Báo cáo Asia Pacific Tracker 2021 của JLL cho biết, năm qua thị trường bất động sản thương mại ở khu vực châu Á Thái Bình Dương đang hút dòng vốn mạnh mẽ dù đây là thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát các biến chủng mới.
Trong năm qua, khu vực này đã thu hút 177 tỷ USD đầu tư trực tiếp vào bất động sản văn phòng, bán lẻ, logistics, trung tâm dữ liệu..., tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Diễn biến này đánh dấu cột mốc các dòng vốn đang quay trở lại thị trường ở mức rất cao, tương đương với giai đoạn cuối năm 2019, tức trước khi đại dịch bùng phát. Các thị trường tăng trưởng dẫn đầu gồm: Australia, Trung Quốc và Nhật Bản với khả năng phục hồi liên tục.
Ông Stuart Crow, Tổng giám đốc Capital Markets châu Á Thái Bình Dương đánh giá, sự phục hồi của bất động sản khu vực này được củng cố vững chắc trong năm 2021 khi các nhà đầu tư đổ thêm vốn vào thị trường và thể hiện sự tin tưởng lâu dài vào thị trường tài sản. Thông qua các cuộc khảo sát, các nhà đầu tư tiềm năng tiết lộ sẽ tăng cường tiếp cận thị trường bất động sản châu Á Thái Bình Dương vào năm 2022 với sự tập trung vào các giao dịch lớn hơn.
Australia là quốc gia thu hút đầu tư lớn nhất trong khu vực với số tiền 35 tỷ USD trong năm 2021, cao hơn 170% so với năm trước. Thị trường này được thúc đẩy bởi sự gia tăng đầu tư các giao dịch nền tảng logistics với mức vốn đầu tư cao kỷ lục là 9,3 tỷ USD, bao gồm cả thương vụ ESR và GIC mua danh mục Milestone từ Blackstone với giá 3,8 tỷ AUD (tương đương 2,7 tỷ USD).
Các khoản đầu tư vào văn phòng và bán lẻ cũng tăng trở lại, được thể hiện qua các giao dịch ký kết của tòa tháp khu phố Melbourne của Quỹ hưu trí quốc gia Hàn Quốc và việc mua lại 50% của Link Reit đối với ba tài sản bán lẻ ở Sydney.
Tại Trung Quốc, giao dịch bất động sản năm 2021 tăng 21%, đạt 39 tỷ USD nhờ hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, logistics và trung tâm dữ liệu. Việc niêm yết 13 quỹ ủy thác đầu tư bất động sản thí điểm (REITs) đã được các nhà đầu tư đón nhận tích cực và thể hiện một bước tiến nữa trong thị trường bất động sản tại quốc gia này.
Đầu tư trực tiếp vào bất động sản Nhật Bản đạt 41 tỷ USD trong năm, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đây vẫn là lượng vốn lớn so với mặt bằng chung của khu vực châu Á Thái Bình Dương. Về thị trường văn phòng, giao dịch đáng chú ý là việc bán và cho thuê lại trụ sở công ty quảng cáo Dentsu ở Tokyo trị giá 2,8 tỷ USD.
Năm 2021, các khoản đầu tư vào logistics đạt 48 tỷ USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng gấp đôi vốn phân bổ kể từ năm 2019. Nhà đầu tư quan tâm nhiều đến các thương vụ lớn hơn 300 triệu USD, từ dữ liệu thống kê cho thấy tổng vốn triển khai vào lĩnh vực này tăng gấp bốn lần trong hai năm qua. JLL dự đoán lãi suất sẽ tăng - do tốc độ tăng trưởng cho thuê mạnh mẽ ở châu Á Thái Bình Dương và các nhà đầu tư mong muốn tái định vị danh mục đầu tư của họ hơn nữa - bất kể lợi suất logistics có thể giảm.
Bất động sản văn phòng tiếp tục có dấu hiệu phục hồi khi các nhà đầu tư triển khai thêm 74 tỷ USD năm 2021, tăng 17% so với năm 2020. Diễn biến này cho thấy đây vẫn là loại tài sản bất động sản có tính thanh khoản cao nhất thị trường châu Á Thái Bình Dương. Đơn vị này dự báo tỷ lệ quan tâm đến thị trường văn phòng sẽ tăng 20-30% vào năm 2022 khi giá thuê và công suất thuê ổn định và các nhà đầu tư tập trung vào chất lượng, sức khỏe và an toàn khi đầu tư vào các tòa nhà hạng A.
Sự phục hồi về chi tiêu của người tiêu dùng đã tạo sức hút đối với tài sản bán lẻ trong khu vực vào năm 2021. Giao dịch bán lẻ tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái, dẫn đến 36 tỷ USD giao dịch, do thói quen tiêu dùng và lợi suất hấp dẫn đã truyền cảm hứng cho nhà đầu tư.
Ngoài ra, sự khôi phục dần của ngành du lịch xuyên biên giới và cái nhìn dài hạn hơn các nhà đầu tư có đối với lĩnh vực này đã khiến số vốn đổ vào thị trường khách sạn đạt 8,5 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2020. Theo đơn vị này, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia chiếm 82% tổng lượng vốn của thị trường khách sạn.
Bà Regina Lim, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Thị trường Vốn châu Á Thái Bình Dương JLL cho biết, các nhà đầu tư đang tận dụng lợi nhuận hấp dẫn từ khu vực này và sẵn sàng chấp nhận một số rủi ro để đa dạng hóa danh mục đầu tư. Với thị trường chứng khoán có tính thanh khoản cao kỷ lục và nhu cầu ngày càng mở rộng, lượng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản khu vực này hứa hẹn sẽ vượt mốc 200 triệu USD trong năm 2022.