Mùa dịch chuyển của người Mỹ đã chính thức bắt đầu. Bất chấp lạm phát tăng và nguy cơ dịch bệnh, vào dịp cuối tuần trên những con đường cao tốc vẫn rền vang tiếng nẹt bô xe máy. Gần 40 triệu người Mỹ đi du lịch bằng đường bộ, tăng 8,3% so với 1 năm trước. Điều này xảy ra trong khi giá xăng tăng 50% so với năm ngoái, mà nguyên nhân giá tăng là do áp lực ngày càng tăng đối với ngành lọc dầu trên toàn cầu.
Trong thời kỳ bình thường, lọc dầu là mảng kinh doanh có lợi nhuận thặng dư thấp và ít biến động hơn, ít chịu tác động chính trị hơn nhiều so với các công đoạn khác như sản xuất và bán lẻ. Thông thường các công ty lọc dầu kiếm được lợi nhuận từ 5 đến 10 USD trên mỗi thùng dầu và họ thường xuyên trải qua những thời kỳ không lợi nhuận. Tuy nhiên, lần này lọc dầu lại đang đóng vai trò quan trọng. Lợi nhuận thăng dư của nhiều công ty tăng lên, và những "nút thắt cổ chai" trong ngành đang khiến giá xăng thế giới tăng mạnh.
3 lý do khiến lọc dầu được chú ý
Có 3 yếu tố lý giải tại sao lọc dầu đang thu hút được nhiều sự chú ý. Đầu tiên là các nền kinh tế phát triển lâu nay đã mạnh tay cắt giảm dòng vốn đầu tư vào lọc dầu. Với nhu cầu về dầu ở các nước phát triển được dự báo sẽ giảm xuống trong 2 thập kỷ tới, các nhà đầu tư không sẵn sàng chi hàng tỷ USD cho những nhà máy hay cơ sở vật chất có nguy cơ trở thành những tài sản bị bỏ hoang trong tương lai. Bên cạnh đó, lọc dầu vẫn bị coi là ngành gây ô nhiễm môi trường, trong khi khắp nơi trên thế giới đang chuyển hướng sang các loại năng lượng xanh hơn, sạch hơn.
Hiện nếu loại trừ Trung Quốc và Trung Đông là 2 nơi duy nhất đang tăng công suất, công suất lọc dầu của toàn thế giới đã giảm khoảng 3 triệu thùng mỗi ngày kể từ đầu đại dịch, theo Alan Gelder, chuyên gia của công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie.
Một yếu tố khác ảnh hưởng đến ngành lọc dầu là chính sách của các nước. Thông thường Trung Quốc là nước xuất khẩu ròng các sản phẩm lọc dầu, có thị trường xuất khẩu chính là các nước châu Á. Tuy nhiên trong nỗ lực chống lại ô nhiễm môi trường và đạt các mục tiêu về biến đổi khí hậu, năm nay Trung Quốc đã cắt giảm hơn 50% hạn ngạch xuất khẩu xăng, dầu máy bay và một số sản phẩm khác của các công ty lọc dầu lớn.
Theo kế hoạch chính thức, Trung Quốc dự định vào năm 2025 sẽ ngừng xuất khẩu các sản phẩm lọc dầu chứa nhiều carbon. Nhưng kết quả lại ngược lại: nước này đang chiếm khoảng 7% công suất dư thừa của toàn thế giới, trong khi phần còn lại của thế giới rất khát nhiên liệu vận chuyển.
Yếu tố thứ 3 và cũng là yếu tố quan trọng nhất: xung đột ở Ukraine và các lệnh cấm vận áp đặt lên hoạt động xuất khẩu dầu. Mỹ và Anh cấm vận dầu Nga, EU thông báo cấm 1 phần dầu thô nhập khẩu, trong đó có cả lệnh cấm các sản phẩm lọc dầu. Những tác động là chưa rõ ràng. Theo thống kê sơ bộ, Nga hiện xuất khẩu nhiều dầu thô hơn cả trước khi thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine. Nước này xuất khẩu nhiều nhất sang Ấn Độ, nước đang nhập khẩu nhiều hơn 700.000 thùng mỗi ngày so với trước sự kiện.
Tuy nhiên khi nhìn vào các sản phẩm lọc dầu, các lệnh cấm vận ảnh hưởng khá mạnh đến thị trường. Theo Natasha Keneva, chuyên gia của JPMorgan Chase, lượng dầu đã lọc mà Nga xuất đi giảm 500.000 thùng mỗi ngày.
Richard Joswick, chuyên gia làm việc tại S&P Global, nhận định thế giới đang trải qua tình trạng chưa từng có tiền lệ. "Chúng ta dư thừa công suất, nhưng chủ yếu là ở Trung Quốc và Nga. Do đó thị trường vẫn thiếu hụt nguồn cung".
Trong ngắn hạn tình trạng sẽ chưa thể cải thiện. Mùa mưa bão ở Đại Tây Dương sắp đến và được dự báo sẽ mạnh hơn bình thường, đe dọa buộc các nhà máy lọc dầu ở vịnh Mexico phải đóng cửa. Một yếu tố khác là lệnh cấm vận dầu Nga của châu Âu. Nếu áp dụng mạnh tay, khu vực châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nặng.
Các yếu tố cung cầu vẫn tác động đến thị trường. Cuối cùng giá xăng tăng mạnh sẽ dẫn đến nhu cầu giảm nhẹ, và còn dẫn đến cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng và từ đó cân bằng cán cân cung cầu.
Xu hướng dịch chuyển trong dòng chảy thương mại cũng có thể giúp ích cho châu Âu. Ví dụ, các công ty lọc dầu Ấn Độ đang biến cuộc khủng hoảng dầu toàn cầu thành cơ hội, tận dụng thời cơ để trở thành "trung tâm lọc dầu cho châu Âu". Vài nhà máy lọc dầu lớn sẽ sớm đi vào hoạt động ở Kuwait và Saudi Arabia, giúp bù đắp nguồn cung.