Kỹ năng sống

Vị tỷ phú này khẳng định người thành công đều có 4 chữ "thức"

Nhắc đến những người giàu nhất Trung Quốc, điều đầu tiên người ta nghĩ đến có lẽ sẽ là Jack Ma, Vương Kiện Lâm (chủ tịch Tập đoàn Bất động sản Vạn Đạt, người giàu nhất châu Á cho đến hết năm 2016), hay Mã Hóa Đằng (người sáng lập, chủ tịch và giám đốc điều hành của Tencent, công ty có giá trị nhất châu Á, một trong 5 tập đoàn lớn nhất thế giới). Cả ba người họ đều đã từng lên ngôi người giàu nhất Trung Quốc và tài sản cá nhân của họ cũng lên tới hàng nghìn tỷ nhân dân tệ. Tuy nhiên, Trung Quốc không thiếu những người giàu, và vị doanh nhân được giới thiệu trong bài viết ngày hôm nay nắm giữ lượng khoáng sản toàn cầu trị giá hàng chục nghìn tỷ và kiếm được 691,9 tỷ nhân dân tệ mỗi năm. Ông được gọi là "tỷ phú tàng hình" ở Trung Quốc, Vương Văn Ngân.

Có lẽ rất nhiều người còn xa lạ với cái tên này, Vương Văn Ngân là người sáng lập Tập đoàn Zhengwei (Tên tiếng Anh là Amer International Group Ltd). Theo dữ liệu, công ty này đứng thứ 4 trong số 500 doanh nghiệp tư nhân hàng đầu ở Trung Quốc với doanh thu hàng năm là 691,9 tỷ nhân dân tệ, tức trung bình 1,9 tỷ nhân dân tệ (khoảng hơn 6 nghìn tỷ đồng) mỗi ngày!

 Vị tỷ phú này khẳng định người thành công đều có 4 chữ thức - Ảnh 1.

Vương Văn Ngân - "tỷ phú ngầm" của Trung Quốc

Vào một ngày cuối những năm 1960, trong một gia đình nông thôn bình thường, Vương Văn Ngân chào đời. Vì nhà rất nghèo nên từ nhỏ anh đã biết giúp đỡ bố mẹ san sẻ áp lực cuộc sống. Ngoài ra, học lực của anh cũng rất tốt, bởi lẽ anh biết rõ rằng cách duy nhất để thay đổi vận mệnh của mình là chăm chỉ học tập. Sau cùng, những nỗ lực của anh cũng được đền đáp.

Với điểm số xuất sắc của mình, Vương Văn Ngân đã trúng tuyển vào Đại học Nam Kinh và đến học tập tại một thành phố lớn, nơi cũng đã thay đổi số phận của cuộc đời anh. Sau khi tốt nghiệp, anh được bố trí vào một doanh nghiệp nhà nước với mức lương hàng tháng là 4.000 nhân dân tệ (khoảng 14 triệu đồng). Vào thời điểm đó, đây là một mức lương không hề nhỏ. Nếu cứ tiếp tục công việc này thì việc ổn định ở thành phố là một vấn đề rất đơn giản.

Tuy nhiên, trong sâu thẳm trái tim Vương Văn Ngân luôn có một ước mơ khởi nghiệp. Mãi đến đầu những năm 1990, khi chứng kiến những người xung quanh đều tách ra tự lập nghiệp, nhiệt huyết sôi sục, anh cũng xin nghỉ việc và đến Thâm Quyến lập nghiệp.

Khi đó anh mới 25 tuổi, trong người chỉ còn lại 400 tệ (khoảng 1,4 triệu đồng), vốn cho rằng với năng lực của bản thân, anh có thể dễ dàng trụ lại được ở Thâm Quyến, nhưng thực tế phũ phàng, anh không những không tìm được việc làm thích hợp mà còn tiêu tốn kha khá tiền. Khi đó, đừng nói đến chỗ ở, tiền ăn uống mỗi ngày cũng trở thành vấn đề. Lúc này, Vương Văn Nhân đã tạm gác những suy nghĩ kinh doanh sang một bên, và tất cả những gì anh phải làm là làm gì để sống trước đã.

 Vị tỷ phú này khẳng định người thành công đều có 4 chữ thức - Ảnh 2.

Tỷ phú Vương Văn Ngân

Sau đó, anh xin vào làm quản lý kho trong một công ty, với thái độ nghiêm túc và có trách nhiệm với công việc, anh nhanh chóng được cấp trên đánh giá cao. Anh chỉ mất vài năm ngắn ngủi để từ một nhân viên cơ sở trở thành trợ lý cho tổng giám đốc rồi lên thành tổng giám đốc. Kể từ đó, sự nghiệp của anh thuận buồm xuôi gió, anh nhận mức lương hàng năm hàng triệu tệ, không còn phải lo lắng về chuyện tiền bạc.

