vực chiến tranh. Tôi đã tốn 1200 USD để dự thi. Thật là điên", ông nói.
Bài kiểm tra tiếng Anh Duolingo (DET) có lệ phí thi chỉ 49 USD, kéo dài 45 phút hoặc ít hơn và có thể làm bài thi từ xa với một máy tính có loa và camera để tránh gian lận. Hơn 180 trường, bao gồm Yale, Columbia và Duke đã chấp nhận dùng kỳ thi này như một hình thức thay thế cho TOEFL.
Nhân viên của Duolingo đã so sánh kết quả của 2300 sinh viên thực hiện cả hai bài kiểm tra và nhận thấy rằng những người làm tốt bài thi DET có khả năng đạt điểm TOEFL cao. Nhưng Srikant Gopal, giám đốc điều hành TOEFL cho rằng mối tương quan này là vô nghĩa bởi vì DET chỉ có "các bài tập đơn giản không giống lắm với cách sử dụng tiếng Anh trong môi trường học thuật".
Von Ahn vẫn hi vọng bài kiểm tra này sẽ chiếm 20% doanh thu vào năm 2021. Ngoài bài kiểm tra tiếng Anh, Von Ahn tin rằng nhiệm vụ tiếp theo là đưa thêm các bài học có độ khó cao hơn vào các khóa học ngôn ngữ, để người dùng có "một công việc lương cao bằng cách sử dụng ngôn ngữ bạn học trên Duolingo".