Kể từ đầu năm đến nay, tỷ giá VNĐ so với nhiều đồng tiền chính như: Euro, yên Nhật hay đồng won của Hàn Quốc đã có sự thay đổi lớn. Nguyên nhân là do đồng USD đã tăng hơn 9% so với hồi đầu năm, đồng thời, VNĐ cũng neo theo vì mức tăng của tỷ giá VNĐ/USD không lớn, chỉ khoảng 2%.
Điều này dẫn đến một số ngoại tệ mất giá so với Việt Nam đồng như Euro, yên Nhật hay đồng won Hàn Quốc.
Theo các chuyên gia, biến động tỷ giá sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu, không phải là xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ mà là các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sang Châu Âu, Nhật Bản hay Hàn Quốc mới là đối tượng chịu nhiều tác động. Ở chiều ngược lại, việc nhập khẩu từ thị trường này có thể được hưởng lợi nhờ giá cả rẻ đi.
Theo báo cáo từ Bộ phận nghiên cứu Ngân hàng MSB, Bộ Công Thương cho biết, trong ngắn hạn, việc đồng euro mất giá có thể ảnh hưởng nhất định đến một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam có hợp đồng thanh toán bằng đồng euro. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, cùng một lượng euro thu về số tiền quy đổi ra nội tệ ít hơn nên sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Tuy nhiên, theo tính toán của các chuyên gia, tỷ trọng sử dụng đồng euro để thanh toán với các doanh nghiệp thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam hiện mới ở mức từ 5-7%; trong khi sử dụng USD chiếm từ 65-70%.
Hiện chỉ có khoảng 15 - 20% doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam ký hợp đồng thanh toán bằng euro, còn lại chủ yếu bằng USD nên thiệt hại được giảm thiểu đáng kể. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ EU chi phí sẽ rẻ hơn nên việc nhập khẩu sẽ có lợi hơn.
Mặc dù kim ngạch nhập khẩu từ khu vực này là không lớn, nhưng lại là các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, đặc biệt là máy móc, thiết bị và một số vật tư mang tính chiến lược nên có thể coi đây là tín hiệu tích cực.
Về lâu dài, việc đồng nội tệ yếu kéo lạm phát lên cao tại EU, hàng hoá nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Sức mua yếu làm người tiêu dùng EU có thể hạn chế chi tiêu, nhất là với các mặt hàng không thiết yếu. Điều này có thể làm giảm nhu cầu hàng hoá nhập khẩu từ các thị trường, trong đó, có Việt Nam.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Mỹ với 55,9 tỷ USD, đứng thứ 2 là Trung Quốc 26,3 tỷ USD. Tiếp đến là EU với 23,6 tỷ USD, ASEAN 18 tỷ USD, Hàn Quốc 12,2 tỷ USD và Nhật Bản 11,4 tỷ USD.
Như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 3 thị trường đang bị ảnh hưởng bởi tỷ giá gồm EU, Nhật Bản và Hàn Quốc là 47,2 tỷ USD, chiếm 25,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Đối với nhập khẩu, trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc với 61,3 tỷ USD, tiếp đến là Hàn Quốc 33,3 tỷ USD, ASEAN 24,5 tỷ USD, Nhật Bản 11,9 tỷ USD, EU 8,1 tỷ USD và Mỹ với 7,6 tỷ USD.
Tổng kim ngạch nhập khẩu từ EU, Hàn Quốc và Nhật Bản là 53,3 tỷ USD, chiếm 28,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Như vậy, có thể thấy, do nền kinh tế có độ mở lớn nên biến động tỷ giá ở một số quốc gia đã ảnh hưởng khá lớn đến kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, với cán cân thương mại xuất nhập khẩu, biến động tỷ giá lại không ảnh hưởng quá nhiều do Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ được ổn định tỷ giá với Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Để giảm thiểu thiệt hại từ biến động tỷ giá, các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các chuyên gia đều khuyên các doanh nghiệp, khi ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu trong bối cảnh các đồng tiền quốc tế biến động phức tạp, doanh nghiệp nên tính đến các giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá, đồng thời tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm Việt Nam, mở rộng, đa dạng hóa thị trường, tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đặc biệt EVFTA.