Doanh nghiệp

Tuấn "hai lúa" và hành trình thành "Tuấn tỉ phú" trên cánh đồng 500 ha

Tóm tắt:
  • Nguyễn Thanh Tuấn, nông dân Kiên Giang, phát triển cánh đồng 500 ha lúa trở thành tỉ phú sau 25 năm canh tác.
  • Ông Tuấn cải tạo đất trũng phèn, từng khổ sở nhưng kiên trì trồng lúa với phương pháp hiện đại.
  • Sau nhiều thất bại với các giống lúa, ông áp dụng công nghệ và đổi mới tư duy sản xuất hiệu quả.
  • Ông chia cánh đồng thành từng khu nhỏ và sản xuất theo mô hình "domino" để kiểm soát bệnh tốt hơn.
  • Năm 2024, ông là Nông dân Việt Nam xuất sắc với lợi nhuận trên 15 tỉ đồng từ canh tác lúa.

Các cánh đồng ở ấp Lung Lớn, xã Kiên Bình từng là vùng trũng phèn, ai cũng ngại canh tác nên số người cố cựu ở vùng này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thế nhưng, ở xứ sở nổi tiếng rất khó làm ăn này lại có một cơ ngơi thật khác biệt. Không chỉ là căn nhà kín cổng cao tường mà cơ ngơi này còn có xưởng cơ khí, kho vật tư nông nghiệp, kho chứa lúa, nơi ăn ở của lao động. Đó là chính trang trại của Tuấn "hai lúa".

Làm giàu trên đất nghèo

Nhà ông Tuấn nằm ở đầu kênh K15, giáp kênh T5 (kênh Võ Văn Kiệt), ngoài biệt danh Tuấn "hai lúa", nhiều người còn gọi ông là Tuấn "tỉ phú". Bởi cùng với nhà cửa khang trang, ông còn là một đại điền, sở hữu cánh đồng lúa 500 ha. Mỗi lần đi thăm đồng, ông phải chạy xe mới có để giáp vòng.

Tuấn 'hai lúa' trên cánh đồng 500 ha - Ảnh 1.

Ông Tuấn không ngừng hiện đại hóa trên cánh đồng rộng 500ha

ẢNH: THANH DUY

Cánh đồng mẫu lớn của ông Tuấn được phân nhỏ nhiều ô như bàn cờ. Có khu đang chuẩn bị sạ, có khu mạ non xanh rì, có khu lúa đã trổ bông cong trái me. Một buổi chiều, có gần 20 chục lao động phun thuốc, bón phân, dặm lúa, lái máy cày, máy xới. Có của ăn của để, ông Tuấn lúa vẫn giản dị đúng chất nông dân miền Tây. Ông trân trọng gọi hạt lúa là hạt ngọc, vì để nó trĩu bông được trên đất trũng phèn, ông đã phải đánh đổi biết bao mồ hôi, nước mắt.

Gốc gác gia đình ông Tuấn ở An Giang. Khi vùng kinh tế mới Tứ giác Long Xuyên mở ra, cả nhà ông đến ấp Lung Lớn lập nghiệp. Sau thời gian làm đất lâm trường, năm 1999, ông Nguyễn Thanh Sơn (cha ông Tuấn) được Nhà nước giao khoán 700 ha đất. Cải tạo tới đâu, cha con ông trồng cây theo quy hoạch nguồn nguyên liệu của tỉnh tới đó.

Tuấn 'hai lúa' trên cánh đồng 500 ha - Ảnh 2.

Ông Tuấn bên một máy bay không người lái

ẢNH: THANH DUY

Bấy giờ, ông Tuấn đã hơn 20 tuổi nên nhớ rõ: "Thời điểm đó, kênh T5 mới đào xong ít năm nên tháo chua, rửa phèn chưa nhiều. Khi thủy triều rút, cặp mé sông, phèn đóng vàng như nghệ. Đất hoang hóa, bạc màu màu đã đành, lại còn lộn xộn vùng gò, lung, cát. Canh tác khó dữ lắm, trồng tràm èo uột, trồng mía thì trữ đường thấp, khóm không cho trái, còn trồng khoai mì thì chỉ toàn là xơ".

Trồng gì năng suất cũng thấp, phải lấy vốn bù lỗ nên vài năm sau gia đình ông Tuấn trả lại Nhà nước 200ha. Phần còn lại, cha con ông "liều" làm một cuộc chuyển đổi sang trồng lúa. Nhớ người xưa dạy "nhất nước, nhì phân", ông Tuấn ưu tiên thuê nhân công đào hệ thống mương nước như những mạch máu để xổ phèn, dẫn phù sa,. Từng khu đất được "bắt mạch" để bón phân, rải vôi bột ít hoặc nhiều cho cân bằng dinh dưỡng.

Tuấn 'hai lúa' trên cánh đồng 500 ha - Ảnh 3.

Canh tác trên cánh đồng rộng 500ha, ông Tuấn giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương

ẢNH: THANH DUY

Cải tạo đất xong, ông Tuấn không trồng lúa ngay mà "tắm đất" một thời gian dài. Cốt là cho phèn dịu, mặn giảm trong ngưỡng để an tâm trồng lúa. "Khi đó, nông nghiệp còn lạc hậu, thiết bị kiểm tra chưa có. Cha con tôi từng phải ngậm nước ruộng vào miệng để cảm nhận độ mặn. Cách này thì chính xác nên lúa sống thì ít mà cỏ năn, cỏ lác mọc lên thì nhiều. Chúng tôi đi nhổ cỏ mà lở loét hết chân tay", ông Tuấn nhớ lại.

