Khoa học viễn tưởng (sci-fi) và kỳ ảo (fantasy) là hai trong số những dòng phim có lượng người hâm mộ đông đảo nhất thế giới. Trong đó, có không ít tác phẩm không chỉ gây ấn tượng với khán giả đại chúng, mà còn chinh phục được cả giới chuyên môn, những nhà phê bình hay những cây viết nổi tiếng trên thế giới.
Đó chính là lý do vì sao rất nhiều bom tấn thuộc 2 thể loại này từng “làm mưa làm gió” tại sự kiện danh giá Giải thưởng Viện Hàn lâm (Oscars), với những chiến thắng ở các hạng mục quan trọng như Phim điện ảnh xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản xuất sắc nhất hay Nam chính/nữ chính xuất sắc nhất.
The Lord of the Rings: The Return of the King (2003)
Là phần cuối cùng trong bộ 3 phim Chúa Nhẫn của đạo diễn Peter Jackson, The Lord of the Rings: The Return of the King có thể xem là tượng đài trong dòng phim kỳ ảo mà đến tận ngày nay vẫn khó có tác phẩm nào vượt qua được. Bom tấn này đã giành chiến thắng ở 11 hạng mục tại lễ trao giải Oscars năm 2004, trong đó bao gồm giải thưởng Phim điện ảnh xuất sắc nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất.
Bên cạnh những danh hiệu cao quý, The Lord of the Rings: The Return of the King cũng góp phần lớn trong việc đưa dòng phim kỳ ảo đến gần hơn với khán giả đại chúng. Tác phẩm này cũng là nguồn cảm hứng to lớn cho rất nhiều dự án điện ảnh và truyền hình trong suốt 2 thập kỷ vừa qua, trong đó có thể kể đến loạt phim đình đám một thời Game of Thrones của HBO.
The Shape of Water (2017)
The Shape of Water nhận được 13 đề cử tại lễ trao giải Oscars năm 2018 và giành chiến thắng ở 4 hạng mục, trong đó bao gồm Phim điện ảnh xuất sắc nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất (Guillermo del Toro). Đáng chú ý hơn nữa, đây là năm mà The Shape of Water đã phải đối mặt với rất nhiều tên tuổi lớn, ví dụ như Dunkirk, The Post, Get Out, hay những đạo diễn tài năng như Paul Thomas Anderson và Christopher Nolan.
Lấy cảm hứng từng bộ phim kinh dị - khoa học viễn tưởng kinh điển Creature from the Black Lagoon, ra mắt vào năm 1954, The Shape of Water đã kể lại câu chuyện tình kỳ lạ giữa một cô lao công câm với một thủy quái kỳ lạ trong phòng thí nghiệm của Hoa Kỳ.
Gravity (2013)
Gravity là một trong những bộ phim thành công nhất năm 2013, và cũng là tác phẩm giành chiến thắng ở nhiều hạng mục nhất tại lễ trao giải Oscars năm 2014. Trong số 10 đề cử, Gravity giành được 7 tượng vàng, bao gồm cả giải Đạo diễn xuất sắc nhất dành cho Alfonso Cuarón.
Gravity đã mang đến câu chuyện về hành trình sinh tồn ngoài không gian của một phi hành gia không may gặp tai nạn trong vũ trụ. Và một phần lớn thành công của bộ phim này đến từ màn trình diễn xuất sắc của Sandra Bullock, người cũng nhận được đề cử ở hạng mục Nữ chính xuất sắc nhất.
Dr. Jekyll and Mr. Hyde (1931)
Cuốn tiểu thuyết The Strange Case of Dr Jekyll and Mr Hyde của Robert Louis Stevenson từng được nhiều lần chuyển thể thành phim điện ảnh. Tuy nhiên, phiên bản thành công nhất trong số đó có lẽ là bộ phim phát hành vào năm 1931, với 3 đề cử Oscars năm 1932 và 1 tượng vàng dành cho Fredric March ở hạng mục Nam chính xuất sắc nhất.
