
Bước vào mùa Đại hội đồng cổ đông 2025, triển vọng thị trường bất động sản là một trong những chủ đề được cổ đông quan tâm nhiều nhất. Trả lời tại các phiên họp, ông Phạm Nhật Vượng, ông Hồ Hùng Anh và ông Đỗ Quang Hiển đều đưa ra đánh giá tích cực về triển vọng thị trường trong năm nay.
Ông Phạm Nhật Vượng: 'Thị trường bất động sản phục hồi, doanh thu Vingroup sẽ tăng vọt"
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của Vingroup, bà Nguyễn Thị Hiền, Kế toán trưởng Tập đoàn, cho biết bất động sản sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ lực trong cơ cấu doanh thu năm nay.
Trả lời cổ đông về kế hoạch doanh thu năm 2025 – cao gần gấp đôi so với năm 2024 – Chủ tịch HĐQT Phạm Nhật Vượng cho rằng mục tiêu này vừa tham vọng vừa thực tế dựa trên triển vọng phục hồi của thị trường.
"Mục tiêu đương nhiên rất cao, còn đạt được hay không thì không ai chắc chắn. Tuy nhiên, chúng tôi xác định không chỉ đạt mà còn phải vượt. Cơ sở là thị trường bất động sản đang phục hồi rõ nét, doanh thu sẽ tăng vọt", ông Vượng nói.
Về chiến lược phát triển bất động sản, theo Chủ tịch, Vingroup đặt mục tiêu phát triển các khu đô thị lớn, đáp ứng đồng bộ nhu cầu hạ tầng, tiêu chuẩn ESG, đô thị thông minh và môi trường sống chất lượng cho cư dân.
"Hiện nay, các dự án mới của Vingroup đều hướng tới quy mô vài nghìn ha, nằm xa trung tâm. Những dự án nhỏ, gần trung tâm, chúng tôi không triển khai nữa. Thay vào đó, chúng tôi chọn đi xa và tìm cách kết nối hạ tầng" ,ông Vượng cho biết.
Đồng thời, tập đoàn cũng xây dựng hệ sinh thái vận tải gồm xe buýt, xe điện, taxi... nhằm hỗ trợ cư dân di chuyển thuận tiện và nâng cao chất lượng sống.
Ông Vượng kỳ vọng, mô hình khu đô thị tích hợp này sẽ trở thành tiêu chuẩn mới cho thị trường bất động sản Việt Nam. "Thực tế đã chứng minh, hiện nay bất kỳ doanh nghiệp nào làm khu đô thị cũng phải bổ sung rất nhiều tiện ích – điều mà cách đây 20 năm chưa có", ông nói.

Tỷ phù Hồ Hùng Anh: Ngành bất động sản không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thương chiến
Theo báo cáo tài chính quý I/2025, tín dụng bất động sản của Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) ở mức 214.800 tỷ đồng, cao nhất hệ thống ngân hàng hiện nay. Tại phiên thảo luận trong khuôn khổ Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, nhiều cổ đông bày tỏ quan tâm đến triển vọng của ngành bất động sản và khả năng thu hồi nợ đối với nhóm khách hàng này.
Trả lời cổ đông, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank, cho rằng trong ngắn hạn, thị trường bất động sản sẽ không chịu tác động trực tiếp từ những căng thẳng thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, nếu các yếu tố bất ổn kéo dài, ngành này vẫn có thể bị ảnh hưởng.
Chủ tịch Techcombank đánh giá, thị trường bất động sản thời gian tới khó có thể bứt phá, quay lại giai đoạn trước khủng hoảng như nhiều người kỳ vọng. Tuy nhiên, thị trường đã vượt qua thời gian khó khăn nhất khi nhu cầu nhà ở tăng trở lại, sức mua cải thiện và Chính phủ đẩy mạnh đầu tư hạ tầng.
Chủ tịch Techcombank cũng cho biết, ngân hàng đang hỗ trợ lãi suất đối với một số doanh nghiệp bất động sản trong giai đoạn này. Khi nền kinh tế phục hồi, thị trường ấm dần lên và hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định hơn, lãi suất sẽ được điều chỉnh phù hợp.
"Chắc chắn Techcombank sẽ thu hồi được các khoản đã hỗ trợ trong thời gian tới", ông Hồ Hùng Anh nhấn mạnh.

Bầu Hiển: Triển vọng ngành bất động sản vẫn rất tiềm năng
Chia sẻ tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 chiều 22/4, ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), đánh giá triển vọng của ngành bất động sản Việt Nam trong dài hạn vẫn rất tích cực. Đồng thời, ông cũng khẳng định các dự án bất động sản do SHB tài trợ đều đảm bảo hiệu quả và an toàn.
Theo ông Hiển, bất động sản từ lâu đã được các chuyên gia kinh tế và chuyên gia ngành đánh giá là lĩnh vực có triển vọng tốt. "Có thể có những giai đoạn bất động sản trồi sụt, nhưng xét về dài hạn, nhu cầu của người dân về nhà ở, thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí luôn hiện hữu", ông nói. Ông cũng lưu ý rằng tỷ lệ sử dụng bất động sản của người dân Việt Nam hiện vẫn thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực.
Vì vậy, theo Chủ tịch SHB, triển vọng của thị trường bất động sản Việt Nam vẫn rất tiềm năng, cả về giá đất lẫn giá trị sử dụng thực tế.

Liên quan đến hoạt động tín dụng bất động sản, bà Ngô Thu Hà, Tổng giám đốc SHB, cho biết hiện dư nợ cho vay lĩnh vực này (bao gồm cả cho vay tiêu dùng bất động sản) chiếm khoảng 24,5% tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 0,1%.
"Các khoản cho vay trong lĩnh vực bất động sản của SHB rất an toàn", bà Hà khẳng định. Hiện tỷ lệ dư nợ cho vay trên tài sản đảm bảo của SHB đạt khoảng 47%, cho thấy ngân hàng vẫn duy trì kiểm soát tốt mức độ an toàn trong hoạt động cấp tín dụng.
Lãnh đạo ABBank: 'Bất động sản không bao giờ chết'
Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của ABBank, ông Vũ Văn Tiền, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, bày tỏ quan điểm lạc quan về triển vọng dài hạn của thị trường bất động sản.
"Tôi làm bất động sản nhiều năm rồi. Tôi khẳng định bất động sản không bao giờ chết, dư địa phát triển còn mấy chục năm nữa", ông Vũ Văn Tiền nói.

Theo ông Tiền, bất động sản không chỉ duy trì sức hút ở Việt Nam mà còn ở các thị trường phát triển như Mỹ, nơi giao dịch bất động sản vẫn mang lại lợi nhuận dù thị trường đã hình thành hàng trăm năm.
Trong hoạt động tín dụng của ABBank, ông cho biết ban lãnh đạo ngân hàng luôn yêu cầu các khoản vay phải có tài sản bảo đảm, ưu tiên tiền, vàng hoặc bất động sản. Bên cạnh bất động sản, ABBank cũng chấp nhận nhà máy làm tài sản bảo đảm, nhưng yêu cầu phải đánh giá chiến lược phát triển dài hạn, tiềm năng xuất khẩu và khả năng phòng tránh các rủi ro như bị đánh thuế.