“Bữa trưa cho dân văn phòng bận rộn" là chủ đề mà đầu bếp của Cuộc Chiến Ẩm Thực tuần này sẽ giới thiệu và hướng dẫn đến các khán giả theo dõi chương trình với những món ăn không những ngon, bổ dưỡng mà vô cùng tiện lợi.
Bắt đầu sang Trung Quốc từ năm 2013, chị Dung đã quyết định du học và làm việc cho đến tận bây giờ. Hiện tại, chị học lên cao học và làm công việc của một TikToker nhưng trước đó chị đã là một nhân viên văn phòng chính hiệu tại một công ty về công nghệ nổi tiếng ở Trung Quốc.
Chị Trịnh Thị Mỹ Dung hay còn gọi là Đậu - Nguồn: dauchinavlog
Căng tin siêu xịn của công ty công nghệ, hỗ trợ nhân viên tiền ăn 4 bữa/ngày!?
Cuộc sống của dân văn phòng tùy từng nơi, tùy từng văn hóa sẽ có những đặc điểm khác nhau. Khi bắt đầu nhận việc tại Trung Quốc, chị Dung cho biết: "Điều đầu tiên, mình rất ấn tượng khi HR rất chuyên nghiệp. Hôm đi làm đầu tiên sẽ chuẩn bị cho mình hồ sơ và một tờ giấy hướng dẫn những việc cần làm dành cho người mới để bạn khỏi bỡ ngỡ. Và mỗi người sẽ được phát một bộ máy tính hoàn toàn mới. Mọi người cũng rất là vui vẻ, hỗ trợ mình".
Có một điều mà chị Dung khi nói khiến nhiều dân văn phòng ở Việt Nam mong ước đó là giờ bắt đầu làm việc của công ty chị thường bắt đầu khá trễ. Nếu như ở Việt Nam, giờ làm việc bắt đầu từ khoảng 8h-9h thì công ty của chị Dung lại bắt đầu từ 10h30 và kết thúc lúc 7h tối, bữa trưa thì có từ 1 tiếng rưỡi hoặc 2 tiếng để nghỉ trưa.
Bữa trưa tại công ty vô cùng đầy đủ và hoàn toàn được free - nguồn: dauchinavlog.
Về bữa trưa tại công ty, chị Dung chia sẻ: "Công ty sẽ hỗ trợ toàn bộ tiền ăn cho nhân viên 4 bữa sáng, trưa, chiều, tối. Buổi trưa và tối được đặt trên app tùy bạn chọn. Cơm sẽ được đặt trên app từ ngày hôm trước, có nhiều nhà hàng và món ăn để bạn chọn. Trước giờ cơm 30 phút thì nhà hàng sẽ đem đồ ăn và bỏ vào tủ của công ty, ngăn tủ đựng đồ ăn của bạn sẽ được gửi tin nhắn vào điện thoại. Tủ này có chức năng giữ ấm đồ ăn và tia cực tím để diệt khuẩn thường xuyên. Còn nếu ở các chi nhánh nhỏ hơn của công ty sẽ được trợ cấp 25 tệ/ phần ăn (tầm 90.000 đồng). Ngoài phần cơm cho các bữa mọi người còn được cung cấp những bữa ăn nhẹ."
Còn về hoạt động giờ trưa, chị Dung nói: "Hoạt động giờ trưa của dân văn phòng Trung cũng không khác gì dân văn phòng Việt nhiều. Mọi người sau khi ăn xong thì có thể nghỉ ngơi, nghe nhạc, xem phim hoặc đi tán gẫu với đồng nghiệp tại quán cà phê."
Văn phòng ở Trung Quốc ghế ngồi thường là những ghế có thể biến thành cái giường ngủ vô cùng tiện nghi - nguồn: dauchinavlog.
Và một trong những điều chị Dung tiết lộ là tại văn phòng Trung Quốc mọi người thoải mái ăn uống, việc ăn uống trong công ty và chia sẻ đồ ăn vặt với nhau là chuyện bình thường.
