Bài viết của tài khoản Annabesu trên trang Toutiao của Trung Quốc
Trong cuốn sách “Cha giàu cha nghèo” có một thuật ngữ gọi là “Rat race trap” mô tả hình ảnh con chuột phải chạy trên bánh xe để ăn pho mát trước mặt nó. Chuột chạy càng nhanh, bánh xe quay càng nhanh, chuột càng kiệt sức mà không thể với nổi 1 miếng pho mát.
Trên thực tế, nếu muốn ăn miếng pho mát, con chuột cần phải nhảy lên chứ không phải chạy về phía trước. Nhưng chuột lại chỉ biết vùi đầu chạy, tác dụng lực không đúng hướng, kết quả là vừa phí sức vừa không đạt được kết quả gì.
Nhiều người trong chúng ta cũng giống như con chuột, không ngừng chăm chỉ nỗ lực tiến về phía trước mà ít khi dừng lại để suy nghĩ đến phương pháp đúng đắn nhất, để rồi mắc kẹt trong guồng quay bận rộn của cuộc đời.
“Những nỗ lực không suy nghĩ là gốc rễ sự nghèo đói của chúng ta”, tác giả “Cha giàu cha nghèo” Robert Kiyosaki viết.
Xác định phương pháp đúng trước khi vùi đầu nỗ lực
Khi công ty tôi chuẩn bị đấu thầu 1 dự án lớn, lãnh đạo yêu cầu nhân viên chuẩn bị thông tin về những gì đối thủ cạnh tranh đã làm. Một tuần sau, đồng nghiệp của tôi gửi một bản báo cáo dài 50 trang, liệt kê thông tin 7-8 công ty khác cùng nhiều bài báo trong ngành.
Nhưng hầu hết các tài liệu này là thông cáo báo chí kém chất lượng, nguồn của các bài báo cũng không đáng tin cậy. Sếp lập tức từ chối và yêu cầu người này làm lại. Đồng nghiệp tôi suýt khóc, giọng bất bình: “Tại sao mình đã nỗ lực rất nhiều nhưng kết quả lại không như ý muốn?”
Tôi nghĩ những câu hỏi như vậy ít nhiều đã xuất hiện trong đầu chúng ta. Vì sao tăng ca đến đêm mà đồng nghiệp được thăng chức? Tại sao chúng ta đăng ký nhiều khóa học và chăm chỉ học tập mỗi ngày mà hiệu quả vẫn không cao?
Tôi từng đọc được câu viết này trên mạng xã hội: “Nỗ lực máy móc chỉ là một bài tập theo thói quen của cơ bắp, và siêng năng mà không suy nghĩ thực sự là sự lười biếng lớn nhất”.
Cũng giống như người đồng nghiệp của tôi, nỗ lực sai cách khi đo lường công sức bỏ ra bằng số trang báo cáo. Những gì anh ấy nghĩ là siêng năng lại kém hiệu quả vì không suy nghĩ thấu đáo, làm việc không logic, kết quả là rơi vào vòng luẩn quẩn của sự mệt mỏi.
Tỷ phú Rockefeller từng nói: "Làm việc chăm chỉ một cách mù quáng có thể sẽ phải trả giá đắt mà vẫn chẳng thu được gì."
Loại bỏ sự siêng năng kém chất lượng và phát triển thói quen suy nghĩ, nghiên cứu sâu trước khi bắt tay vào làm là bước đầu tiên để thăng tiến trong cuộc sống.
Điều thực sự nới rộng khoảng cách giữa người với người
Ông chủ của hãng xe Ford từng thuê chuyên gia đánh giá hiệu quả làm việc của nhân viên. Vị chuyên gia báo cáo sau khi kiểm tra: "Có một anh chàng lười biếng, suốt ngày ngồi gác chân ở văn phòng, có thể là kiểu nhân viên gây lãng phí tiền của ông”.
Ông chủ cười khi nghe điều đó: "Tôi biết anh chàng này lười biếng, nhưng anh ta từng nảy ra một ý tưởng giúp tiết kiệm cho công ty chúng tôi hàng triệu USD. Anh ta cũng gác chân lên bàn như thế khi nghĩ ra ý tưởng đó."
Trong cuộc sống hay nơi công sở, người ta thường chỉ nhìn vào kết quả nhiều hơn nhìn vào quá trình. Chúng ta luôn đề cao nỗ lực của bản thân, nhưng để đạt được kết quả thì cần phải có thêm “chiến thuật” làm việc khôn ngoan và hiệu quả hơn.
Làm thêm giờ mỗi ngày không khiến chúng ta trở thành người vĩ đại, và làm việc từ sáng đến tối chưa chắc đã khiến bản thân trở nên tốt hơn.Chỉ có cách phát triển tư duy, chịu khó đổi mới và đột phá, mở rộng tầm nhìn mới thấy được sự tiến bộ của bản thân.
Điều thực sự nới rộng khoảng cách giữa con người với nhau không bao giờ là mức độ nỗ lực, mà là chiều sâu suy nghĩ và chất lượng trong sự chăm chỉ.
Làm thế nào để có cuộc sống hiệu quả?
Chris Bailey, tác giả của cuốn sách "Đừng để những nỗ lực không hiệu quả hủy hoại bạn" đề xuất 3 yếu tố cần kiểm soát để có cuộc sống hiệu quả cao: Thời gian, năng lượng và tập trung.
Nếu chúng ta không có bất kỳ kế hoạch nào cho cuộc sống và công việc, cả ngày vội vã mà không tập trung, chúng ta sẽ đánh mất hiệu quả do bị phân tâm, sau đó rơi vào vòng luẩn quẩn “càng bận càng nghèo - càng nghèo càng bận”.
Tôi từng nghe chia sẻ của 1 blogger nổi tiếng. Cô sắp cuộc sống của mình mỗi ngày một cách trọn vẹn nhất: chạy bộ, đọc sách, dành thời gian cho con cái và chuẩn bị cho chứng chỉ kế toán sau giờ làm việc.
Nhưng sau một thời gian dài, cô không thu được kết quả như mong đợi. Nguyên nhân là do vừa chạy cô vừa nghĩ đến đọc sách, vừa đọc sách lại nghĩ xem làm bữa sáng cho con cái gì, đến công ty cô lại bận rộn bấm vô số tin nhắn khi đang làm việc.
Đến cuối ngày, năng lượng của cô gái bị rút cạn nghiêm trọng, cô không còn tâm trạng đọc truyện tranh cho con nghe chứ đừng nói là đọc sách liên quan đến thi cử.
Tôi nghĩ đến một cuộc khảo sát do Đại học Harvard thực hiện, nhắm vào một nhóm thanh niên có trí thông minh, trình độ học vấn và môi trường tương tự nhau.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người đặt mục tiêu dài hạn ngay từ đầu về cơ bản đã trở thành những người thành công sau 25 năm. Những người có mục tiêu ngắn hạn cũng thành công bước vào tầng lớp trung lưu của xã hội còn người không có mục tiêu hầu hết đều thất nghiệp và dựa vào cứu trợ xã hội để tồn tại.
Khi mục tiêu của một người rõ ràng, con đường dẫn đến mục tiêu sẽ thênh thang hơn. Ngày nào cũng bận rộn như nhau, liệu bạn đã biết cách quản lý mục tiêu và tìm ra phương pháp phù hợp để tối đa hóa nỗ lực của mình chưa?