Nhờ thị trường nội địa phục hồi nhanh chóng, doanh thu quý II của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tăng gấp gần 3 lần năm ngoái lên xấp xỉ 18.430 tỷ đồng. Con số này còn vượt 35% so với kế hoạch hãng đề ra và gần bằng quý đầu tiên năm 2020 - thời điểm Việt Nam ghi nhận những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên.
Dù vậy, Vietnam Airlines vẫn chưa thể thoát cảnh kinh doanh dưới giá vốn do giá nhiên liệu tăng mạnh. Cuối tháng 6, giá xăng Jet A1 vượt 160 USD một thùng, cao gấp hơn 2 lần mức bình quân năm ngoái. Đồng thời, thị trường quốc tế chưa phục hồi như kỳ vọng, nhất là Đông Bắc Á - thị trường mang lại nguồn thu quan trọng cho Vietnam Airlines trước dịch. Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận gộp âm 376 tỷ đồng, giảm 9 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Vietnam Airlines cũng vẫn chưa kiểm soát được các chi phí khi chi phí tài chính tăng vọt từ 422 tỷ lên gần xấp xỉ 1.150 tỷ. Chi phí bán hàng của doanh nghiệp này cũng tăng gấp hơn 2 lần lên gần 660 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, Vietnam Airlines lỗ trước thuế 2.475 tỷ đồng, giảm gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Luỹ kế nửa đầu năm nay, hãng này lỗ hơn 5.100 tỷ đồng, giảm khoảng 3.300 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến 30/6, khoản lỗ luỹ kế của hãng bay này khoảng 28.900 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm 4.914 tỷ đồng, tăng 2.700 tỷ so với thời điểm hết quý I.
Còn nhiều khó khăn nhưng hãng cho biết đã bắt đầu có những tín hiệu khởi sắc khi lần đầu lãi trong giai đoạn cao điểm hè tháng 7. "Mùa cao điểm hè nội địa kéo dài đến tháng 8, cùng với việc các thị trường quốc tế tiếp tục nới lỏng nhập cảnh, nhu cầu du lịch phục hồi sẽ mang lại dòng tiền lớn cho Vietnam Airlines", hãng hàng không này kỳ vọng.
Vietnam Airlines Group (gồm 3 hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) nửa đầu năm vận chuyển gần 9,5 triệu lượt khách, tăng 24,6% so với kế hoạch. Trong đó, khách nội địa 8,9 triệu lượt và quốc tế hơn nửa triệu lượt. Tính riêng công ty mẹ Vietnam Airlines vận chuyển hơn 8 lượt khách.
Từ nay đến cuối năm và các năm tới, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục tập trung thực hiện kế hoạch triển khai tái cơ cấu toàn diện sau khi Đề án Tái cơ cấu được cấp có thẩm quyền thông qua. Trong đó, chủ yếu tập trung triển khai các giải pháp từ nội lực của doanh nghiệp như tái cơ cấu tài sản, đội tàu bay, tái cơ cấu danh mục đầu tư (tập trung hoàn thành tái cơ cấu Pacific Airlines), tái cơ cấu nguồn vốn...