Trao đổi với phóng viên bên lề toạ đàm "Thu phí không dừng - Quyền lợi và trách nhiệm" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 29/7 về hiện tượng làm giả biển số xe, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, có hiện tượng một số người dán biển số xe đẹp để lưu thông trên đường.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức (giữa) trao đổi tại toạ đàm. Ảnh: VGP
"Trường hợp đó anh em tuần tra ngoài đường có kinh nghiệm, biển số xe này đi với đời xe này, đầu số phải như thế này. Nếu qua các hệ thống camera giám sát của cảnh sát giao thông sẽ đọc được, và qua đó kết nối với cơ sở dữ liệu đăng ký xe sẽ phát hiện. Đầu ra sẽ trả lời biển số xe đó là xe vi phạm, không do cơ quan có thẩm quyền cấp, hoặc do người dân dán che biển số...", ông Đức nói.
Ông Đức cũng cho biết, có dư luận cho rằng, những xe dán làm giả biển số vào cao tốc không bị xử phạt, nhưng thực tế, các camera đều đọc hết thông tin và tích hợp với cơ sở dữ liệu để phát hiện.
"Ví dụ xe 30HXXXXX chẳng hạn, đăng ký là xe Santafe, nhưng trên hệ thống camera lại là xe Camry thì hệ thống sẽ có thuật toán loại trừ. Cho nên, vấn đề xe vi phạm chỉ là phạm vi rất nhỏ. Nếu lưu hành trên các tuyến quốc lộ, đặc biệt trên các tuyến cao tốc thì những trường hợp biển số giả đa số sẽ bị phát hiện ngay", ông Đức nói.
Thiếu tướng Đức cho rằng, theo quy định của pháp luật, hành vi dán, che, làm giả biển số xe bị cấm, và nếu phát hiện sẽ bị xử phạt, tuỳ mức độ có thể xử phạt hành chính hoặc hình sự (nếu vi phạm theo quy định về hình sự).
Liên quan đến vấn đề sắp triển khai thu phí không dừng, liệu có tình trạng xe thật nằm ở nhà bị trừ tiền bởi xe biển số giả đi qua trạm thu phí, ông Đức cho rằng, giải pháp kỹ thuật để xử lý tình trạng này là sử dụng cơ sở dữ liệu về phương tiện.
"Nếu trạm thu phí có cơ sở dữ liệu, hệ thống camera giám sát như của của Cục Cảnh sát giao thông thì sẽ khắc phục được. Còn bây giờ camera của trạm thu phí chỉ để phục vụ cho vấn đề thu phí và tổ chức giao thông ở trạm thu phí", ông Đức nói đồng thời cho biết, nếu có cơ sở dữ liệu về đăng ký phương tiện, tra theo tên, sẽ có đầy đủ thông tin, biết được xe của ai, màu xe, biển số nào...
"Đây là cơ sở dữ liệu dùng chung, chủ trương của Chính phủ là xây dựng một Chính phủ điện tử trong đó có cơ sở dữ liệu dùng chung, các ngành đều có thẩm quyền khai thác, nhưng khai thác ở cấp độ nào thì do cấp có thẩm quyền quy định", ông Đức nêu.
Phóng viên đặt câu hỏi, vẫn có thể có trường hợp xe nằm ở nhà nhưng chủ phương tiện bị trừ tiền vì xe biển giả đi qua trạm thu phí, ông Đức cho biết, đã có trường hợp điển hình như báo chí nêu vừa qua.
"Nhưng đó là trường hợp sự vụ. Một trường hợp thôi. Mình thấy cả nước gần 5 triệu xe, mà có một trường hợp thì tỷ lệ rất nhỏ. Nếu có một trường hợp như vậy thì không thể đánh giá đây là hiện tượng phổ biến, mà đây là một trường hợp, một hiện tượng mà hệ thống thu phí của các trạm thu phí phải khắc phục", ông Đức nói.
Trước thắc mắc, lưu thông trên đường phố hiện nay có nhiều phương tiện dán, che biển số để tránh bị xử phạt, ông Đức cho biết, thông qua hệ thống camera giám sát, lực lượng chức năng phát hiện sẽ thông báo cho các chốt và lực lượng tuần lưu kiểm tra, phát hiện, xử lý.
"Trong xã hội bao giờ cũng có hai mặt. Một mặt, người dân tham gia rất tốt, nhưng có những người chưa chấp hành. Thông qua phản ánh của người dân, của báo chí, Cục CSGT và Bộ Công an đều nghiên cứu, xử lý nghiêm túc", ông Đức nói thêm.