Dr. Jekyll and Mr. Hyde có thể xem là dự án thu hẹp khoảng cách giữa 2 dòng phim khoa học viễn tưởng và kinh dị. Với hàng loạt bản chuyển thể liên tục được thực hiện trong nhiều năm qua, bộ tiểu thuyết này vẫn cho thấy sức hút vượt thời gian của mình. Đối với người hâm mộ sci-fi, bản phim năm 1931 đánh dấu một cột mốc quan trọng khi một bộ phim thuộc thể loại mà họ yêu thích giành được chiến thắng quan trọng tại Oscars.
Charly (1968)
Dựa trên Flowers for Algernon, một trong những truyện ngắn khoa học viễn tưởng nổi tiếng nhất thế giới (và sau này được phát triển thành tiểu thuyết), Charly đã mang về tượng vàng Oscar danh giá cho Cliff Robertson vào năm 1969. Vào vai anh chàng thiểu năng trí tuệ Charly Gordon, Robertson đã mang đến một màn trình diễn hoàn hảo và vượt qua những tên tuổi như Peter O’Toole hay Alan Arkin một cách đầy thuyết phục.
Mặc dù tên tuổi đã phai nhạt trong thời hiện đại, thế nhưng Charly vẫn là 1 tác phẩm rất quan trọng của làng điện ảnh thế giới, khi là một trong những bộ phim đầu tiên có nhân vật chính là người khuyết tật. Bên cạnh đó, Charly cũng nằm trong số ít các dự án khoa học viễn tưởng thập niên 60 mà không sử dụng ý tưởng tàu vũ trụ, quái vật không gian, du hành thời gian hay cuộc xâm lược của người ngoài hành tinh.
Mary Poppins (1964)
Thường bị lãng quên trong thế giới đồ sộ và phong phú của phim kỳ ảo, thế nhưng Mary Poppins có thể xem là một hiện tượng vào năm 1964, và từng giành chiến thắng 5 trong số 13 đề cử tại lễ trao giải Oscars năm 1965. Đây là con số “khủng” nhất mà một dự án phim của Disney từng nhận được, đồng thời cũng mang tượng vàng về cho nữ chính Julie Andrews một cách cực kỳ xứng đáng.
Her (2013)
Mặc dù Joaquin Phoenix đã giành được tượng vàng Oscars danh giá vào năm 2019 với vai diễn Arthur Fleck trong bom tấn Joker, thế nhưng có không ít khán giả tin rằng đáng lẽ ra danh hiệu này đã đến với nam diễn viên từ 5 năm trước đó, thông qua bộ phim Her. Xoay quanh mối quan hệ thân thiết giữa 1 cá nhân với trí tuệ nhân tạo, Her đã nhận được tổng cộng 5 đề cử tại Oscars 2014, và giành chiến thắng ở hạng mục Kịch bản gốc xuất sắc nhất.
Điểm đặc biệt nhất ở bộ phim này chính là việc đạo diễn Spike Jonze đã khéo léo đưa yếu tố chính kịch, lãng mạn vào trong bối cảnh khoa học viễn tưởng. Từ đó, ông đã cho thấy ngay cả trí tuệ nhân tạo cũng có thể có cảm xúc, có những mâu thuẫn nội tâm và cả những mong ước thầm kín không hề khác gì con người.
Ghost (1990)
Nằm ngoài mong đợi của rất nhiều khán giả, Ghost là một trong những bộ phim thành công nhất năm 1990, với 5 đề cử cho giải Oscars 1991. Trong đó, tác phẩm này đã giành chiến thắng ở hạng mục Kịch bản gốc xuất sắc nhất dành cho biên kịch Bruce Joel Rubin, và Nữ phụ xuất sắc nhất dành cho Whoopi Goldberg.
Tình yêu lãng mạn và ma quỷ kinh dị là 2 yếu tố rất khó để kết hợp với nhau nếu như không nhắm tới mục đích hài hước, châm biếm. Thế nhưng, kịch bản thông minh của Rubin cùng với diễn xuất tốt của Patrick Swayze, Demi Moore và Whoopi Goldberg đã biến điều tưởng chừng như không thể đó trở nên khả thi và thậm chí còn thành công ngoài mong đợi.
Eternal Sunshine of the Spotless Mind (2004)
Eternal Sunshine of the Spotless Mind đã đẩy Jim Carrey vào một thế giới thậm chí còn tăm tối, bi kịch hơn cả dự án mà ông đã tham gia trước đó vào năm 1998, The Truman Show. Không còn là một kẻ ngây thơ với đầy bối rối, lần này Carrey đã hóa thân thành một nhân vật với nhiều nỗi niềm cay đắng, tuyệt vọng và khắc họa chân thật những mảng tối trong cuộc sống thực tế.
Eternal Sunshine of the Spotless Mind đã nhận được 2 đề cử Oscars 2005 và giành chiến thắng ở hạng mục Kịch bản gốc xuất sắc nhất dành cho biên kịch Charlie Kaufman. Kaufman cũng là người có sở trường khai thác những vấn đề nóng hổi, quan trọng trong xã hội theo những cách đầy bất ngờ, qua đó cho phép khán giả nhìn cuộc sống và vũ trụ theo một góc nhìn hoàn toàn khác.
Midnight in Paris (2011)
Woody Allen đã nhận được nhiều đề cử cho hạng mục Kịch bản gốc xuất sắc nhất hơn bất kỳ biên kịch nào khác, và giành được chiến tới 4 lần, trong đó bao gồm cả Midnight in Paris. Bộ phim này xoay quanh Gil Pender (Owen Wilson), một nhà văn người Mỹ cảm thấy lạc lõng trong cuộc sống hiện đại tại Paris, nhưng lại vô tình tìm thấy cảm hứng cũng như những câu trả lời cần thiết cho bản thân tại chính thành phố này vào những năm 1920 - khoảng thời gian mà anh có thể trải nghiệm sau nửa đêm.
Bộ phim này không chỉ thể hiện kỹ năng xử lý nhân vật và lời thoại đỉnh cao của Allen, mà còn làm nổi bật sở trường lớn nhất của biên kịch này: Đó là đặt khán giả vào góc nhìn và vị trí của một người mà họ vốn không hề liên quan hay ngưỡng mộ, nhưng cuối cùng lại ước bản thân được trở nên giống nhân vật đó.
Get Out (2017)
Get Out là bom tấn kinh dị từng làm mưa làm gió vào năm 2017, xoay quanh một nhóm nhà giàu với kế hoạch cấy ghép não vào cơ thể khỏe mạnh, trẻ trung hơn của những nạn nhân da màu để tìm cách tiến gần hơn với sự bất tử. Jordan Peele không chỉ là đạo diễn, mà còn là người đã đích thân viết kịch bản và sản xuất bộ phim này, để mang đến cho khán giả một câu chuyện thông minh, sâu sắc, và mang về cho bản thân tượng vàng ở hạng mục Kịch bản gốc xuất sắc nhất tại lễ trao giải Oscars năm 2018.
Thực tế đã chỉ ra rằng hầu hết những giải Oscar quan trọng mà các bộ phim khoa học viễn tưởng hay kỳ ảo nhận được đều bao gồm cả hạng mục Kịch bản xuất sắc nhất cho thấy dòng phim này không hề chỉ dựa vào kỹ xảo hay hành động để thu hút khán giả. Một câu chuyện hay, được kể lại một cách thông minh thông qua quá trình sản xuất chỉn chu, có thể phá vỡ bất kỳ giới hạn nào của điện ảnh, giống như những gì mà Get Out đã làm được.
Nguồn: Collider