Doanh nghiệp

‘Người hùng ngành gas’, triệu phú tuổi 35 và chuyện khởi nghiệp của ông chủ Saigon Books

Đầu tháng 6 vừa qua, công ty Cổ phần Văn hóa Sách Sài Gòn - Saigon Books kỷ niệm sinh nhật lần thứ 6. Đó cũng là 6 năm mà ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, doanh nhân từng được ca ngợi là “người hùng ngành gas” thử thách bản thân mình trong một vai trò hoàn toàn mới – người sáng lập và điều hành startup.

“Thật ra, 6 năm trước, tôi mơ mộng và liều mạng khi lập ra Saigon Books”, ông Quỳnh chia sẻ trên trang cá nhân.

Ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, một đồng nghiệp đã nói với ông Quỳnh rằng: "Anh không thể kiếm được nhiều tiền từ ngành này đâu. Nên nếu mục tiêu là làm giàu, anh nên chọn ngành khác. Giá trị từ nghề làm sách không phải là tiền".

Khi đó, nhà sáng lập Saigon Books cười và tin rằng “ngoài giá trị tinh thần to lớn từ sách, tôi vẫn có thể làm ra tiền được, dù có thể không nhiều”.

“Sau 6 năm, tôi thừa nhận, bạn đồng nghiệp mình đã nói đúng. Nhưng với những gì đã trải qua, trong 3 năm tới, tôi sẽ phải thay đổi nhận định này. Tôi muốn mình và đồng nghiệp - phải lao động, sáng tạo để sống tốt với nghề xuất bản sách và những công việc có liên quan”, ông Quỳnh nói.

‘Người hùng ngành gas’, triệu phú tuổi 35 và chuyện khởi nghiệp của ông chủ Saigon Books - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh – đồng sáng lập và Chủ tịch Saigon Books.

“Người hùng ngành gas” và chuyện trở thành triệu phú ở tuổi 35

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh sinh năm 1972, có bằng tiến sĩ ngành quản trị kinh doanh và từng là sinh viên xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học Đại học Kinh tế TP HCM.

Sau khi ra trường, ông Quỳnh chấp nhận vị trí thấp nhất trong phòng kinh doanh của Saigon Petro. Đến năm 2001, ông được bổ nhiệm làm phó trưởng phòng kinh doanh gas. Khi đó, việc kinh doanh gas của Saigon Petro rất khó khăn, một số nhân sự ra ngoài lập công ty riêng cạnh tranh trực tiếp, một số về làm công ty khác. Saigon Petro mất thị trường, sản lượng kinh doanh giảm 40%.

Được bàn giao công việc đúng thời điểm đầy “sóng gió” nhưng Nguyễn Tuấn Quỳnh không bỏ cuộc. Ông kiên trì gặp gỡ tất cả khách hàng từ Cà Mau đến Đà Nẵng, lắng nghe ý kiến góp ý của khách hàng và điều chỉnh chính sách kinh doanh. Nhờ những chính sách minh bạch và coi khách hàng là “đối tượng cùng chiến tuyến”, Saigon Petro từng bước vực dậy và chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam.

Bước ngoặt trong cuộc đời ông Quỳnh đến vào năm 2005 khi quỹ đầu tư Mekong Capital quyết định mua trên 26% cổ phần của Saigon Gas với giá 42.000 đồng/cổ phiếu. Họ yêu cầu Saigon Gas phải tìm được người giỏi trên thị trường về kinh doanh bán lẻ. Và Nguyễn Tuấn Quỳnh là người được “chọn mặt gửi vàng”. Ông đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc Saigon Gas với điều kiện phải đưa công ty lên Top 5 nhà bán lẻ gas trong 3 năm cùng ưu đãi được mua 20% cổ phần giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Sau hai năm quản lý kinh doanh, ông Quỳnh đã đưa Saigon Gas từ vị thế khó khăn thành một trong những tên tuổi hàng đầu trên thị trường gas Việt Nam. Bản thân doanh nhân này cũng được ca ngợi là “người hùng ngành gas”.

"Tôi từng được đánh giá là một trong số người điều hành kinh doanh gas giỏi nhất thị trường thời điểm đó, năm 35 tuổi", ông Quỳnh chia sẻ trong chương trình CEO - Chìa khóa thành công.

Năm 2007, Saigon Gas được bán lại cho Total Gas, ông Quỳnh quyết định ra đi, bán toàn bộ cổ phần và thu về 1,2 triệu USD.

‘Người hùng ngành gas’, triệu phú tuổi 35 và chuyện khởi nghiệp của ông chủ Saigon Books - Ảnh 2.

Theo ông chủ Saigon Books, khởi nghiệp đã giúp ông “bớt ảo tưởng về sức mạnh của bản thân”. Ảnh: FBNV


Bỏ các doanh nghiệp lớn để khởi nghiệp ở tuổi 44

Sau nhiều năm gắn bó với ngành kinh doanh gas, ông Quỳnh chuyển hướng sang một lĩnh vực hoàn toàn mới khi gia nhập công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ. 5 năm ở vị trí Phó Tổng giám đốc PNJ, Nguyễn Tuấn Quỳnh nghỉ việc vì “tự thấy mình không phải là người yêu thích nữ trang, nên tôi nghĩ phải bước sang một bên để nhường cơ hội cho người khác thích hợp hơn”.

