Cuộc họp HĐQT của Eximbank cuối cùng đã chính thức khép lại sau những "trục trặc" tranh đấu của các nhóm cổ đông nhà băng này.
Thành viên HĐQT được bầu ra phần nào tiết lộ danh tính "các ông bà chủ" của Ngân hàng, bao gồm những cái tên như Thành Công Group, Ngân hàng Nam Á, Bamboo Capital...
Trong số các cổ đông bỏ phiếu cho bà Lê Hồng Anh và ông Trần Phong Trúc Đại, ngoài Tập đoàn Thành Công, Hợp tác xã cổ phần Thành Công, cổ đông ngoại MR Exim Investments còn có một doanh nghiệp không mấy tên tuổi là Công ty xuất nhập khẩu tổng hợp 1 Việt Nam (TH1).
Công ty này đã mua hơn 13 triệu cổ phiếu Eximbank từ năm 2012 và có một câu chuyện kinh doanh sau đó cũng "chìm" không khác gì hoạt động của Eximbank.
Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp I Việt Nam (GENERALEXIM) tiền thân là doanh nghiệp nhà nước được thành lập từ tháng 12 năm 1981, với tên gọi ban đầu là Công ty Xuất nhập khẩu Tổng hợp I, trực thuộc Bộ Ngoại thương. Tháng 05/2006, Công ty chính thức chuyển đổi thành Công ty cổ phần.
Năm 2009, Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp I Việt Nam (TH1) niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội (HNX) với giá đóng cửa phiên đầu tiên gần 70.000 đồng/cổ phiếu nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng và tiềm năng tăng trưởng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Nhưng sau khi lên sàn, TH1 thua lỗ nhiều năm liên tiếp và bị hủy niêm yết bắt buộc tại HNX, chuyển sang giao dịch hạn chế tại sàn UPCOM từ năm 2018.
Năm 2012, lợi nhuận sau thuế của Công ty rất khiêm tốn ở mức 11 tỷ đồng, với hệ số ROA, ROE èo uột hơn lần lượt hơn 1% và hơn 3%. Con số lợi nhuận này tiếp tục giảm dần cùng với tình hình kinh doanh khó khăn.
Ba năm tiếp theo từ 2015 đến 2017 một loạt khủng hoảng xảy ra: Lợi nhuận âm nặng 3 năm liên tiếp, các khoản vay nợ Ngân hàng quá hạn và rủi ro không đủ khả năng thanh toán.
Những nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn của Công ty giai đoạn đó có thể kể đến:
(i) Khoản phải thu không có khả năng thu hồi
(ii) Giá mặt hàng kinh doanh nông sản gặp biến động theo chiều hướng tiêu cực
(iii) Sử dụng nợ vay lớn, dẫn đến "quá hạn" nghĩa vụ trả nợ với Ngân hàng khi hoạt động kinh doanh và dòng tiền gặp khó, hậu quả khó càng thêm khó, chi phí lãi vay tăng cao do lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn.
Đáng nói là trong năm 2015 và 2016, chính khoản đầu tư vào cổ phiếu EIB đã góp phần kéo tổng lợi nhuận của Công ty xuống với mức lỗ khi cuối năm đánh giá lại giá trị khoản đầu tư theo giá thị trường là gần 19 tỷ đồng và hơn 47 tỷ đồng.
Mức giá giao dịch cổ phiếu EIB tại ngày 31/12/2016 là 10,6 nghđ/cổ phiếu, mức giảm sâu nhất từ năm 2012.
Tuy nhiên, sang năm 2017, giá cổ phiếu EIB đã hồi phục và không còn trở thành "gánh nặng" của Công ty nhưng tình hình kinh doanh của TH1 vẫn chìm trong khó khăn. Tại ngày 31/12/2017, lỗ luỹ kế của công ty hơn 276 tỷ đồng, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 220 tỷ đồng, toàn bộ các khoản vay Ngân hàng đã quá hạn thanh toán, các khoản nợ quá hạn không có khả năng thu hồi tăng... Kiểm toán đưa ra ý kiến "nghi ngờ" về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.
