Chứng khoán Việt Nam đi ngược xu hướng quốc tế
Sau tuần giảm điểm, chứng khoán Việt Nam hồi phục tuần (6 – 10/3). VN-Index đóng cửa tuần ở 1.053 điểm, cao hơn 2,75% cuối tuần trước đó. Đà tăng 3,34% của nhóm VN30 đóng vai trò dẫn dắt chỉ số. Kém tích cực hơn, HNX-Index và UPCoM-Index tăng lần lượt 1,45% và 1,28%.
Sắc xanh của chứng khoán Việt Nam đi ngược với xu hướng chung của chứng khoán quốc tế. Trong tuần qua, hai chỉ số hàng đầu của chứng khoán Mỹ là S&P500 và Dow Jones giảm 4,55% và 4,44%. Tại khu vực châu Á, chứng khoán Hàn Quốc giảm 1,54%, kéo mức giảm kể từ đầu năm xuống còn 7,07%.
Trong khu vực Đông Nam Á, chứng khoán Thái Lan và Indonesia giảm nhẹ 0,45% và 0,71%. Kể từ đầu năm hai chỉ số này vẫn đang có hiệu suất âm trong khi VN-Index của Việt Nam đang tăng gần 5%.
Khối tự doanh đảo chiều bán ròng tuần 6 – 10/3
Cùng với diễn biến tích cực của VN-Index, thanh khoản cũng có sự cải thiện đáng kể tuần (6 – 10/3). Giá trị khớp kệnh bình quân trên sàn HOSE tăng hơn 15% lên 7.625 tỷ đồng. Tương tự, thanh khoản sàn HNX và thị trường UPCoM cũng tăng hơn 7%. Tuy nhiên, quy mô giao dịch tuần vừa qua vẫn thấp hơn khoảng 8% so với bình quân 20 phiên trước đó.
Xu hướng dòng tiền của từng bộ phận, khối ngoại giao dịch trái chiều với tự doanh của các công ty chứng khoán. Những tuần qua chứng kiến xu hướng giao dịch bất ổn từ những bộ phận tự doanh của các công ty chứng khoán với tuần mua bán ròng đan xen nhau.
Thống kê trong tuần 6 – 10/3, khối tự doanh bán ròng gần 627 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE sau khi đảo chiều mua ròng hơn 105 tỷ đồng tuần trước đó. Ba phiên giao dịch cuối tuần đều ghi nhận giá trị bán ròng trên 100 tỷ đồng. Riêng phiên 8/3 quy mô bán ròng trên HOSE đạt gần 274 tỷ đồng.
Phương thức bán ròng chủ yếu trên sàn HOSE trên tuần này chủ yếu qua kênh khớp lệnh với tổng giá trị hơn 566 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, khối tự doanh giao dịch cân bằng khi mua ròng nhẹ 0,1 tỷ đồng. Trong khi đó thị trường UPCoM tiếp tục bị rút ròng hơn 109 tỷ đồng.
Với giao dịch chứng chỉ ETF nội, khối tự doanh mua ròng tuần thứ ba liên tiếp với 35,1 tỷ đồng. Ba mã được mua ròng có FUEVFVND, FUESSVFL và E1VFVN30.
Mã chứng khoán nào được khối tự doanh mua bán nhiều nhất tuần (6 – 10/3)?
Thống kê giao dịch theo từng mã, cổ phiếu TSJ của CTCP Du lịch Dịch vụ Hà Nội dẫn đầu về giá trị bán ròng (122 tỷ đồng) trong tuần. Trong phiên 10/3, hơn 2,71 triệu cổ phiếu TSJ được trao tay theo phương thức thỏa thuận với giá trị 122 tỷ đồng.
Hoạt động bán ròng của khối tự doanh tuần này còn hướng đến các cổ phiếu ngân hàng với giá trị từ 20 đến 80 tỷ đồng như STB (77,7 tỷ đồng), VPB (54,6 tỷ đồng), TPB (27,3 tỷ đồng), ACB (26,9 tỷ đồng) và TCB (24,7 tỷ đồng).
Mặc dù chịu áp lực bán mạnh từ khối tự doanh, cổ phiếu STB của Sacombank giao dịch tích cực trong tuần khi tăng giá từ 25.000 đồng/cp lên 26.000 đồng/cp. Trong phiên 9/3, có thời điểm trong phiên cổ phiếu STB tăng kịch trần.
Ngoài các cổ phiếu trên, dòng tiền tự doanh còn rút khỏi nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn khác như FPT (43,3 tỷ đồng), VHM (27,7 tỷ đồng), MSN (27,6 tỷ đồng).
Ở chiều mua vào, cổ phiếu DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang dẫn dầu với giá trị hơn 20 tỷ đồng. Những mã khác được mua với giá trị dưới 15 tỷ đồng như VCI, TNG, HDG, MCH, QNS và VTP.
Khối tự doanh ưu tiên Bán (Short) tuần giao dịch khởi sắc
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, khối tự doanh ưu tiên cho vị thế Bán (Short) trong tuần này. Cụ thể, khối tự doanh mở vị thế 18.233 hợp đồng Bán (Short) với giá trị 1.879 tỷ đồng trong khi Mua (Long) 13.262 hợp đồng với giá trị 1.373 tỷ đồng.