Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm đạt 1,06 tỷ USD (tăng 34,5% so với cùng kỳ), trong đó xuất khẩu tôm và cá tra lần lượt đạt 457 triệu USD (tăng 31% so với cùng kỳ) và 248 triệu USD (tăng 67% so với cùng kỳ).
Hai thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ (chiếm 23% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 34% so với cùng kỳ) và Trung Quốc (chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 71%).
Giá bán trung bình của tôm sang thị trường Mỹ đạt 12 USD/kg (tăng 20%) và cá tra trong khoảng 4,5 USD - 5 USD/kg (tăng 60%). Tại thị trường Trung Quốc, giá bán bình quân cá tra ở mức 3,1 USD/kg (tăng 20%).
Báo cáo của SSI Research đánh giá điều này cho thấy nhu cầu đang phục hồi mạnh mẽ từ các thị trường xuất khẩu lớn, nhu cầu cũng được thúc đẩy bởi các đơn đặt hàng bị dồn nén do hạn chế sản xuất trong nửa cuối năm 2021 vì giãn cách xã hội tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, nhu cầu đã có dấu hiệu chững lại kể từ tháng 5/2022, do lượng hàng tồn kho tại các thị trường xuất khẩu đang ở mức cao.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cũng cho biết tồn kho tại trị trường Mỹ đã ở mức cao. Cùng với áp lực lạm phát, dự kiến tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm tốc trong quý III. Nhưng phía bộ phận phân tích này cho rằng nhu cầu thủy sản sẽ tăng nhanh trước kỳ nghỉ lễ quý IV (Lễ Tạ ơn và Giáng sinh).
Trên thị trường nguyên liệu, giá cá giống đã giảm đáng kể so với mức đỉnh vào tháng 4/2022 (giảm 40% so với đỉnh, tăng 20% so với cùng kỳ). Mặt khác, giá tôm nguyên liệu và cá nguyên liệu (mặc dù đã bắt đầu giảm) vẫn ở mức cao do chi phí thức ăn thủy sản cao (tăng 15% so với đầu năm, tăng 30% so với cùng kỳ).
Về triển vọng ngành trong những tháng tới, bên cạnh việc tồn kho tại các thị trường xuất khẩu đang ở mức cao, cùng với việc vào mùa xuất khẩu thủy sản thấp điểm, các công ty dự báo tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm tốc trong quý III.
Tuy nhiên, bất chấp áp lực lạm phát, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vẫn kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng nhanh trong tháng 9, ngay trước kỳ nghỉ lễ từ tháng 11 đến tháng 12.
Mặt khác, vì giá bán bình quân của tôm thẻ chân trắng Việt Nam hiện đã cao hơn Ấn Độ và Ecuador tại thị trường Mỹ, nên các doanh nghiệp xuất khẩu khó có thể giữ giá bán bình quân của tôm cao như mức giá trong nửa đầu năm 2022.
Theo các chuyên gia, điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp chế biến tôm vốn lấy thị trường Mỹ là thị trường xuất khẩu chính, do giá tôm nguyên liệu dự kiến sẽ cao hơn trong nửa cuối năm 2022 do nguồn cung thiếu hụt vì dịch bệnh bùng phát.