Từ năm 2018 đến 2020, hoạt động kinh doanh của Công ty đã đỡ lỗ hơn, có sự đóng góp tích cực của diễn biến giá cổ phiếu EIB. Đặc biệt năm 2020, khi đánh giá lại giá trị cổ phiếu EIB cuối năm, lợi nhuận chênh lệch giữa thị giá và giá ghi sổ là gần 85 tỷ đồng, tương ứng với mức giá 19 nghđ/cổ phiếu EIB vào 31/12/2020.
Kể từ khi gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh và lâm vào tình trạng mất thanh khoản, TH1 đã phải sử dụng nhiều biện pháp để "chống đỡ" với các chủ nợ Ngân hàng, trong đó có việc giao ra số cổ phiếu EIB đang sở hữu.
Ngày 23/08/2018, Công ty và Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Á - chi nhánh Hà Nội đã ký một thoả thuận nhận tài sản đảm bảo để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của Công ty với Ngân hàng.
Theo thông tin tra cứu giao dịch bảo đảm, Công ty TH1 đã thế chấp 6 triệu cổ phần EIB đảm bảo cho nghĩa vụ với Ngân hàng Việt Á từ năm 2016. Như vậy, có thể hiểu, 6 triệu cổ phần EIB là tài sản bảo đảm cho khoản vay đã được Việt Á ký thoả thuận xử lý vào tháng 8 năm 2018 khi giá cổ phiếu có xu hướng lên và TH1 không có khả năng trả nợ theo cam kết?
Với thị giá 14,1 nghìn đồng/cổ phiếu, 6 triệu cổ phiếu EIB tương đương 84,6 tỷ đồng, so với dư nợ gốc được hạch toán trên BCTC của TH1 tại 31/12/2017 là gần 20 tỷ (chưa tính đến các khoản lãi, lãi chậm nộp, phạt,...).
Một điều chưa rõ ràng là trên BCTC trình bày: "Theo xác nhận công nợ vay của Việt Á thì số dư nợ gốc của khoản vay này tại ngày 31/12/2020 là 0 đồng, tuy nhiên theo quy định trong thoả thuận thì Việt Á được quyền đơn phương chấm dứt thoả thuận này và yêu cầu Công ty thanh toán đầy đủ các nghĩa vụ tài chính có liên quan nếu Công ty vi phạm các nghĩa vụ quy định tại thoả thuận này".
Thực tế, trên BCTC 2020 đến ngày 31/12/2020 vẫn tồn tại dư nợ của Ngân hàng Việt Á, đồng thời công ty hạch toán cổ phiếu EIB với giá gốc là gần 163 tỷ đồng, giá hợp lý là 248 tỷ đồng, đem lại cho công ty khoản lợi nhuận tài chính gần 85 tỷ đồng.
Năm 2021, theo BCTC Công ty công bố (chưa được kiểm toán), Công ty đã có một cú "lội ngược dòng" thành công khi lợi nhuận sau thuế đột ngột tăng lên 251 tỷ đồng, có hai nguyên nhân được giải thích là do giảm chi phí lãi vay và lãi từ kinh doanh chứng khoán.
Trong năm 2021, chứng khoán kinh doanh của Công ty có các mã như BTS, POW, KSH, NLG,..
Điều đáng nói là so với BCTC năm 2020, cổ phiếu EIB đã có sự thay đổi về giá trị theo giá gốc từ gần 163 tỷ đồng xuống còn gần 145 tỷ đồng, điều này có nghĩa một lượng cổ phiếu EIB đã được bán ra trong năm? Vì đây là tài sản thế chấp của Ngân hàng Việt Á nên việc giao dịch này có lẽ theo sự đồng thuận của hai bên và cổ phiếu giải chấp bán ra đã được dùng để thực hiện nghĩa vụ nợ.
Cùng với lợi nhuận sau thuế tăng đột biến, rất nhiều chỉ số tài chính của TH1 đến cuối năm 2021 được cải thiện: vốn chủ sở hữu dương 53 tỷ đồng, lỗ luỹ kế giảm còn 131 tỷ đồng, hệ số thanh toán hiện hành được cải thiện (tăng lên 0.81)
Với mức giá đạt đỉnh trong năm 2021, cổ phiếu EIB đã góp phần "giải cứu" TH1 khi công ty đứng trước bờ vực khi mà với kết quả kinh doanh bết bát trong nhiều năm, đến 2020, kiểm toán đã "không thể đưa ra ý kiến" với BCTC của Công ty.