Làm nghề tay trái ở Trung Quốc có dễ?
Ngoài chuyện ăn ngủ nghỉ vào giờ trưa, thì có lẽ chuyện làm thêm nghề tay trái vào giờ này cũng chẳng còn là điều xa lạ đối với dân văn phòng Việt. Nhưng làm thế nào để có thể vừa đảm bảo được công việc chính, vừa duy trì được nghề tay trái là điều không mấy ai làm được. Để có thể đáp ứng được thì có lẽ bạn phải là người có sức khỏe tốt, biết sắp xếp thời gian nghỉ ngơi.
Nghề tay trái của VĐV Olympic: Từ người mẫu đến người đưa thư Khám phá nghề tay trái của cầu thủ: Từ nghệ thuật đến kinh doanh Nghề tay trái của trọng tài World Cup: Triệu phú, thợ cắt tóc, và... võ sĩ vật
Như đã chia sẻ ở trên chị Dung ngoài công việc văn phòng còn làm thêm nghề tay trái là một TikToker. Nói về công việc của bản thân, chị cho biết: "Công việc của mình chủ yếu làm việc trên nền tảng app, mỗi ngày sẽ xem số liệu, phân tích và đưa ra phương án giải quyết. Ngoài ra còn phiên dịch, nói chung khá áp lực".
Chị Dung làm việc liên tục trong ngày - nguồn: dauchinavlog.
Chia sẻ một ngày của bản thân khi làm song song hai công việc, chị tâm sự: "Cường độ làm việc rất cao, dường như là phải chạy đua với thời gian. Lúc còn đi làm văn phòng thì sáng 7h mình dậy tranh thủ tập thể dục, 8h ra khỏi nhà đi tàu điện ngầm đến công ty, thời gian ngồi tàu là 30 phút, mình tranh thủ thời gian này để làm video đăng lên tiktok. Đến công ty thì mình tập trung vào công việc, buổi trưa mình vừa ăn vừa viết kịch bản cho video tiếp theo hoặc tranh thủ livestream với mọi người. Tối thì sau giờ làm mình live bán hàng và hay kết thúc vào lúc 2-3h sáng. Nói chung là thiếu ngủ trầm trọng. Sức khoẻ mình có ảnh hưởng rất nhiều, bắt đầu có tóc bạc, nếp nhăn và tăng cân do áp lực".
Tranh thủ làm việc mỗi khi rảnh và thường xuyên phải thức khuya để làm việc - nguồn: dauchinavlog
Khi được hỏi liệu có phải bên Trung họ đều có xu hướng làm nghề tay trái không thì chị Dung cho biết: "Thật ra hầu hết bên này họ chỉ làm một công việc và sẽ tập trung toàn lực cho công việc đó. Cũng một phần là thời gian làm việc bên này rất vất vả, họ về đến nhà cũng 10-11h tối và tranh thủ ăn uống nghỉ ngủ để lấy sức mai làm tiếp. Vì vậy, chắc chỉ có một số ít người sức khỏe tốt chịu được áp lực cao mới cố gắng nhận thêm việc thứ hai để làm".
Luôn làm mới mình để việc llivestream không trở nên nhàm chán, thu hút khách hàng - nguồn: dauchinavlog.
Và sau một thời gian làm song song hai việc, chị Dung cũng đã phải gác lại công việc văn phòng để tập trung vào việc học và làm TikTok livestream bán hàng. "Cũng thuận lợi khi công việc TikTok livestream bán hàng có lương cao hơn văn phòng rất nhiều, mình lại có thể chủ động về thời gian hơn", chị Dung nói.
Chia sẻ hơn về cuộc sống sau khi nghỉ việc, chị cho biết: "Bản thân mình tập trung cho việc học và livestream bán hàng, bán hàng cũng là một niềm đam mê. Mình có thời gian đi đây đi đó khám phá Trung Quốc nhiều hơn, thời gian dành cho bản thân nhiều hơn, gặp gỡ và giao lưu với bạn bè mà có lẽ nếu làm công việc văn phòng thì rất khó để có thể gặp được".