Nhưng vẫn y như vậy, trong sâu thẳm trái tim, Vương Văn Ngân luôn nung nấu ý tưởng khởi nghiệp. Làm việc cho người khác không phải là đích đến cho sự nghiệp của Vương Văn Ngân, và anh cũng không có ý định dừng lại ở đó. Sau cùng, vào giữa những năm 1990, Vương Văn Ngân đã quyết định thành lập công ty của riêng mình tại thành phố Thâm Quyến.

Dựa trên kinh nghiệm làm việc trước đó, anh dự định sẽ kinh doanh dây cáp nguồn. Những ngày đầu kinh doanh, Vương Văn Ngân bận rộn tới mức không có thời gian ăn ngủ. Và một cơ hội lặng lẽ đến vào năm 1997, khi một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng xảy ra trên khắp châu Á. Vào thời điểm đó, nhiều nhà máy đang đứng trước bờ vực phá sản, và Vương Văn Ngân đã nhân cơ hội này để tiếp tục phát triển.

Năm 1999, anh đổi tên công ty của mình thành Tập đoàn Zhengwei. Sản phẩm của Zhengwei được thị trường đón nhận vì chất lượng cao, giá thành rẻ, sản phẩm được xuất khẩu sang hàng trăm quốc gia trên thế giới. Đến năm 2003, Zhengwei là một trong những nhà sản xuất và công ty bán dây cáp điện lớn nhất ở Trung Quốc.

Lúc này, một cơ hội khác xảy tới vì sự cố "SARS" năm 2003. Bị ảnh hưởng bởi điều này, cả nền kinh tế thực và ngành tài chính đều bị ảnh hưởng nặng nề, đồng thời giá các mỏ khai thác đồng cũng tụt dốc thảm hại. Vương Văn Ngân đã nhìn thấy cơ hội và sử dụng số tiền có trong tay để mua lại một số mỏ đồng lớn ở Trung Quốc, và bắt đầu bước vào ngành khai thác đồng.

Sau vài năm hoạt động và phát triển, hoạt động kinh doanh mỏ đồng của Tập đoàn Zhengwei ngày càng phát đạt, Vương Văn Ngân thậm chí còn được phong là "Vua đồng của thế giới". Vào thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, anh lại nắm bắt cơ hội phát triển và mua lại nhiều công ty gia công đồng đã phá sản vì vấn đề tài chính. Ngoài ra, anh còn trúng thầu hàng trăm nghìn tấn nguyên liệu đồng với giá cực rẻ.

 Vị tỷ phú này khẳng định người thành công đều có 4 chữ thức - Ảnh 3.

Trong danh sách 500 doanh nghiệp nội địa Trung Quốc hàng đầu năm ngoái, Zhengwei - công ty của ông đứng thứ 4

Nhờ tầm nhìn kinh doanh chính xác của mình, Tập đoàn Zhengwei ngày nay đã mở rộng quy mô với hơn 30.000 nhân viên và doanh thu một năm là 691,9 tỷ nhân dân tệ. Trong danh sách 500 doanh nghiệp nội địa Trung Quốc hàng đầu năm ngoái, Zhengwei đứng thứ 4, trở thành một gã khổng lồ thực sự. Ngoài ra, tài nguyên khoáng sản của Zhengwei cũng có giá trị hàng chục nghìn tỷ nhân dân tệ. Vương Văn Ngân không chỉ đạt được đỉnh cao trong sự nghiệp mà tài sản cá nhân của anh cũng lên tới 13,2 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ 161 trong danh sách những người giàu nhất thế giới, và còn được gọi là "tỷ phú tàng hình".

Bàn về bí quyết thành công , Vương Văn Ngân từng nói: "Con người trước hết phải có 'thường thức', kiến thức mà hầu hết mọi người đều biết chính là thường thức; thông qua học tập và tích lũy không ngừng, hình thành nên 'học thức'; sau đó thông qua kinh nghiệm phong phú, hình thành nên 'kiến thức'; trong quá trình làm việc, hình thành nên 'đảm thức' (tinh thần dám mạo hiểm); chỉ khi hội tụ đủ cho bản thân 4 cái ‘thức’ này, sau cùng mới có thể được mọi người ‘thưởng thức’ (đánh giá cao)".

(Sohu)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm