Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II của Tổng Công ty Khoan và Dịch vụ Dầu khí (Mã: PVD) ghi nhận doanh thu thuần tăng 35% lên 1.505 tỷ đồng. Trong đó, bộ phận cung cấp dịch vụ khoan đem về 988 tỷ đồng doanh thu, còn mảng cung cấp dịch vụ giếng khoan và dịch vụ khác thu về gần 504 tỷ đồng. Phần nhỏ doanh thu còn lại đến từ mảng thương mại.
Đáng chú ý, theo thuyết minh thì mảng dịch vụ khoan của PVD ghi nhận lợi nhuận gộp âm gần 39 tỷ trong khi mảngcung cấp dịch vụ giếng khoan và dịch vụ khác có lãi 160 tỷ.
Các chi phí ăn mòn lợi nhuận gộp khiến tổng công ty lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 45 tỷ. Cộng thêm khoản lỗ khác gần 15 tỷ, chủ yếu là chi phí khấu hao đã đẩy khoản lỗ sau thuế quý II lên gần 74 tỷ đồng. Lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ âm 60 tỷ.
Trước đó, lãnh đạo PVD từng dự báo tổng công ty sẽ tiếp tục thua lỗ trong quý II nếu tính trích lập bảo trì bảo dưỡng, trích lập 20% của nợ quá hạn từ KrisEnergy. Trích lập dự phòng tại ngày 30/6 cho khoản phải thu từ KrisEnergy (giá gốc là 91 tỷ) đã tăng 18 tỷ so với đầu năm lên 44 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, PVD đạt 2.660 tỷ đồng doanh thu thuần, gấp 1,6 lần cùng kỳ năm ngoái. Hai quý thua lỗ khiến tổng công ty lỗ sau thuế 149 tỷ nửa đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ lỗ gần 69 tỷ. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm gần 117 tỷ.
Năm nay, PVD lên mục tiêu 4.700 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng gần 9% so với năm 2021 và phấn đấu không bị lỗ song hiện doanh nghiệp đã lỗ 149 tỷ đồng nửa đầu năm. So với kế hoạch năm, PVD đã đạt khoảng 57% chỉ tiêu doanh thu.
Đánh giá về triển vọng của PVD thời gian tới, Chứng khoán BSC nhận định giá dầu tăng cao giúp cải thiện nhu cầu sử dụng giàn khoan tự nâng tại khu vực, từ đó đảm bảo nguồn công việc ổn định cho PVD và dự báo hiệu suất hoạt động các giàn khoan tự nâng của PVD trong thời gian tới sẽ tăng trở lại và đạt mức trung bình 77% cho cả năm 2022.
Tuy vậy, giá thuê ngày giàn khoan tự nâng vẫn ở mức thấp hơn so với khu vực. BSC cho rằng giá thuê ngày của PVD sẽ phục hồi trở lại kể từ quý III/2022, và đạt mức trung bình năm 2022 là 60.000 USD/ngày (tăng 15% so với năm ngoái).
Về tình hình tài chính, quy mô tài sản của PVD đạt 20.791 tỷ đồng tại ngày 30/6, trong đó tài sản cố định chiếm 66%.
Khoản tiền mặt, tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi có kỳ hạn cuối quý II là 2.182 tỷ đồng. Khoản này đem về cho PVD 52 tỷ đồng tiền lãi trong hai quý.
Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp đi vay nợ khoảng 3.905 tỷ đồng, song không được thuyết minh chi tiết. Nửa đầu năm, PVD tốn gần 61 tỷ đồng tiền lãi vay.
Tại ngày 30/6, vốn chủ sở hữu của PVD là 13.928 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối giảm xuống còn 953 tỷ sau hai quý thua lỗ.