Về diễn biến cụ thể, VN-Index mở cửa tuần trong sắc xanh với sự thận trọng của nhà đầu tư và sau đó bật tăng mạnh mẽ vào hai phiên ngày 8/3 và 9/3 giúp chỉ số chung tiếp cận lại khu vực kháng cự quanh 1.050.
Theo thống kê, trong tuần vừa qua, nổi bật nhất là nhóm cổ phiếu chứng khoán và hàng không, du lịch với mức tăng xấp xỉ 5%. Thêm vào đó, lực cầu cũng liên tục tìm đến nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, đóng góp góp tích cực vào chỉ số chung. Kết tuần, VN-Index đóng cửa tại 1.053 điểm, tăng 28,23 điểm, tương đương tăng 2,75% so với tuần trước.
Tác động tích cực đến thị trường là MSN, với nhịp tăng 10,4% tuần qua đã giúp VN-Index có thêm 2,92 điểm. Xếp vị trí thứ 2 và thứ 3 là VPB và VHM khi lần lượt góp 2,22 và 2,1 điểm. Ở hướng ngược lại, không một cái tên nào có tác động tiêu cực quá đáng kể đến đà hồi phục của chỉ số.
Trong tuần vừa qua, đà mua ròng của khối ngoại quay trở lại. Tính đến hết tuần, khối ngoại giải ngân 889 tỷ, tập trung vào các cổ phiêu SSI, HSG, POW. Tương tự, thị trường cũng chứng kiến sự thay đổi vị thế giao dịch của NĐT cá nhân khi họ chuyển hướng bán ròng 639 tỷ đồng trên HOSE, tính riêng khớp lệnh họ rút ròng 506 tỷ đồng.
Dòng tiền cá nhân chủ yếu rút khỏi nhóm “bank, chứng, thép”
Theo thống kê từ Fiintrade, tính riêng kênh khớp lệnh thì cán cân giao dịch nghiêng nhẹ bên bán với 10/18 các nhóm ngành bị bán ròng. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân bán ròng mạnh nhất cổ phiếu dịch vụ tài chính với giá trị 339 tỷ đồng.
Tiếp theo, nhà đầu tư cá nhân cũng bán ròng 328 tỷ đồng ở nhóm tài nguyên cơ bản trước khi rút ròng nhẹ hơn ở một số ngành như điện, nước & xăng dầu khí đốt (92 tỷ đồng), ngân hàng (70 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (69 tỷ đồng), dầu khí (44 tỷ đồng), …
Nhóm cổ phiếu ngân hàng có tuần giao dịch với tỷ trọng giá trị giao dịch tiếp tục tăng lên 22,28% toàn thị trường, chỉ số giá ngành tăng 2,87% trong tuần. Điều này cho thấy nhóm này có lực mua vào. Tính từ đầu năm, cổ phiếu của các nhà băng tăng 6,23% nhưng trong vòng một năm giảm 14,67%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng giao dịch sôi động trong tuần có STB, VPB, LPB, MBB, EIB, SHB, TPB, VCB, ACB, TCB, toàn bộ nhóm này tăng điểm trong tuần. Tính trong vòng một năm SHB và TCB là hai mã giảm mạnh nhất.
Chiều ngược lại, cổ phiếu ngành bất động sản dẫn đầu danh mục giải ngân với gần 159 tỷ đồng. Tương tự, nhóm hóa chất cũng được gom ròng với giá trị 137 tỷ đồng.
Bên cạnh hai lĩnh vực trên, giao dịch mua ròng tập trung tại các nhóm cổ phiếu bán lẻ (113 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (47 tỷ đồng), du lịch & giải trí (31 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (12 tỷ đồng), …
NĐT cá nhân tập trung xả HSG, song mua ròng mạnh nhất DCM
Thống kê giao dịch theo từng mã, lực xả lớn nhất được ghi nhận tại đại diện HSG của nhóm thép với 176,2 tỷ đồng. Giao dịch của các cá nhân trong nước gần như đối ứng với lực mua của NĐT nước ngoài.
Đồng thuận với giao dịch cổ phiếu của Tập đoàn Hoa Sen, SSI cũng bị bán ròng với giá trị 166,2 tỷ đồng. Kế đó, nhiều cổ phiếu ngành tài chính, ngân hàng cũng nằm trong danh mục rút vốn là CTG (128,3 tỷ đồng), VND (83,8 tỷ đồng), HDB (70,9 tỷ đồng), BID (62,3 tỷ đồng), VCI (55,6 tỷ đồng), …
Danh mục thoái vốn của cá nhân nội còn có sự góp mặt của các cổ phiếu vốn hóa lớn như HPG (117 tỷ đồng), POW (79,2 tỷ đồng), VNM (59,9 tỷ đồng), …
Chiều ngược lại, cổ phiếu DCM của Phân bón Dầu khí Cà Mau vươn lên trở thành mã được mua ròng nhiều nhất trong tuần qua. Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân mua ròng nhiều nhất 96,2 tỷ đồng cổ phiếu DCM, trái ngược so với lực xả từ phía nhà đầu tư nước ngoài (97,3 tỷ đồng).
Cùng chiều, một số cổ phiếu bất động sản cũng nằm trong top gom ròng, bao gồm NVL (89,8 tỷ đồng), DXG (62,8 tỷ đồng), KBC (51,4 tỷ đồng), …
Theo quan sát, lực cầu nâng đỡ của nhà đầu tư cá nhân vẫn đối trọng chủ yếu với lực bán ra của nhà đầu tư nước ngoài.