Ông Quỳnh sau đó đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc công ty cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn SFC, rồi đến Tổng Giám đốc Alphabooks. Chính thời gian làm việc tại Alphabooks giúp ông Quỳnh nhận ra niềm đam mê với sách. Và sau 22 năm làm việc cho các doanh nghiệp nhà nước cũng như các công ty lớn, ông quyết định khởi nghiệp với Saigon Books ở tuổi 44.

“Đã tới lúc mình phải thay đổi vì mình muốn thêm trải nghiệm. Mình may mắn quá nên cũng muốn có những đóng góp một cách thiết thực”, ông Quỳnh chia sẻ về lý do khởi nghiệp trong talkshow Nguy - Cơ.

Nhà sáng lập Saigon Books nhận được rất nhiều những lời can ngăn khi đầu tư vào lĩnh vực sách. Thậm chí một người anh còn nói với ông Quỳnh rằng “Tao chống mắt tao đợi lúc mày phá sản, rồi tao cho mày vay ít tiền để mày sống qua ngày”. Thế nhưng những lời can ngăn lại càng khiến doanh nhân này quyết tâm hơn.

Giống như nhiều startup, con đường khởi nghiệp của Nguyễn Tuấn Quỳnh không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng. Năm 2018, Saigon Books bắt đầu đối mặt với khủng hoảng. Nguồn vốn cạn kiệt khiến công ty phải vay thêm từ ngân hàng, trong khi đó sách bán chậm và tồn kho. Lợi nhuận không thấy đâu, công ty bắt đầu thua lỗ.

"Tiền bán sách phải sau 3-6 tháng mới về đến công ty. Tiền vốn khó khăn. Nhân viên chán nản, nhiều người đã xin nghỉ việc. Kế hoạch xuất bản ngày càng trì trệ. Tôi đã hết sức hoang mang. Công ty phá sản không chỉ là vấn đề tài chính mà đó còn là uy tín tôi gây dựng trong hơn 20 năm qua", ông Quỳnh nói trong chương trình CEO - Chìa khóa thành công.

Điều đó khiến ông chủ Saigon Books tiến hành cải tổ doanh nghiệp một cách toàn diện. Đến hết năm 2018, công ty đã đạt mục tiêu hòa vốn.

“Tôi không giỏi như mình nghĩ”

Chia sẻ trong talkshow Nguy - Cơ, ông Quỳnh cho biết việc khởi nghiệp đã giúp ông nhận ra nhiều điều.

“Đầu tiên là sự ảo tưởng về bản thân. Từ xưa đến giờ, khi điều hành các doanh nghiệp lớn, mình thường được đánh giá là người thông minh, nhanh nhạy và các quyết định của mình thường rất chính xác. Khi thắng liên tục, bạn sẽ có những niềm tự hào. Và khi bạn có nhiều thành công nho nhỏ như vậy, bạn ảo tưởng vào sức mạnh của bản thân, nghĩ mình giỏi rồi”, doanh nhân 50 tuổi bộc bạch.

Khi khởi nghiệp, ông Quỳnh mới thấy “sao mình sai nhiều quá”. “Quyết định sai tới mức mà nhiều khi nhân viên bức xúc quá, gặp mình nói rằng ‘Em không nghĩ anh lại dở đến như vậy’”, Chủ tịch  Saigon Books kể.

Nhờ đó, ông Quỳnh nhận ra rằng “ngày xưa khi làm ở doanh nghiệp lớn, có bộ máy, có các quy định, thường nhân viên sẽ đề xuất phương án A hoặc phương án B. Nếu hiểu biết một chút thì mình sẽ đưa ra phương án C. Phương án C đó hiệu quả hơn và nó tốt. Nhân viên trầm trồ vỗ tay ‘Sếp thông minh, sếp giỏi quá’”.

Tuy nhiên, khi startup, “mình không có được đội ngũ tham mưu như vậy, tất cả mọi thứ đều phải tự làm. Mình đưa ra một phương án D và phương án này còn tệ hơn những phương án A, B mà nhân viên ngày xưa đưa cho nữa”.

“Tôi nhận ra là mình không giỏi như mình nghĩ, không xuất sắc cũng không thông minh như mình nghĩ”, ông Quỳnh nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Saigon Books, nhờ khởi nghiệp ông cũng hiểu thêm về tính cách của mình. Khi bắt đầu startup - với tâm thế của một tổng giám đốc doanh nghiệp, công ty lớn đã quen “xài tiền tỷ”, có ngân sách chăm sóc cho nhân viên - ông vẫn giữ thói quen như vậy.

“Đầu tiên dự định là sẽ đầu tư 5 tỷ đồng thôi, hết 5 tỷ rồi mà không thành công thì nghỉ. Nhưng 5 tỷ hết vèo cũng không thể dừng được, tiếp tục bỏ thêm 5 tỷ rồi 5 tỷ nữa và tiếp tục phải thế chấp tài sản để công ty có vốn hoạt động”, ông Quỳnh nhớ lại.

“Rất may sau đó tôi có được những cộng sự tốt hơn mình trong việc quản lý dòng tiền, quản lý tài chính”, ông Quỳnh nói. “Bạn không thể mang những thói quen cũ vào trong hoàn cảnh của startup. Khi bạn startup, cái quan trọng là quản lý chặt dòng tiền, phải rất tiết kiệm".

“Ngày ấy – Bây giờ” là series bài viết kể về hành trình phát triển sự nghiệp của những nhân vật nổi bật trong giới kinh doanh, khởi nghiệp và công nghệ tại Việt Nam. Những câu chuyện cùng chủ đề sẽ được đăng tải trên NDH.VN vào sáng thứ 7 hàng tuần.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm