Chứng khoán

Tuần 10 – 14/10: NĐT cá nhân bán ròng khớp lệnh 1.680 tỷ đồng trên HOSE, tập trung xả VNM, nhưng mua ròng mạnh nhất TCB

Giữa những thông tin nhiễu động từ thị trường trong nước và quốc tế, NĐT đã thể hiện sự lo lắng, thậm chí có phần hoảng loạn trong diễn biến hai phiên đầu tuần. Nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản và những doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu lớn đã bị bán mạnh.

VN-Index từ mức 1.035 của tuần trước đã chạm mức thấp nhất tại 998, sau đó đã hồi phục nhờ lực mua vào khi thấy định giá cổ phiếu về vùng giá thấp. Chỉ số đã tăng điểm liên tiếp trong ba phiên cuối tuần, hồi phục gần 60 điểm từ đáy. So với tuần trước, VN-Index đã tăng 25,94 điểm, tương đương 2,5%.

Theo dõi diễn biến theo nhóm ngành, ngân hàng là nhóm đóng góp nhiều nhất đến VN-Index với 5 mã trong top 10, trong đó BID và CTG có mặt trong top 3. Tổng cộng 5 mã ngân hàng đã giúp VN-Index tăng 13,2 điểm trong tuần. Ngoài ngân hàng, các cổ phiếu nhóm tiện ích (GAS), vật liệu (HPG, DGC), thực phẩm (VNM) và bán lẻ (MWG) cũng trong top 10.

Ở chiều tiêu cực, nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc ảnh hưởng chính đến VN-Index, trong đó VHM và NVL là hai mã tác động lớn nhất. Trong tuần khối ngoại trở lại mua ròng với giá trị hơn 2.800 tỷ đồng, trong đó DGC, TCB và VNM là những mã được ròng mạnh nhất với giá trị lần lượt là 297 tỷ đồng, 276 tỷ đồng và 234 tỷ đồng.

Giao dịch đồng pha với khối ngoại, NĐT cá nhân mua ròng 2.940 tỷ đồng trên HOSE, tuy nhiên tính riêng khớp lệnh thì nhóm cá nhân bán ròng 1.680 tỷ đồng.

Dòng tiền cá nhân rút mạnh khỏi nhóm hóa chất, thực phẩm, thép qua kênh khớp lệnh

Theo thống kê từ Fiintrade, nếu tính riêng kênh khớp lệnh thì cán cân giao dịch nghiêng về bên bán với tỷ lệ ngành bị bán ròng/mua ròng là 14/4. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân đảo chiều bán ròng cổ phiếu của các doanh nghiệp hóa chất. Nhóm này bị xả ròng 592 tỷ đồng dù chỉ số giá ngành thuộc top 2 tăng điểm, chỉ sau cổ phiếu bán lẻ. Tỷ trọng giá trị giao dịch của nhóm hóa chất cũng tăng từ 6,32% lên 6,8%.

Tiếp theo, nhà đầu tư cá nhân cũng bán ròng 433 tỷ đồng ở nhóm thực phẩm & đồ uống, trước khi rút ròng nhẹ hơn khỏi lần lượt một số ngành như tài nguyên cơ bản (400 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (142 tỷ đồng), bán lẻ (132 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (108 tỷ đồng).

Ngoài ra, dòng tiền cá nhân rút ròng dưới trăm tỷ đồng khỏi các ngành bảo hiểm, công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính, hàng cá nhân & gia dụng, ô tô và phụ tùng, xây dựng và vật liệu, y tế.

 Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Chiều ngược lại, lực cầu chủ yếu tập trung ở nhóm bất động sản với gần 268 tỷ đồng. Điều đó cho thấy sức hút của ngành này đối với các NĐT cá nhân trong nước mặc dù nhóm này có nhịp giảm 1,69% tuần qua. Tỷ trọng giá trị giao dịch cũng suy giảm từ 20,87% về 19,25%.

Theo sau, lực cầu của cá nhân trong nước tìm đến các ngành ngân hàng (128 tỷ đồng), du lịch & giải trí (77 tỷ đồng), truyền thông (0,2 tỷ đồng).

Thống kê của FiinTrade chỉ ra nhóm ngân hàng có tuần giao dịch mạnh với tỷ trọng giá trị giao dịch tăng lên 19,03% toàn thị trường, cao nhất trong 10 tuần liên tiếp, chỉ số giá ngành tăng 4,12%. Điều này cho thấy cầu đang vào mạnh nhóm này. Cổ phiếu ngân hàng được mua mạnh sau khi có chuỗi giảm sàn liên tiếp nhiều phiên trước đó.

Trong tuần top cổ phiếu tăng điểm là CTG, BID, ACB, PGB, SHB, NAB, STB, VPB, VBB, MBB, toàn bộ tăng trên 5%, riêng CTG, BID, ACB tăng trên 10%.

NĐT tập trung xả VNM, nhưng mua ròng mạnh nhất TCB 

Thống kê giao dịch theo từng mã, lực xả lớn nhất được ghi nhận tại đại diện VNM của nhóm thực phẩm đồ uống với 263,7 tỷ đồng. Giao dịch của các cá nhân trong nước gần như đối ứng với lực mua của tổ chức nội và tự doanh.

Đồng thuận với giao dịch tại cổ phiếu Vinamilk, HPG của Tập đoàn Hòa Phát cũng chịu lực xả ròng hơn 261,2 tỷ đồng. Tương tự, loạt cổ phiếu hóa chất cũng nằm trong Top bán ròng, bao gồm DGC, DPM và DCM với giá trị lần lượt là 245,7 tỷ đồng, 206,9 tỷ đồng và 141,2 tỷ đồng.

Danh mục thoái vốn của cá nhân nội còn có sự góp mặt của SSI (152,1 tỷ đồng), KBC (148,8 tỷ đồng), CTG (147,5 tỷ đồng), FRT (117,2 tỷ đồng) và ACB (104,8 tỷ đồng).

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu TCB của Techcombank vươn lên trở thành mã được mua ròng nhiều nhất trong tuần qua. Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân mua ròng trên 294 tỷ đồng cổ phiếu TCB, trái ngược so với lực xả từ phía tổ chức trong nước (83,3 tỷ đồng) và tự doanh (211 tỷ đồng).

Cùng chiều, cổ phiếu NVL của Novaland cũng được mua ròng hơn 241,5 tỷ đồng và được hấp thụ bởi các nhóm nhà đầu tư còn lại. Tương tự loạt mã bất động sản cũng nằm trong Top gom ròng, bao gồm VHM và VIC với giá trị lần lượt 128,8 tỷ và 113,9 tỷ đồng.

Hoạt động giải ngân cũng được chứng kiến ở nhiều cổ phiếu ngân hàng như VPB (98,3 tỷ đồng), STB (61,7 tỷ đồng), MBB (57,1 tỷ đồng) và TPB (42,7 tỷ đồng).

Tại giao dịch chứng chỉ quỹ, E1VFVN30 cũng được mua ròng với giá trị 42,2 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm