Tài chính

Từng bị "bỉ bôi" nhưng những cổ phiếu này đang tạo ra cơn sốt ở Phố Wall, nhà đầu tư tranh giành sợ bỏ lỡ món hời

Từng bị "bỉ bôi" nhưng những cổ phiếu này đang tạo ra cơn sốt ở Phố Wall, nhà đầu tư tranh giành sợ bỏ lỡ món hời - Ảnh 1.

ẢNH: WASTE MANAGEMENT

Mục tiêu xanh hoá nền kinh tế của chính quyền Mỹ đang biến rác thành kho báu và thúc đẩy các công ty xử lý rác thải của Mỹ.

Sau khi Tổng thống Biden ký dự luật về khí hậu, chăm sóc sức khoẻ và thuế vào tháng 8/2022, cổ phiếu các công ty lớn nhất trong ngành kinh doanh phế liệu Mỹ như Waste Management (WM) và Republic Services giao dịch ở mức cao kỷ lục. Những cổ phiếu này đang là lựa chọn phổ biến ở Phố Wall để thúc đẩy phát triển bền vững.

Nhà phân tích Michael Hoffman tại ngân hàng đầu tư Stifel cho biết: “Các doanh nghiệp này đang có một vị thế phi thường. Xử lý rác sẽ trở thành ngành dẫn đầu”.

Từng bị "bỉ bôi" nhưng những cổ phiếu này đang tạo ra cơn sốt ở Phố Wall, nhà đầu tư tranh giành sợ bỏ lỡ món hời - Ảnh 2.

Hiệu suất giá cổ phiếu của WM và Republic Services so với S&P 500. Nguồn: FactSet

Những nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính và tái sử dụng vật liệu mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho các bãi chôn lấp rác. Vì rác thải có thể được dùng để tạo ra năng lượng hoặc phục vụ cho nền kinh tế xanh thông qua các sản phẩm tái chế như vỏ chai, thùng các tông.

WM và Republic đang xây dựng các nhà máy để tách khí mê-tan bốc lên từ rác thải, sau đó đưa vào sử dụng trong các nhà máy điện, lò nung và nhà bếp. Họ cũng trang bị cho các cơ sở tái chế công nghệ mới phân loại và xử lý rác tốt hơn để bao bì hàng tiêu dùng không bị thải ra môi trường.

Chủ các bãi chôn lấp rác dự đoán thu về hàng trăm triệu USD lợi nhuận từ nhu cầu đối với vật liệu tái chế và đãi ngộ thuế. Giám đốc Jon Vander Ark của Republic Services cho biết: “Trước đây, chúng tôi nghĩ rằng tăng trưởng doanh thu 5%/năm, còn hiện tại, chúng tôi đang ở mức hai con số”.

Republic có 206 bãi chôn lấp rác đang hoạt động. Công ty này đã liên doanh với một đơn vị của tập đoàn dầu khí BP để xây dựng các nhà máy khí đốt rác thải. Một số sẽ cung cấp khí đốt vào đường ống chung, một số sản xuất điện để hoà vào mạng lưới. Ngoài ra, Republic còn chi khoảng 275 triệu USD để xây dựng 4 cơ sở xử lý polyme, biến chúng thành chai nhựa mới.

Nhà máy nhựa đầu tiên của Republic dự kiến khai trương vào cuối năm nay tại Las Vegas. Ông Vander Ark cho biết: “Khách hàng đang tranh giành nhau xem ai nhận được gì”.

Giám đốc phát triển bền vững Tara Hemmer của WM cho biết: “Mặc dù có tác động theo từng năm, nhưng hoạt động tái chế vẫn mang lại lợi nhuận. Đây vẫn là một trong những khoản đầu tư mang lại tỷ lệ sinh lời trên vốn đầu tư cao nhất của chúng tôi”.

WM vận hành hơn 250 bãi chôn lấp và có kế hoạch chi 1,2 tỷ USD trong 4 năm để bổ sung 20 nhà máy khí đốt rác; 1 tỷ USD để mở rộng cũng như tự động hoá hoạt động kinh doanh sản phẩm tái chế của mình.

Công ty cho biết các khoản đầu tư tái chế sẽ mang về thêm 240 triệu USD lợi nhuận sau 4 năm tới. WM cho biết họ sẽ tăng gấp 8 lần sản lượng khí đốt từ rác thải và thu về thêm hơn 500 triệu USD doanh thu trước thuế từ nay cho đến năm 2026.

Từng bị "bỉ bôi" nhưng những cổ phiếu này đang tạo ra cơn sốt ở Phố Wall, nhà đầu tư tranh giành sợ bỏ lỡ món hời - Ảnh 3.

ẢNH: WASTE MANAGEMENT

Dự luật về khí hậu vào năm ngoái đã khiến cho tính kinh tế của khí đốt từ rác thải hấp dẫn hơn. Một đề xuất của liên bang cung cấp các khoản tín dụng bổ sung cho các dự án khí sinh học sản xuất năng lượng cho xe điện có thể giúp ngành xử lý rác thải của Mỹ nhận thêm được nhiều ưu đãi hơn.

Nhà phân tích Jerry Revich của Goldman Sachs đánh giá: “Khí đốt từ bãi chôn lấp rác về cơ bản là nhiên liệu sinh học duy nhất có thể phát triển mà không phải đánh đổi thực phẩm để lấy nhiên liệu”.

Tham khảo WSJ

Cùng chuyên mục

Đọc thêm