"Hai lúa" canh tác kiểu "domino"

Ruộng đất nhiều nhưng phải ăn đong từng ngày, nhiều người cùng thời bỏ đi nơi khác làm ăn. Ông Tuấn vẫn trì chí, tìm cách bám trụ trên cánh đồng Lung Lớn. Rồi đất không phụ lòng người, khoảng năm 2006, những cây lúa cũng chịu "nhả ngọc" ổn định theo cách người nông dân mong cầu. Khi độ mặn được kiểm soát, ông Tuấn trồng nhiều giống lúa như IR50404, OM576, năng suất 4 - 5 tấn/ha, lợi nhuận chưa đáng kể là bao.

Tuấn 'hai lúa' trên cánh đồng 500 ha - Ảnh 4.

Một góc cánh đồng rộng 500 ha của ông Tuấn

ẢNH: THANH DUY

Để tối ưu năng suất, năm 2012, ông Tuấn chuyển sang trồng lúa nếp, nhưng rồi lỗ thê thảm. Sau đó, ông mạnh dạn làm lúa hữu cơ ST24, ST25, lại tiếp tục thất bại đắng cay. Ông Tuấn rút ra kinh nghiệm: "Một năm, tôi làm 3 vụ, canh tác đồng loạt nên phải thuê nhân công thu hoạch cùng một lúc. Ngay thời điểm giá sụt sát đáy cũng phải bấm bụng bán. Nguyên nhân lỗ thấu xương nằm ở chỗ mình bị động, vì không có cách nào dự trữ được số lượng lúa của 500ha".

Trăn trở điều này, ông Tuấn quyết định thay đổi cách làm ruộng truyền thống sang cánh đồng mẫu lớn hiện đại đúng chủ trương của Nhà nước. Việc đầu tiên là cơ giới hóa, chi tiền tỉ mua 2 máy bay không người lái (drone), 2 máy gặt đập liên hợp và 4 chiếc máy cày, máy xới. Bên cạnh đó, mạnh tay xây kho lúa với sức chứa khoảng 200 tấn, lò sấy công suất 80 tấn lúa/ngày. Tương ứng quy mô này, ông thuê khoảng 80 lao động địa phương tham gia các khâu sản xuất.

Tuấn 'hai lúa' trên cánh đồng 500 ha - Ảnh 5.

Ông Tuấn là một trong những nông dân xuất sắc nhất cả nước

ẢNH: THANH DUY

Tuy nhiên, cơ giới hóa mới là điều kiện cần, yếu tố làm nên bước ngoặt thành công của ông Tuấn là đổi mới tư duy sản xuất. Từ canh tác 3 vụ giảm còn 2 vụ cho đất phục hồi dinh dưỡng. Không đơn nhất mà linh hoạt giữa làm lúa hữu cơ và làm lúa sinh học. Nhất là hệ thống thủy lợi được thiết kế thông minh. Các trạm bơm chỉ có một tính năng duy nhất hoặc là bơm vào hoặc xả ra và nằm tách biệt hẳn hỏi để xổ phèn hiệu quả.

Đặc biệt, mặc dù đủ nhân công, ông Tuấn vẫn chia cánh đồng 500ha thành các khu nhỏ chỉ từ 20 - 40 ha để sản xuất theo mô hình "domino". Tức là, khu này xuống giống 2-3 ngày rồi mới tới khu khác, xoay vòng hết đồng là khoảng 1 tháng. Về lý do, ông Tuấn giải thích: "Cây lúa rất mẫn cảm, cách làm ngắt quãng giúp tôi biết được xu hướng bệnh là gì. Từ đó, mình có đủ thời gian để phòng ngừa, ngăn chặn cho những khu ruộng sau không rơi vào tình trạng lây lan thần tốc kiểu cuốn chiếu".

Tuấn 'hai lúa' trên cánh đồng 500 ha - Ảnh 6.

Cánh đồng rộng mênh mông nên mỗi lần thăm ruộng, ông Tuấn phải đi xe

ẢNH: THANH DUY

Mô hình domino được Tuấn "hai lúa" thực hiện hơn 10 năm và mang lại hiệu quả thấy rõ. Năm nay, với giống lúa Nhật (DS1), vụ hè thu ông thu hoạch trung bình 7 tấn/ha, vụ đông xuân 9 tấn/ha. Trừ hết chi phí, ông thu lợi nhuận hơn 15 tỉ đồng. Với cách trồng lúa hiệu quả trên đất phèn, ông Tuấn là người duy nhất của tỉnh Kiên Giang đoạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc cả nước năm 2024.


Các tin khác

Giá vàng thế giới tăng vọt

Vàng thế giới bước vào phiên giao dịch Mỹ ngày 30.4 đã tăng vọt trở lại sau đà giảm giá mạnh trước đó.

Nguyên nhân hình thành gai cột sống

Lão hóa, chấn thương, bệnh cột sống là những nguyên nhân thường gặp dẫn đến gai cột sống, gây đau nhiều và giảm vận động.

Ung thư phổi có di truyền không?

Tôi vừa sinh con thì phát hiện mắc ung thư phổi. Ung thư phổi có di truyền không, điều trị thế nào? (Thanh Lan, Quảng Bình)

Phá tan "cánh cửa thép" XUÂN LỘC

Cách đây 50 năm, quân và dân huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai đã cùng nhau làm nên chiến thắng Dầu Giây, một mắt xích quan trọng trong Đại thắng mùa xuân 1975

Chủ tịch EximBank lý giải nguyên nhân không chia cổ tức trong năm 2025

Theo ông Nguyễn Cảnh Anh, không chia cổ tức không phải là một dấu hiệu tiêu cực mà là một quyết định rất chủ động nhằm củng cố nền tảng tài chính vững chắc cho ngân hàng, để chủ động ứng phó với biến động thị trường và nắm bắt các cơ hội.